Cơn hen ác tính bao gồm cơn hen nặng và hen nguy kịch mà không có khả năng đáp ứng với thuốc điều trị giãn phế quản tích cực. Hen phế quản là bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được và người bệnh sẽ có cuộc sống bình thường nếu được xử trí, điều trị và dự phòng tốt.
1. Tổng quan về bệnh hen phế quản ác tính
Hen ác tính (Status Asthmaticus) là tình trạng hen không đáp ứng với những phương pháp điều trị tích cực ban đầu và bệnh nhân có dấu hiệu khó thở ngày càng nặng dần. Các triệu chứng hen ác tính thường xảy ra sau vài ngày nhiễm virus, tiếp xúc với các tác nhân kích thích, gắng sức nặng trong môi trường lạnh.
Hen ác tính đa phần xảy ra trên những bệnh nhân sử dụng thuốc không đầy đủ, nhất là thuốc kháng viêm hoặc lạm dụng thuốc cắt cơn.
2. Chẩn đoán và nhận biết cơn hen ác tính
Cơn hen ác tính là cơn hen nặng nguy kịch (rất nặng) mà không có khả năng đáp ứng với điều trị bằng thuốc giãn phế quản tích cực. Có 2 loại khởi phát cơn là:
- Cơn khởi phát chậm chiếm 90% và có xu hướng tiến triển nặng dần sau 6 giờ.
- Cơn tiến triển đột ngột hiếm gặp hơn, chỉ chiếm khoảng 10%.
2.1 Hen nặng
Cơn hen phế quản nặng thể hiện ở các dấu hiệu:
- Khó thở nặng trong nhiều giờ;
- Có xu hướng cúi người ra phía trước;
- Người bệnh khó chịu, vật vã, xanh tái;
- Chỉ nói được từng từ;
- Tiếng thở khò khè to;
- Nhịp thở thường > 30 lần/phút,
- Tần số tim mạch: >120/phút, huyết áp tăng;
- Co kéo cơ hô hấp phụ và hõm trên xương ức nhiều;
- Mạch nghịch (thường có): >25mmHg;
- Lưu lượng đỉnh kế thở ra (PEF) sau lần dùng thuốc giãn phế quản đầu tiên ở khoảng: 60-80%
- Khí máu động mạch: PaO2 > 60 mmHg, PaCO2 >45mmHg (suy hô hấp);
- SaO2 hoặc SpO2: <90%
Người bệnh được đánh giá mắc hen phế quản nặng khi:
- Có từ 4 dấu hiệu nặng trở lên;
- Khả năng đáp ứng điều trị bằng thuốc giãn phế quản kém;
- Đã có tiền sử đặt nội khí quản hay thở máy; nhập cấp cứu nhiều lần; đã sử dụng Corticoid (chất kích thích tuyến thượng thận) toàn thân.
2.2. Hen nguy kịch
Cơn hen phế quản nguy kịch thể hiện ở các dấu hiệu:
- Khó thở, thở ngáp;
- Bệnh nhân ở trạng thái lơ mơ, lú lẫn;
- Không thể nói chuyện;
- Nhịp thở chậm;
- Nhịp mạch chậm;
- Không thở khò khè;
- Thở ngực - bụng luân phiên;
- Có thể không thấy mạch nghịch đảo;
Người bệnh được đánh giá mắc hen phế quản nguy kịch khi có một trong các dấu hiệu sau xuất hiện ở người bệnh có cơn hen phế quản nặng:
- Rối loạn ý thức, mất ý thức.
- Tiếng rì rào phế nang và tiếng ran rít trong phổi giảm hoặc không nghe thấy;
- Hô hấp vùng ngực - bụng nghịch thường (dấu hiệu của kiệt sức cơ hô hấp);
- Thở chậm, cơn ngừng thở;
- Tần số tim chậm, hạ huyết áp.
3. Các biện pháp điều trị hen ác tính
Đối với những dấu hiệu của hen ác tính, cần phản ứng nhanh cấp cứu lúc ban đầu, nhanh chóng gọi hỗ trợ của tuyến trên và phối hợp chuyển bệnh nhân lên tuyến y tế có điều kiện và khả năng theo dõi và điều trị cho bệnh nhân.
3.1. Sử dụng thuốc giãn phế quản
Là thuốc điều trị chính nên sử dụng càng sớm càng tốt. Hầu hết bệnh nhân sẽ đáp ứng với thuốc trong 1 giờ đầu.
Cách dùng:
- Đường hít: 4-8 nhát bóp của dụng cụ hít định liều mỗi 20 phút và có thể hiệu quả trong 4 giờ. Sau đó dùng mỗi 1-4 giờ nếu cần.
- Phun khí dung: phun khí dung Albuterol liên tục 10 - 15mg/ giờ hay gián đoạn 2,5 . 5mg/ 2,5ml Normal saline mỗi 5 - 20 phút tùy thuộc vào mức độ nặng của cơn hen.
Theo đó, cần chú ý với bệnh nhân cường giáp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch. Tác dụng phụ có thể gặp như: kích thích, rối loạn nhịp tim và hạ kali máu.
3.2. Thuốc kháng Cholinergic
Có hiệu quả khi hỗ trợ với thuốc cường giao cảm nên dùng sớm trong những cơn hen nặng.
Cách dùng:
4 - 8 nhát bóp Ipratropium của dụng cụ hít định liều với buồng đệm hay 0,5mg phun khí dung mỗi 4, 6 giờ.
3.3. Thuốc kháng viêm Corticoid
Corticoid là thuốc cần thiết trong cấp cứu cơn hen ác tính và nên dùng càng sớm càng tốt. Có tác dụng làm giảm viêm, tăng số lượng và nhạy cảm của các thụ thể beta, ức chế sự di chuyển và chức năng của bạch cầu ái toan (Eosinophil).
Nên dùng Corticoid toàn thân cho tất cả các bệnh nhân hen nhập viện nhất là các bệnh nhân không đáp ứng hoàn toàn với điều trị thuốc beta 2 ban đầu. Dùng Corticoid có tác dụng làm giảm nhu cầu nhập viện, giảm tái phát và giảm nguy cơ tử vong do hen. Để đạt được hiệu quả cần ít nhất 4 - 6 giờ, thời gian điều trị 3-7 ngày.
Cách dùng:
Đường uống/ đường tĩnh mạch. Tuy nhiên trong xử trí hen ác tính nên dùng qua đường tĩnh mạch để đảm bảo đủ liều lượng thuốc điều trị.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra là tăng lượng đường huyết, tăng huyết áp và hạ kali máu (gây yếu cơ)
Trừ trường hợp bệnh nhân mắc suy tim hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen ác tính thường có tiên lượng tốt. Kiểm soát cơn hen tốt là cách tốt giảm tỷ lệ hen ác tính và tử vong.
3.4. Methylxanthine
Methylxanthine là nhóm thuốc giãn phế quản có tác dụng kéo dài với tính chất tương tự caffeine. Methylxanthine đã từng được sử dụng nhiều để điều trị hen ác tính nhưng vì những tác dụng phụ nhất định (rối loạn nhịp nhanh, buồn nôn, co giật, lo lắng) nên hiện ít được sử dụng hơn. Hai loại Methylxanthine phổ biến thường được dùng trong điều trị hen suyễn là: Theophylline và Aminophylline.
3.5. Các phương pháp khác
Ngoài những phương pháp điều trị ở trên, còn có thể xử trí hen ác tính bằng truyền oxy, bù hoàn nước và điện giải, sử dụng kháng sinh, Magnesium sulfate hoặc biện pháp cuối cùng là thông khí cơ học. Cần cân nhắc trước tình trạng hen, bệnh sử của người bệnh để đưa ra phương pháp điều trị hen ác tính phù hợp.
Bệnh hen phế quản ác tính nếu không được chẩn đoán và kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng đời sống, thậm chí là tử vong. Do đó khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh hoặc gia đình có tiền sử mắc bệnh hen phế quản thì bạn cần cân nhắc đến việc tầm soát bệnh hen phế quản ở giai đoạn sớm.