Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Nội Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp nhất, với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng trong dân số. Việc điều trị hiện nay mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên chế độ ăn uống cho bệnh nhân suy tim và cần lưu ý những gì khi chăm sóc bệnh nhân suy tim để tăng hiệu quả điều trị, tăng tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
1. Tổng quan về bệnh suy tim
Suy tim là hậu quả của những tổn thương cấu trúc tim hay những rối loạn chức năng của tim dẫn đến tim giảm khả năng tống máu nuôi dưỡng các cơ quan (suy tim tâm thu) hoặc giảm khả năng chứa máu (suy tim tâm trương).
Phân độ suy tim theo hội tim mạch New York (NYHA) dựa theo các triệu chứng cơ năng của bệnh nhân.
- Độ I: Không gây hạn chế vận động thể lực, các vận động thông thường không gây mệt, khó thở hay hồi hộp
- Độ II: Hạn chế vận động thể lực nhẹ. Bệnh nhân hoạt động thể lực thông thường dẫn đến mệt, hồi hộp, khó thở hay đau ngực và giảm khi nghỉ ngơi.
- Độ III: Hạn chế vận động thể lực nhiều. Mặc dù khỏe khi nghỉ ngơi nhưng chỉ cần vận động nhẹ đã có các triệu chứng mệt, khó thở...
- Độ IV: Không vận động thể lực nào không gây khó chịu. Triệu chứng cơ năng của suy tim xảy ra ngay khi nghỉ ngơi, chỉ một vận động thể lực nhẹ cũng làm triệu chứng cơ năng gia tăng.
Những dấu hiệu thường thấy trên những bệnh nhân suy tim bao gồm:
- Khó thở, thường khởi phát khi gắng sức, giảm khi nghỉ ngơi. Mức độ khó thở tăng lên ở những giai đoạn sau của suy tim.
- Ho thường xảy ra khi nằm, về đêm, có thể ho kèm theo đờm hồng.
- Phù chân, báng bụng và tăng cân nhanh.
- Nhịp tim thường nhanh.
- Có thể kèm theo đau ngực, tăng lên khi gắng sức.
2. Những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân suy tim
Việc tư vấn giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân suy tim rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị kéo dài thời gian tiến triển của bệnh, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2.1 Chế độ ăn cho bệnh nhân suy tim
- Chế độ ăn uống đa dạng cung cấp đủ vitamin và dinh dưỡng. Tăng cường ăn rau xanh, trái cây, các sản phẩm từ sữa ít béo, cá, thịt nạc, thịt gia cầm, trứng, sản phẩm từ đậu nành và dầu thực vật.
- Đối với bệnh nhân suy tim có sử dụng thuốc chống đông: Nên hạn chế ăn các loại rau quả có lá màu xanh sẫm màu như: cải bó xôi, bông cải xanh, đậu Hà Lan, đậu xanh, củ cải, mùi tây và rau diếp...
- Chế biến món ăn dưới dạng mềm, nhừ. Không nên ăn các loại thức ăn lên men như: cải bắp, rau cải, đậu đỗ, dưa muối, thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ.
- Hạn chế muối, nhất là suy tim nặng, thường giới hạn < 1.5g muối mỗi ngày. Tập thói quen đọc hàm lượng Natri (Sodium) ghi trong thành phần trong thực phẩm đóng sẵn.
- Tránh uống nhiều nước: hạn chế dịch 1.5 – 2 lít/ngày ở bệnh nhân suy tim nặng để giảm triệu chứng. Hạn chế dung dịch nhược trương để giảm hạ Natri máu. Không cần thiết hạn chế dịch thường quy ở tất cả bệnh nhân suy tim có triệu chứng nhẹ đến vừa. Hạn chế dịch dựa vào cân nặng (30 mL/kg cân nặng, 35 mL/kg nếu cân nặng > 85 kg) có thể ít gây khát nước.
- Nên ăn tối sớm, đảm bảo bữa ăn phải xa giờ ngủ ban đêm, sau khi ăn cần phải nghỉ ngơi 30-40 phút
- Giảm uống rượu: không uống rượu ở bệnh nhân có bệnh cơ tim do rượu. Ngoài ra, hạn chế rượu theo các hướng dẫn thông thường (2 đơn vị/ngày ở nam, hoặc 1 đơn vị/ ngày ở nữ). 1 đơn vị = 10 mL cồn nguyên chất (1 ly rượu vang, 1/2 lon bia, 1 cốc rượu mạnh).
- Bỏ thuốc lá: Những chất trong thuốc lá gây co thắt mạch và tăng nguy cơ gây xơ vữa mạch máu làm tăng gánh cho tim.
- Uống nước theo nhu cầu của bệnh nhân và mức độ suy tim. Tránh truyền dịch nếu không có chỉ định của nhân viên y tế. Nếu người bệnh phù nhiều thì cần phải hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể và ăn nhạt hoàn toàn.
2.2 Hoạt động thể lực
Lợi ích của việc hoạt động thể lực:
- Giúp kiểm soát cân nặng hợp lý.
- Ổn định huyết áp và nhịp tim.
- Ổn định đường huyết và mỡ máu.
- Giúp thư giãn và cải thiện sức khỏe.
Cần hoạt động thể lực như thế nào cho phù hợp:
- Tập thể dục đều đặn sẽ giúp tăng lưu thông máu và ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông. Tùy theo giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe, có thể chọn các môn tập vừa sức như đi bộ, ngồi thiền, đạp xe...
- Những điều cần tránh khi luyện tập: Không tập những môn thể thao cần nhiều sức như chạy bộ, nâng tạ..., những hoạt động gây các triệu chứng như: khó thở; choáng váng, chóng mặt; đau ngực; buồn nôn; vã mồ hôi lạnh... nếu xảy ra những dấu hiệu này, phải dừng tập ngay, không tập luyện khi đói hoặc ngay sau bữa ăn, không tập những bài tập gắng sức
- Nếu ngưng tập một vài ngày do nguyên nhân nào đó, khi tập lại cần tập nhẹ hơn mức bình thường, tăng dần cường độ về bằng mức trước đó vào những buổi tập sau.
- Tránh tập thể dục ngoài trời khi thời tiết quá nóng, quá lạnh, ẩm ướt: độ ẩm cao làm mau mệt, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, gây khó thở, đau ngực.
- Nếu cảm thấy mệt mỏi ngay sau khi tập hoặc ngày hôm sau, thì cần giảm bớt cường độ tập luyện
2.3 Tuân thủ điều trị
Việc sử dụng thuốc điều trị suy tim không chỉ cải thiện triệu chứng mà có thể giúp kéo dài đời sống và giảm tỷ lệ tử vong.
Hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều trị theo khuyến cáo và duy trì động lực giúp bệnh nhân tuân thủ kế hoạch điều trị. Hạn chế muối có thể giúp kiểm soát triệu chứng sung huyết ở B suy tim độ III/IV có triệu chứng.
Hiểu được chỉ định, liều dùng và hiệu quả của thuốc. Nhận biết các tác dụng phụ thường gặp của các thuốc sử dụng.
Điều quan trọng là sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân, người bệnh cần uống thuốc theo đơn, ghi nhớ việc uống thuốc hàng ngày. Nếu người bệnh không thể tự nhớ thời gian uống thuốc cần có sự giúp đỡ của người thân để tránh việc quên không uống thuốc.
Ngay cả khi bệnh nhân cảm thấy khỏe nhiều, không có triệu chứng. Cũng không bao giờ tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều hoặc uống bất kỳ loại thuốc nào khác mà không thông qua ý kiến của bác sỹ điều trị.
2.4 Những lưu ý khác
- Theo dõi và nhận biết các triệu chứng cơ năng và thực thể của suy tim. Ghi lại cân nặng hàng ngày, phát hiện tăng cân nhanh. Biết được cách nào và khi nào cần thông báo với nhân viên y tế. Trong trường hợp khó thở tăng lên, phù hoặc tăng cân đột ngột không giải thích được > 2 kg trong 3 ngày, bệnh nhân có thể tăng liều lợi tiểu và/hoặc thông báo cho nhân viên chăm sóc y tế của mình. Sử dụng thuốc lợi tiểu linh hoạt nếu thấy phù hợp và được khuyến cáo sau khi đã được hướng dẫn và giám sát chặt chẽ. Khi bạn có nhiều hơn một trong những dấu hiệu sau: khó thở, ho hoặc thở khò khè dai dẳng, các mô bị giữ nước như sưng phù ở chân hay mắt cá chân, luôn mệt mỏi, chán ăn hoặc buồn nôn, khó tập trung suy nghĩ hoặc mất trí nhớ, nhịp tim tăng cần đến cơ sở y tế khám.
- Thực hiện tiêm phòng cúm và viêm phổi do phế cầu đầy đủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Bệnh nhân suy tim có thể xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm và những dấu hiệu suy giảm nhận thức, vì vậy nên hỗ trợ người bệnh trong việc hòa nhập xã hội
- Đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động giải trí tùy theo tình trạng sức khỏe. Khi đi du lịch, cần mang theo bản tóm tắt bệnh sử, thuốc đang điều trị và các thuốc dự phòng khi cần khác. Theo dõi và cân bằng lượng dịch nhập mỗi ngày, đặc biệt trong chuyến bay và ở nơi có khí hậu nóng. Lưu ý phản ứng phụ của thuốc khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng ở một số thuốc (ví dụ như Amiodarone).
- Thảo luận với nhân viên y tế và đảm bảo an toàn khi sinh hoạt tình dục. Bệnh nhân ổn định có thể sinh hoạt tình dục bình thường mà không làm nặng lên triệu chứng suy tim. Cần lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị rối loạn cương dương.
- Các rối loạn thở và ngủ: có hướng phòng ngừa như giảm cân ở bệnh nhân béo phì, bỏ thuốc lá, và hạn chế rượu bia. Hiểu biết để chọn lựa cách điều trị thích hợp.
Suy tim là bệnh lý mạn tính, điều trị là một quá trình dài hạn, việc tư vấn giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân suy tim góp phần nâng cao kết quả điều trị giúp bệnh nhân kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.