Hen suyễn là bệnh lý phổ biến khiến người bệnh khó thở, thở khò khè và khó điều trị dứt điểm. Hiện nay mức độ hen được phân chia thành 4 cấp với những dấu hiệu và mức độ khác nhau.
1. Cơ chế hoạt động của cơn hen
Các cơn hen suyễn gây khó thở, thở khò khè là dấu hiệu thể hiện những bất thường ở hệ hô hấp, đặc biệt những đường dẫn khí nhỏ như phế quản, những tiểu phế quản. Những đường dẫn khí này có lớp lót niêm mạc được bao quanh bởi một lớp cơ. Ở những người mắc hen suyễn, các đường dẫn khí bị viêm lâu năm khiến chúng trở nên rất nhạy cảm với các tác nhân cụ thể.
Các tác nhân dẫn đến các cơn hen phế quản nặng thường là khói thuốc lá, phấn hoa, bụi, nước hoa, thời tiết lạnh, vận động mạnh, căng thẳng hoặc thậm chí là cơn cảm thông thường.
Khi người bị hen suyễn tiếp xúc với một tác nhân, những vòng cơ mềm bao quanh đường dẫn khí nhỏ trong phổi co thắt và trở nên hẹp hơn gây cảm giác thít chặt ở ngực. Đồng thời các tác nhân làm tình trạng sưng viêm xấu hơn, lớp niêm mạc sưng phù và tiết ra nhiều dịch nhầy hơn. Thông thường cơ thể sử dụng chất nhầy để ngăn chặn và loại trừ những hạt rất nhỏ (phấn hoa, bụi) nhưng trong cơn hen suyễn, nó khiến những đường dẫn khí bị thu hẹp và khiến người bệnh bị khó thở, thở khò khè, ho khan, thiếu không khí.
2. Chẩn đoán xác định hen phế quản
Để chẩn đoán bệnh hen phế quản, bác sĩ sẽ đánh giá dựa vào 4 yếu tố sau:
- Tiền sử bệnh lý: Khai thác thông tin tiền sử bệnh nhân, gia đình có bệnh dị ứng như mề đay, chàm, viêm mũi dị ứng hoặc đã được chẩn đoán hen.
- Khó thở, thở khò khè, nặng ngực: Thường phát tác về đêm, tái phát nhiều lần khi gặp các tác nhân kích thích hoặc khi thay đổi thời tiết. Khi dùng thuốc giãn phế quản thì cải thiện tình trạng hoặc hết cơn.
- Dùng ống nghe phổi thấy trong cơn khó thở có tiếng ran rít.
- Đo lưu lượng đỉnh kế (PEF) thấy chỉ số PEF tăng bằng hoặc trên 20% so với trước khi dùng thuốc hoặc PEF thay đổi sáng - chiều bằng hoặc trên 20%, gợi ý chẩn đoán xác định hen.
Ngoài ra nếu điều trị thử bằng thuốc kích thích beta 2 và Corticoid dạng hít thấy có hiệu quả (đỡ khó thở, phổi bớt hoặc hết tiếng ran, chỉ số PEF cải thiện) cũng là một dấu hiệu để chẩn đoán hen.
3. Phân loại và đánh giá mức độ hen
Theo “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị hen phế quản” của Bộ Y tế năm 2009, mức độ hen được chia ra làm 4 cấp với những dấu hiệu cụ thể như sau:
3.1. Hen nhẹ
Mức độ hen nhẹ thể hiện ở các dấu hiệu:
- Thấy khó thở khi đi bộ;
- Có thể nằm được;
- Nói bình thường, nói được cả câu;
- Có thể kích thích, tỉnh táo;
- Tần số thở chậm;
- Tần số tim < 100 lần/phút;
- Mức độ thở khò khè trung bình, thường chỉ có lúc thở ra
- Ít có co kéo cơ hô hấp phụ và hõm trên xương ức;
- Lưu lượng đỉnh thở ra (PEF) sau lần dùng thuốc giãn phế quản đầu tiên > 80%
- Khí máu động mạch: PaCO2 bình thường: <45mmHg, SaO2 hoặc SpO2 > 95%
Cách xử trí: Kích thích beta 2 dạng hít, lặp lại 3 giờ/lần.
3.2. Hen trung bình
Mức độ hen trung bình thể hiện ở các dấu hiệu:
- Khó thở khi nói chuyện, ăn khó
- Thường muốn ngồi hơn;
- Chỉ nói được từng câu;
- Người bệnh khó chịu, vật vã;
- Nhịp thở tăng,
- Tiếng thở khò khè tăng;
- Thường có co kéo cơ hô hấp phụ và hõm trên xương ức;
- Tần số tim mạch: 100-120 lần/phút;
- Mạch đảo (có thể có): 10-25mmHg;
- Lưu lượng đỉnh thở ra (PEF) sau lần dùng thuốc giãn phế quản đầu tiên: 60-80%
- Khí máu động mạch: PaO2 > 60 mmHg, PaCO2 < 45mmHg, SaO2 hoặc SpO2 ở khoảng 91-95%
Cách xử trí: Kích thích beta 2 dạng hít và cân nhắc sử dụng Corticoid.
3.3. Hen nặng
Mức độ hen nặng thể hiện ở các dấu hiệu:
- Khó thở khi nghỉ;
- Người bệnh khó chịu, vật vã;
- Có xu hướng cúi người ra phía trước;
- Chỉ nói được từng từ;
- Nhịp thở thường> 30 lần/phút,
- Tiếng thở khò khè to;
- Co kéo cơ hô hấp phụ và hõm trên xương ức nhiều;
- Tần số tim mạch: >120/phút;
- Mạch đảo (thường có) >25mmHg
- Lưu lượng đỉnh thở ra (PEF) sau lần dùng thuốc giãn phế quản đầu tiên: 60-80%
- Khí máu động mạch: PaO2 > 60 mmHg, PaCO2 >45mmHg có thể tím tái, có thể suy hô hấp; SaO2 hoặc SpO2: <90%
Người bệnh được đánh giá mắc hen phế quản nặng khi:
- Có từ 4 dấu hiệu nặng trở lên;
- Khả năng đáp ứng điều trị bằng thuốc giãn phế quản khí dung kém.
Cách xử trí: Kích thích beta 2 dạng hít và sử dụng thêm Corticoid.
3. 4. Hen nguy kịch
Dấu hiệu của mức độ hen nguy kịch là:
- Khó thở khi thở ngáp;
- Người bệnh hầu như không thể nói chuyện;
- Ở trạng thái lơ mơ, lú lẫn;
- Nhịp thở chậm;
- Rối loạn nhịp thở;
- Không thở khò khè
- Chuyển động cơ ngực - bụng nghịch thường;
- Nhịp mạch chậm;
- Có thể không thấy mạch nghịch đảo;
Người bệnh được đánh giá mắc hen phế quản nguy kịch khi có một trong các dấu hiệu sau xuất hiện ở người bệnh có cơn hen phế quản nặng:
- Rối loạn ý thức;
- Phổi im lặng: tình trạng tiếng rì rào phế nang và tiếng ran rít giảm hoặc không nghe thấy;
- Hô hấp ngực - bụng nghịch thường (dấu hiệu kiệt sức cơ hô hấp);
- Tần số tim chậm, huyết áp tụt;
- Thở chậm, cơn ngừng thở.
Hen phế quản là bệnh lý mãn tính và khó chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, tình trạng sẽ được kiểm soát và người bệnh sẽ sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt như bình thường.