Chẩn đoán sỏi thận và sỏi bàng quang bằng siêu âm, X quang, CT scan

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Thụ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Ths.Bs Nguyễn Viết Thụ đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, nguyên là Thư ký Chẩn đoán hình ảnh Hà Nội, chỉ đạo tuyến dưới về chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh.

Sỏi thận và sỏi bàng quang là sự tích tụ rắn của các tinh thể được tạo ra từ các khoáng chất và protein có trong nước tiểu. Một số tình trạng tổn thương bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi.

1. Sỏi thận và sỏi bàng quang là gì?

Sỏi thận hoặc sỏi bàng quang là sự tích tụ rắn của các tinh thể được tạo ra từ các khoáng chất và protein có trong nước tiểu. Túi thừa bàng quang, tăng kích thước tuyến tiền liệt, bàng quang thần kinh và nhiễm trùng đường tiết niệu có thể nguy cơ cao bị sỏi bàng quang.

Nếu sỏi thận rơi xuống và bị mắc kẹt trong niệu quản, nó có thể gây đau dữ dội liên tục ở vùng thắt lưng hoặc bên hông (cơn đau quặn thận), nôn mửa, tiểu máu (tiểu ra máu), sốt...

Nếu sỏi bàng quang đủ nhỏ, chúng có thể tự đào thải theo đường tiểu mà không có triệu chứng đáng chú ý. Tuy nhiên, khi chúng trở nên lớn hơn, sỏi bàng quang có thể gây ra tình trạng thường xuyên đi tiểu, tiểu buốt, tiểu khó và hoặc tiểu máu.


Sỏi thận có thể khiến người bệnh đau bụng dữ dội
Sỏi thận có thể khiến người bệnh đau bụng dữ dội

2. Sỏi thận và sỏi bàng quang được chẩn đoán và đánh giá như thế nào?

Dựa vào hình ảnh bác sĩ sẽ cung cấp thông tin có giá trị cho bạn về sỏi thận hoặc sỏi bàng quang, chẳng hạn như vị trí, kích thước và nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng của thận. Một số kỹ thuật hình ảnh mà bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện bao gồm:

  • CT hệ tiết niệu: Đây là kỹ thuật chụp nhanh nhất để xác định vị trí sỏi. Quy trình này có thể cung cấp hình ảnh chi tiết về thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo, xác định sỏi và đánh giá liệu nó có gây ứ nước tiểu hay không. Thông thường chỉ cần chụp CT không tiêm thuốc cản quang, tuy nhiên một số trường hợp bác sĩ của bạn có thể đề nghị chụp với thuốc cản quang nhằm mục đích hiện rõ đường bài xuất.
  • Siêu âm hệ tiết niệu: Siêu âm có thể cung cấp hình ảnh hữu ích về các cấu trúc của cơ quan sinh dục - tiết niệu mà không làm bệnh nhân phơi nhiễm bức xạ ion hoá như đối với chụp CT. Hơn nữa siêu âm khá phổ biến và không đắt tiền. Hạn chế của nó là phụ thuộc vào kỹ năng của người làm siêu âm, bệnh nhân quá béo và đối khi mất nhiều thời gian để tìm sỏi niệu quản. Để có thể quan sát tốt hình ảnh thì bàng quang cần căng đầy nước tiểu. Kỹ thuật này sử dụng sóng âm thanh để cung cấp hình ảnh của thận và bàng quang, có thể xác định sự tắc nghẽn của dòng nước tiểu và xác định sỏi.

Hình ảnh siêu âm đường tiết niệu trong chẩn đoán bệnh sỏi thận
Hình ảnh siêu âm đường tiết niệu trong chẩn đoán bệnh sỏi thận

Hình ảnh của siêu âm có thể thấy:

  • Thận: đánh giá hình dạng, cấu trúc, tình trạng thận ứ nước, sỏi và khối u.
  • Niệu quản: đánh giá sỏi và các nguyên nhân gây bít tắc, vị trí bít tắc và tình trạng giãn niệu quản.
  • Bàng quang: đánh giá thể tích bàng quang (như thể tích nước tiểu tổn dư ngay sau đi tiểu; nghi ngờ bí tiểu do tắc nghẽn ở cổ bàng quang), túi thừa, tình trạng dày thành, các tổn thương polyp, u và sỏi bàng quang.
  • Tiền liệt tuyến: đánh giá kích thước, tình trạng nhu mô, một số trường hợp thấy sỏi niệu đạo đoạn qua tiền liệt tuyến.

Chụp X-quang hệ tiết niệu không chuẩn bị: có thể được thực hiện để kiểm tra vị trí sỏi và hoặc theo dõi sỏi tiết niệu sau điều trị. Tuy nhiên, khi chẩn đoán sỏi tiết niệu, chụp X quang không chuẩn bị không là lựa chọn ưu việt do độ nhạy kém hơn CT và thiếu sự chi tiết về mặt giải phẫu.

Chụp X quang hệ tiết niệu có chuẩn bị: Sau khi tiêm thuốc cản quang loại tan trong nước vào tĩnh mạch sẽ hiện rõ hình ảnh của thận và hệ thống tiết niệu. Các chất chất cản quang đẳng trương không ion hoá (ví dụ iohexol, iopamidol) hiện đang được sử dụng rộng rãi; chúng ít tác dụng phụ hơn các thuốc có độ thẩm thấu cao thế hệ cũ nhưng vẫn có nguy cơ gây tổn thương thận cấp (bệnh thận do thuốc cản quang) do đó người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm về chức năng thận trước khi chụp. Ngoài ra thuốc cản quang có thể được bơm xuôi dòng qua da, hoặc ngược dòng qua nội soi bàng quang. Chống chỉ định đối với tất cả các bệnh nhân bị dị ứng với iốt và có các yếu tố nguy cơ với bệnh thận do thuốc cản quang.


Khi chụp X-quang có chuẩn bị, người bệnh được chỉ định bơm thuốc cản quang
Khi chụp X-quang có chuẩn bị, người bệnh được chỉ định bơm thuốc cản quang

3. Điều trị sỏi thận và sỏi bàng quang như thế nào?

Bác sĩ của bạn có thể chọn là:

  • Điều trị nội khoa: trong trường hợp sỏi nhỏ, chưa gây biến chứng.
  • Tán sỏi nội soi qua da: là một phương pháp nội soi đặc biệt để điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản hiệu quả cao. Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân, sau đó bác sĩ phẫu thuật sẽ thiết lập một đường hầm chọc qua da vùng thắt lưng vào trong thận dưới hướng dẫn của siêu âm. Bác sĩ dùng nguồn năng lượng laser tán vỡ sỏi thành những viên nhỏ rồi hút ra ngoài qua đường hầm. Sau đó, bác sỹ sẽ đặt một ống thông từ thận xuống bàng quang (sonde JJ) giúp lưu thông tốt hơn. Bệnh nhân sẽ được hẹn sau khoảng 01 tháng tái khám, được chỉ định chụp X-quang hệ tiết niệu để đánh giá hiệu quả tán sỏi và rút sonde JJ.
  • Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser: Tương tự như phương pháp trên là dùng tia laser để tán vỡ sỏi thành những viên rất nhỏ, từ đó sỏi sẽ được lấy ra ngoài thông qua nội soi ngược dòng nước tiểu, thường sử dụng để điều trị sỏi niệu quản và bàng quang.
  • Phẫu thuật mổ mở: các trường hợp sỏi san hô quá lớn, thất bại khi điều trị tán sỏi, các trường hợp cần cắt thận khi không còn chức năng ...
  • Ngoài ra các phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể... ít được áp dụng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe