Bệnh đái tháo nhạt không quá nguy hiểm, nhưng cần cảnh giác

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngoại tiết niệu - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Đái tháo nhạt là một bệnh chuyển hóa, có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sống của bệnh nhân. Bệnh có thể gây ra một số biến chứng như rối loạn nhịp tim, rối loạn co thắt ruột, co cơ... làm tăng nguy cơ tử vong do ngừng tim, tụt huyết áp... Bởi vậy, mỗi người đều cần cảnh giác trước nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

1. Bệnh đái tháo nhạt là gì?

Bình thường, cơ thể sản sinh ra một loại hormone được gọi là hormone chống bài niệu (antidiuretic hormone - ADH). Loại hormone này được sản xuất ở vùng dưới đồi và dự trữ ở tuyến yên trong não. Nó giúp thận giữ nước và làm cho nước tiểu trở nên cô đặc. Khi cơ thể khát nước hoặc mất nước nhẹ, mức ADH sẽ tăng lên, kích thích thận tái hấp thu nhiều nước hơn, làm cô đặc nước tiểu. Khi uống nhiều nước, mức ADH sẽ giảm xuống, cho phép tiểu nhiều hơn.

Đái tháo nhạt là tình trạng rối loạn khả năng điều chỉnh mức độ cân bằng nước trong cơ thể. Thận của bệnh nhân không còn khả năng giữ nước, gây tiểu nhiều, tiểu loãng. Vì lượng nước tiểu thải ra nhiều hơn nên cơ thể sẽ mất nước, người bệnh trở nên khát nước và có xu hướng uống nhiều nước hơn.

Có 2 dạng đái tháo nhạt là đái tháo nhạt trung ương (cơ thể không sản sinh đủ lượng ADH) và đái tháo nhạt do thận (cơ thể sản sinh đủ lượng ADH nhưng thận phản ứng kém). Nếu bị đái tháo nhạt, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng mất nước, nồng độ Natri và Kali trong máu trở nên mất cân bằng và tăng cao.


Đái tháo nhạt là tình trạng rối loạn khả năng điều chỉnh mức độ cân bằng nước trong cơ thể
Đái tháo nhạt là tình trạng rối loạn khả năng điều chỉnh mức độ cân bằng nước trong cơ thể

2. Đái tháo nhạt có nguy hiểm không?

Đái tháo nhạt được đánh giá là căn bệnh không quá nguy hiểm vì tỷ lệ mắc bệnh khá thấp (1:25.000), điều trị không phức tạp. Bệnh không gây suy thận, thận vẫn làm việc bình thường. Tuy nhiên, đái tháo nhạt vẫn có thể gây ra một vài hậu quả xấu, bệnh nhân dễ phải đối diện với một số tình trạng sau:

  • Người bệnh đi tiểu nhiều, kể cả ban đêm, gây mệt mỏi, thiếu sức sống, ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày;
  • Mất nước: Đau cơ, yếu cơ, đau đầu, sụt cân, da khô, sốt, nôn ói,...;
  • Mất các chất điện giải: Rối loạn nhịp tim, rối loạn co thắt ruột, co cơ,... Nguy hiểm hơn, các rối loạn này có thể dẫn đến nguy cơ tử vong do ngừng tim, tụt huyết áp do mất nước, mất dịch.

2. Cần cảnh giác trước bệnh đái tháo nhạt


Đi tiểu thường xuyên trong cả ngày có thể là dấu hiệu của đái tháo nhạt
Đi tiểu thường xuyên trong cả ngày có thể là dấu hiệu của đái tháo nhạt

Vì đái tháo nhạt có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường nên cần cảnh giác trước nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể, chúng ta cần:

2.1 Nắm được triệu chứng bệnh để kịp thời thăm khám

Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân đái tháo nhạt là:

  • Đi tiểu nhiều, tiểu 3 - 20 lít/ngày;
  • Đi tiểu thường xuyên trong cả ngày, có thể cách 30 phút đi một lần;
  • Uống nhiều nước nhưng vẫn luôn có cảm giác khát;
  • Người bệnh thường thích uống nước lạnh;
  • Mất nước với các biểu hiện gồm: Đau đầu, khô da, chóng mặt, khô miệng, khô lưỡi, choáng, chuột rút, lơ mơ, bất tỉnh,...;
  • Mệt mỏi và tập trung kém do thiếu ngủ vì phải tỉnh giấc đi tiểu nhiều lần;
  • Trẻ mắc đái tháo nhạt bị đái dầm vào ban đêm, tiểu không tự chủ vào ban ngày, hay quấy khóc, chán ăn, mệt mỏi, sốt, nôn mửa, tiêu chảy chậm phát triển và thiếu cân;
  • Đái tháo nhạt ở tuổi dậy thì gây rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục,...

2.2 Hiểu rõ phương pháp điều trị bệnh

Để đối phó với bệnh đái tháo nhạt, người bệnh cần hiểu rõ về phương pháp điều trị bệnh. Cụ thể là:

  • Bồi phụ nước và điện giải. Lượng nước uống vào gần tương đương với lượng nước tiểu. Với bệnh nhân bị bệnh nhẹ, bác sĩ thường đề nghị uống 2 - 3 lít nước/ngày và không cần dùng thuốc;
  • Bù đắp hormone kháng lợi tiểu nếu bị thiếu hụt;
  • Giải quyết nguyên nhân gây đái tháo nhạt: Nếu do chấn thương tinh thần hay nhiễm trùng nặng thì cần điều trị tích cực; nếu do suy thận phải điều trị bệnh thận; nếu do thiếu hormone ADH thì cần dùng thuốc thay thế;
  • Bệnh nhân cần được điều trị và theo dõi lâu dài, thực hiện nghiêm túc chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị, phòng ngừa các tai biến có thể xảy ra.

Bệnh đái tháo nhạt tuy không quá nguy hiểm nhưng mỗi người vẫn cần cảnh giác trước nguy cơ mắc bệnh, và biến chứng của bệnh do mất nước và rối loạn điện giải. Nếu có dấu hiệu tiểu nhiều, khát nước nhiều, bệnh nhân nên đi khám sớm để xác định nguyên nhân gây bệnh và có phương án điều trị kịp thời. Những bệnh nhân đang điều trị đái tháo nhạt cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, tái khám định kỳ theo chỉ định để đảm bảo hiệu quả chữa trị bệnh tốt nhất.

Để thăm khám và điều trị bệnh tại Vinmec, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe