Chẩn đoán suy tim cấp như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BSCK II Nguyễn Quốc Việt - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Suy tim cấp là tình trạng khởi phát nhanh hoặc nặng hơn của các triệu chứng và dấu hiệu của suy tim có sẵn, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Bệnh nhân cần được chẩn đoán suy tim cấp ngay khi bệnh nhân nhập viện và điều trị ngay.

1. Suy tim cấp

Suy tim cấp có thể xảy ra lần đầu tiên hoặc tái phát lại là do hậu quả của:

  • Suy tim mạn mất bù cấp:

Đợt mất bù cấp của suy tim mạn có thể xảy ra khi có yếu tố thúc đẩy như nhiễm trùng, tăng huyết áp không kiểm soát, rối loạn nhịp tim hoặc không tuân thủ thuốc và chế độ ăn, stress tâm lý...

  • Rối loạn chức năng tim nguyên phát:

Các nguyên nhân tim nguyên phát cấp tính thường gặp nhất của suy tim cấp bao gồm rối loạn chức năng cơ tim cấp, thiếu máu cục bộ, viêm hoặc độc chất, hở van tim cấp và chèn ép tim.

  • Bị thúc đẩy bởi các yếu tố ngoại sinh:

Thường gặp ở các bệnh nhân suy tim mạn có sử dụng độc chất như rượu, ma túy và một số loại thuốc như NSAIDs, corticosteroid, thuốc giảm co bóp cơ tim, hóa trị gây độc tim.

2. Tiêu chuẩn chẩn đoán suy tim cấp


Chẩn đoán suy tim cấp
Chẩn đoán suy tim cấp

2.1. Chẩn đoán sớm hỗ trợ điều trị

Nếu có thể, quá trình chẩn đoán suy tim cấp cần được bắt đầu trước cả khi bệnh nhân nhập viện và tiếp tục ở khoa cấp cứu nhằm xác định kịp thời và khởi động điều trị thích hợp. Tiến hành chữa trị sớm đã được chứng minh là đem lại lợi ích đối với hội chứng mạch vành cấp, song vẫn cần xem xét thêm ở tình trạng suy tim cấp.

2.2. Chẩn đoán phân biệt

Bước đầu tiên trong tiêu chuẩn chẩn đoán suy tim cấp là loại trừ các chẩn đoán phân biệt, dễ nhầm lẫn với tình trạng suy tim cấp như:

  • Nhiễm trùng hô hấp;
  • Thiếu máu nặng;
  • Suy thận cấp ...

Nhờ vào quá trình nhận diện ngay lập tức các tình trạng lâm sàng và/hoặc yếu tố thúc đẩy đe dọa tính mạng, những biện pháp điều trị cũng được tiến hành kịp thời, nhanh chóng.

2.3. Đánh giá sau chẩn đoán xác định

Sau khi suy tim cấp được chẩn đoán xác định, bắt buộc người thầy thuốc phải đánh giá lâm sàng để chọn lựa hướng điều trị. Thông qua khám thực thể và cận lâm sàng, chẩn đoán ban đầu suy tim cấp nên dựa vào:

  • Bệnh sử đầy đủ;
  • Đánh giá các triệu chứng, tiền sử bệnh tim mạch, các yếu tố thúc đẩy do tim hoặc không do tim;
  • Đánh giá các dấu hiệu của sung huyết và/hoặc giảm tưới máu.

Đối với bệnh nhân suy tim cấp, khởi động sớm quá trình điều trị thích hợp, song song đó là theo dõi sát sao sẽ mang ý nghĩa rất quan trọng.

3. Chẩn đoán suy tim cấp cận lâm sàng

Độ nhạy cũng như độ đặc hiệu của các triệu chứng và dấu hiệu suy tim thường không thỏa đáng, bao gồm quá tải dịch, giảm cung lượng tim, giảm tưới máu ngoại biên. Do đó, cần thực hiện các chẩn đoán suy tim cấp cận lâm sàng sau khi đã đánh giá lâm sàng cẩn thận.

3.1. X-quang ngực

Mặc dù có đến 20% bệnh nhân suy tim cấp có X-quang ngực gần như bình thường, song biện pháp này vẫn có thể hữu ích nhờ vào khả năng phát hiện ra các dấu hiệu đặc biệt nhất của suy tim cấp, cụ thể là:

Bên cạnh đó, X-quang ngực cũng giúp xác định các bệnh không liên quan đến tim mạch, nhưng có thể gây ra hoặc góp phần vào triệu chứng của bệnh nhân, ví dụ như viêm phổi hoặc nhiễm trùng phổi không đông đặc. Tuy nhiên X-quang ngực nằm sẽ có giá trị hạn chế trong chẩn đoán suy tim cấp.

3.2. Điện tâm đồ (ECG)

Sóng điện tâm đồ ECG hiếm khi bình thường ở bệnh nhân bị suy tim cấp, thay vào đó giá trị tiên đoán âm cao. Phương pháp đo điện tâm đồ còn mang lại hiệu quả trong nhận diện bệnh tim cũng như các yếu tố thúc đẩy khác, bao gồm rung nhĩ nhanh, thiếu máu cục bộ cơ tim cấp...

3.3. Siêu âm tim cấp cứu

Biện pháp này chỉ bắt buộc ở những bệnh rối loạn huyết động, đặc biệt là trong choáng tim, và trên những người bệnh nghi ngờ có bất thường ở cấu trúc hoặc chức năng tim, nguy cơ đe dọa tính mạng, ví dụ như:

  • Các biến chứng cơ học;
  • Hở van tim cấp;
  • Phình bóc tách động mạch chủ.

Điểm khác biệt trong hiệu quả của từng chỉ định siêu âm đối với những trường hợp cụ thể là:

  • Siêu âm tim sớm: Nên được xem xét ở tất cả bệnh nhân suy tim cấp lần đầu và chưa rõ chức năng tim. Thời gian tối ưu thường trong vòng 48 giờ từ lúc nhập viện.
  • Siêu âm tim lặp lại: Chỉ áp dụng khi tình trạng lâm sàng suy giảm có ý nghĩa, ngoài ra thường không cần thiết.
  • Siêu âm ngực tại giường: Có thể hữu ích trong chẩn đoán suy tim cấp thông qua các dấu hiệu của phù mô kẽ và tràn dịch màng phổi.

3.4. Xét nghiệm sinh hóa

Các dấu ấn sinh học chuyên biệt sẽ được phát hiện thông qua một số xét nghiệm, chẳng hạn như:

  • Peptide bài natri niệu;
  • Khí máu động mạch;
  • Đo troponin tim;
  • Creatinine, BUN và điện giải đồ;
  • Đánh giá nồng độ procalcitonin;
  • Chức năng gan;
  • Hormone kích thích tuyến giáp TSH.

Kiểm tra chức năng gan
Kiểm tra chức năng gan

4. Sàng lọc suy tim tại Vinmec

Nhìn chung, tiêu chuẩn chẩn đoán suy tim cấp đòi hỏi phải được tiến hành càng sớm càng tốt để nhanh chóng đưa ra hướng chữa trị kịp thời, tránh nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Chính vì vậy, không chỉ những bệnh nhân đã có triệu chứng suy tim mà đặc biệt là nhóm đối tượng tuổi trung niên (từ 45 - 50 tuổi trở lên) cũng nên khám sàng lọc bệnh tim mạch hàng năm. Đặc biệt là người có tăng huyết áp, tiểu đường, loạn nhịp tim hoặc hút thuốc lá, uống rượu bia, béo phì.

Khi lựa chọn Gói khám Suy tim tại chuyên khoa Nội tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân sẽ được xác định tình trạng suy tim, mức độ suy tim, nguyên nhân gây suy cũng như các bệnh đi kèm. Đội ngũ y - bác sĩ với trình độ chuyên môn cao của Vinmec sẽ trực tiếp tiến hành các bước khám tổng quát, siêu âm và thực hiện nhiều xét nghiệm chẩn đoán suy tim cấp liên quan để đưa ra hướng điều trị thích hợp cho từng bệnh nhân.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe