Trong suốt thời gian mang thai, người phụ nữ có thể mắc phải một số bệnh lý, trong đó có tăng huyết áp thai kỳ. Tăng huyết áp thai kỳ có rất nhiều thể bệnh, với những dấu hiệu lâm sàng cũng như cách điều trị khác nhau, đặc biệt là tình trạng tăng huyết áp mạn tính trước khi có thai và tăng huyết áp do thai nghén cần được phân biệt rõ ràng để có hướng xử lý phù hợp nhất cho bệnh nhân.
1. Tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ được định nghĩa là tình trạng huyết áp tâm trương của sản phụ lớn hơn 90mmHg hoặc chỉ số huyết áp tâm thu vượt quá 140mmHg khi đo huyết áp sau khi cho bệnh nhân nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 10 phút. Một số thể bệnh trên lâm sàng của tăng huyết áp thai kỳ có thể kể đến đó là tăng huyết áp mạn tính trước khi có thai, tăng huyết áp do thai nghén, tiền sản giật, sản giật... với triệu chứng rất đa dạng và có biện pháp điều trị khác nhau đối với từng trường hợp cụ thể. Tăng huyết áp thai kỳ có thể gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi trong thời gian này, cụ thể là:
- Làm giảm dòng máu cung cấp đến nhau thai: Khi nhau thai không được cung cấp đủ lượng máu cần thiết để nuôi dưỡng bào thai thì sẽ không đủ chất dinh dưỡng cũng như lượng Oxy cần thiết để thai có thể phát triển, thậm chí là gây nên hiện tượng thai chậm phát triển, thai nhẹ cân và sinh non. Sinh non rất nguy hiểm cho trẻ vì thường xảy ra những vấn đề bệnh lý về hô hấp, nhiễm khuẩn và một số vấn đề khác do hệ cơ quan lúc này chưa hoàn thiện nhưng trẻ lại ra đời sớm hơn.
- Nhau bong non: Trong tăng huyết áp thai kỳ đặc biệt là tiền sản giật có khả năng làm nhau thai bong ra khỏi nội mạc của tử cung trước thời điểm sinh đẻ, nếu nặng hơn thì có thể để lại những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi, điển hình như biến chứng thiếu máu nặng, những bệnh lý liên quan đến sự rối loạn đông máu và nặng hơn là tử vong cả mẹ và bé.
- Thai chậm phát triển
- Tổn thương một số hệ cơ quan trong cơ thể sản phụ: Tăng huyết áp thai kỳ khiến cho một số cơ quan như thận, gan, phổi hoặc não có nguy cơ bị tổn thương và hủy hoại, gây ra hàng loạt bệnh lý nguy hiểm và đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
- Sinh non: Vì sản phụ mắc phải tăng huyết áp thai kỳ nên vô cùng nguy hiểm đến tính mạng, vì vậy một số trường hợp buộc phải sinh non như một cách xử lý kịp thời để bảo tính mạng của người mẹ. Lúc này, đứa trẻ ra đời vì thiếu tháng nên gặp phải một số vấn đề về sức khỏe như suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh và có thể sẽ tử vong.
Ngoài ra, một số vấn đề tim mạch như tiền sản giật có thể khiến cho người mẹ sẽ mắc phải những bệnh lý tim mạch về sau.
2. Tăng huyết áp mạn tính trước khi có thai
Tăng huyết áp mạn tính trước khi có thai là tình trạng tăng huyết áp được phát hiện trước thời điểm người phụ nữ mang thai hoặc trước khi thai được 20 tuần tuổi với chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 140mmHg hoặc chỉ số huyết áp tâm trương vượt quá 90 mmHg. Ngoài ra, tăng huyết áp mạn tính trước khi có thai còn kéo dài sau 6 tháng sau sinh và có thể để lại một số biến chứng trong thời gian mang thai của người phụ nữ như tiền sản giật ghép, thai chậm phát triển, nhau bong non, đẻ non hoặc thai chết lưu, vì vậy cần theo dõi thật kỹ tình trạng tăng huyết áp của người phụ nữ trong suốt thai kỳ.
Một điều vô cùng quan trọng và cần thiết đối với sản phụ bị tăng huyết áp mạn tính trước khi có thai đó là việc tư vấn tiền sản và điều trị tăng huyết áp mạn tính. Một số thuốc điều trị tăng huyết áp cho phụ nữ mang thai đó là thuốc ức chế men chuyển, thuốc đối kháng angiotensin, thuốc ức chế beta và thuốc lợi tiểu. Bên cạnh đó, việc tìm ra nguyên nhân gây tăng huyết áp trước khi mang thai cũng rất hữu ích trong việc thăm khám và điều trị cho sản phụ. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu nếu dùng nhiều thuốc kiểm soát huyết áp trong thời gian mang thai thì sẽ khiến cho tình trạng thai chậm phát triển trong buồng tử cung xảy ra nhiều hơn vì tình trạng giảm tưới máu đến nhau thai. Bên cạnh đó, sản phụ cần được làm xét nghiệm protein niệu mới xuất hiện hoặc protein niệu gia tăng cùng với sự tiến triển của tình trạng tăng huyết áp để có thể chẩn đoán tiền sản giật hay sản giật một cách sớm nhất, từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả.
3. Tăng huyết áp do thai nghén
Tăng huyết áp do thai nghén được chẩn đoán khi tình trạng tăng huyết áp ở sản phụ được xác định sau tuần thứ 20 của thai kỳ, đồng thời không phát hiện thêm những dấu hiệu protein niệu hoặc những triệu chứng của bệnh lý tiền sản giật như co giật, đột quỵ hoặc phù phổi, và quan trọng nhất là tình trạng tăng huyết áp này sẽ chấm dứt và chỉ số huyết áp của người mẹ sẽ quay về bình thường trong thời gian là 3 tháng sau sinh. Tăng huyết áp do thai nghén thường để lại những biến chứng trong thời gian mang thai, nhất là khi tình trạng tăng huyết áp xảy ra ở những tháng đầu thai kỳ, có khả năng tiến triển nặng hơn thành tình trạng bệnh lý tăng huyết áp nặng với chỉ số huyết áp lớn hơn 170/110mmHg hoặc bệnh lý tiền sản giật.
Theo đó, sản phụ cần tích cực điều trị tình trạng tăng huyết áp do thai nghén ngay từ giai đoạn nhẹ và trung bình để hạn chế nguy cơ tiến triển thành những đợt tăng huyết áp nặng cũng như hạn chế những biến chứng nguy hiểm xảy ra trong quá trình mang thai. Điều trị tăng huyết áp do thai nghén cần dùng thuốc hạ huyết áp và theo dõi tình trạng protein niệu cũng như những dấu hiệu tiền sản giật để chẩn đoán kịp thời. Khi chỉ số huyết áp quay trở về giá trị bình thường trong 3 tháng sau khi sinh đẻ thì người mẹ sẽ có chỉ định ngưng dùng những thuốc điều trị tăng huyết áp, ngược lại nếu tình trạng tăng huyết áp vẫn diễn ra thì có thể sẽ được tiếp tục theo dõi và nghĩ đến tình huống bệnh nhân đang mắc phải bệnh lý tăng huyết áp mạn tính trước khi có thai.
Cần phân biệt được những triệu chứng của các thể bệnh trong tăng huyết áp thai kỳ, trong đó có tăng huyết áp mạn tính trước khi có thai và tăng huyết áp do thai nghén để việc theo dõi sức khỏe bệnh nhân cũng như việc điều trị đạt được hiệu quả cao nhât. Khi có bất cứ dấu hiệu nào của tăng huyết áp thì sản phụ cần đến ngay những cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán sớm nhất.
Trước khi chuẩn bị làm mẹ, những người bị có tiền sử bệnh lý, nhất là bệnh tăng huyết áp, tim mạch nên tìm hiểu kĩ các kiến thức về y tế, chế độ dinh dưỡng phù hợp với điều kiện sức khỏe và bệnh lý của bản thân. Bên cạnh đó, cần thường xuyên thăm khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện có uy tín để được theo dõi và tư vấn. Nếu xuất hiện những triệu chứng khác thường hoặc bệnh lý chuyển biến xấu thì phải nhanh chóng nhập viện để có chế độ điều trị tích cực.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.