Chẩn đoán và điều trị nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận – Lọc máu – Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu được xem là nhiễm khuẩn khởi phát từ đường tiết niệu, sau đó vi khuẩn vào dòng máu gây ra những triệu chứng toàn thân.

1. Chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do nhiễm khuẩn tiết niệu

Nhiễm khuẩn huyết được chẩn đoán khi có bằng chứng về nhiễm khuẩn đi kèm với dấu hiệu của hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (SIRS) gồm: sốt hoặc hạ thân nhiệt, tăng bạch cầu hoặc giảm bạch cầu, nhịp tim nhanh, thở nhanh được xem là những biến cố đầu tiên của suy đa cơ quan.

Nhiễm khuẩn huyết nặng được xác định khi có triệu chứng của rối loạn chức năng các cơ quan và sốc nhiễm khuẩn được xác định khi có tụt huyết áp đi kèm với thiếu oxy mô.

Khám thực thể trong bệnh nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu không giúp ích nhiều cho việc chẩn đoán, ngoại trừ bệnh nhân có viêm thận - bể thận, cơn đau quặn thận do sỏi hoặc có nghẽn tắc hoặc viêm tuyến tiền liệt.

Thực hiện tổng phân tích nước tiểu, nhuộm gram, cấy nước tiểu và cấy máu là những xét nghiệm cần làm để chẩn đoán xác định. Trong khi kết quả cấy máu chưa có, nhuộm gram nước tiểu có thể cung cấp thông tin về nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

1.1. Bệnh nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu mắc phải trong bệnh viện

Bệnh thường hướng tới nguyên nhân trực tiếp do bệnh nhân thực hiện thủ thuật với dụng cụ niệu khoa, có mối liên hệ về thời gian giữa thủ thuật và khởi phát của nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân điều trị ở khoa hồi sức cấp cứu, có đặt ống thông Foley và có nhiễm khuẩn niệu hầu như không bao giờ sốt trừ khi bệnh nhân có đái tháo đường, bệnh lupus đỏ hệ thống hoặc đang điều trị corticosteroids. Chẩn đoán hình ảnh học CT scan, cộng hưởng từ của bụng/đường tiết niệu - sinh dục có thể phát hiện sự tiến triển của nhiễm khuẩn trong ổ bụng và là nguyên nhân gây sốt.

1.2. Bệnh nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu mắc phải trong cộng đồng

Bệnh có thể kèm sỏi niệu hoặc bệnh của cấu trúc đường niệu, viêm tuyến tiền liệt cấp, áp xe tuyến tiền liệt hoặc viêm thận - bể thận cấp. Viêm thận - bể thận cấp được chẩn đoán khi nhiệt độ >39.5°C ở bệnh nhân có đau góc sườn cột sống với nguồn gốc từ thận, kết quả xét nghiệm tìm thấy vi khuẩn và bạch cầu trong nước tiểu.

2. Các dấu ấn sinh học hỗ trợ chẩn đoán

Hiện nay có nhiều dấu ấn sinh học (biomarkers) giúp hỗ trợ chẩn đoán xác định cũng như đánh giá tiên lượng và đáp ứng điều trị của tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết nặng và sốc nhiễm khuẩn. Các dấu ấn thường sử dụng trên lâm sàng như đo nồng độ cytokine, CRP, lactate máu, procalcitonin.

  • Các cytokine bị tác động trong cơ chế bệnh sinh của hội chứng nhiễm trùng. Đây là những peptide tham gia vào việc gia tăng và kéo dài đáp ứng viêm của bệnh nhân.
  • Procalcitonin là một propeptide của calcitonin nhưng không có hoạt tính nội tiết. Bình thường, mức procalcitonin thấp, không phát hiện được ở người bình thường khỏe mạnh. Trong quá trình nhiễm khuẩn nặng (do vi khuẩn, ký sinh trùng, vi nấm) với những biểu hiện toàn thân, procalcitonin có thể tăng đến >100ng/mL. Ngược lại, trong quá trình nhiễm virus hoặc phản ứng viêm của các tác nhân không phải nhiễm khuẩn, procalcitonin chỉ tăng ở mức độ vừa hoặc không tăng. Mức procalcitonin cao hoặc gia tăng đột ngột phải nhanh chóng tìm kiếm ổ nhiễm khuẩn.

3. Điều trị nhiễm khuẩn huyết do nhiễm khuẩn tiết niệu


Nhiễm khuẩn từ đường tiết niệu gây nhiều hậu quả xấu cho người bệnh
Nhiễm khuẩn từ đường tiết niệu gây nhiều hậu quả xấu cho người bệnh

Điều trị nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu đòi hỏi phải phối hợp điều trị các nguyên nhân, điều trị hồi sức và kháng sinh thích hợp. Điều trị kháng sinh phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh và những vấn đề liên quan.

Vi sinh vật gây bệnh trong nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu mắc phải từ cộng đồng là trực khuẩn gram âm hiếu khí hoặc cầu trùng gram dương (Streptococcus nhóm B hoặc D). Việc điều trị kháng sinh khởi đầu theo kinh nghiệm cần được tiến hành ngay. Trực khuẩn gram âm hiếu khí không là vấn đề lớn nếu là E.coli, Proteus, Klebsiella vì kháng sinh điều trị bao phủ sẽ kháng lại tất cả những nguyên nhân mắc phải từ cộng đồng.

Nhiễm khuẩn huyết từ nhiễm khuẩn đường tiết niệu trong bệnh viện gây ra do trực khuẩn gram âm hiếu khí. Điều trị bao phủ phải hướng đến điều trị kháng lại P.aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh), có thể phủ cả các bệnh nguyên gây nhiễm khuẩn bệnh viện hiếu khí trừ vi khuẩn Pseudomonas không phải aeruginosa.

Nếu Pseudomonas không phải aeruginosa thì không nên điều trị kháng sinh nhóm aminoglycosid, kháng sinh nên chọn lựa là Cotrimoxazol hoặc một kháng sinh nhóm quinolon. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay ở nước ta, các trực khuẩn Gram âm nói chung và các trực khuẩn Gram âm gây bệnh ở đường tiết niệu nói riêng thường đã đề kháng cao với các cephalosporin thế hệ 3 và các quinolon, việc chọn kháng sinh thích hợp cần dựa trên cơ sở hệ sinh thái vi khuẩn và tình hình kháng kháng sinh của mỗi cơ sở điều trị.

4. Điều trị hỗ trợ


Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp gói khám sàng lọc bệnh lý tiết niệu
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp gói khám sàng lọc bệnh lý tiết niệu

Ngoài việc điều trị đặc hiệu với kháng sinh, trị liệu cân bằng nước điện giải là một vấn đề mấu chốt trong chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt nếu có sốc nhiễm khuẩn. Việc sử dụng Human albumin vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Bồi hoàn thể tích máu với lượng dịch lớn và thuốc vận mạch có tác động lớn đến kết quả trị liệu.

Những can thiệp sớm với các biện pháp thích hợp như duy trì sự tưới máu ở mô và chuyển vận oxy đầy đủ bằng thiết lập dịch truyền, ổn định huyết áp động mạch và đảm bảo đủ khả năng vận chuyển oxy. Hydrocortisone có lợi cho những bệnh nhân suy giảm tương đối chức năng của trục tuyến yên–vỏ thượng thận (adrenocortical test).

Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ đường huyết (nếu cần) với liều Insulin có thể đến 50 U/giờ có liên quan đến việc làm giảm tử vong.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp Gói Khám sàng Lọc bệnh lý tiết niệu với nhiều tiện ích, bao gồm: Phát hiện sớm khả năng có thể mắc các bệnh tiết niệu. Đặc biệt là các bệnh lý về tiền liệt tuyến (phì đại lành tính tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến). Các bệnh lý sỏi tiết niệu.... từ đó giúp khách hàng có những biện pháp dự phòng bệnh.

Khi đăng ký Gói khám sàng lọc bệnh lý tiết niệu, khách hàng sẽ được khám chuyên khoa ngoại tiết niệu, siêu âm, cấy nước tiểu...để phát hiện bệnh chính xác và kịp thời.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Thị Thanh Thùy là bác sĩ chuyên khoa Nội thận với hơn 15 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh thận nội khoa, chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, sàng lọc trước ghép thận và theo dõi sau ghép. Hiện tại, bác sĩ Thùy đang làm viêc tại Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe