Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ cao cấp, Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Tăng huyết áp có hai dạng:
- Bệnh tăng huyết áp tiên phát, chiếm 90 -95%
- Tăng huyết áp thứ phát( Tăng huyết áp chỉ là triệu chứng chưng bệnh khác như hẹp eo động mạch chủ, hở nặng van động mạch chủ, U tuyến thượng thận...)chiếm 5 -10%
Tăng huyết áp tiên phát là bệnh lý phổ biến hiện nay. Bệnh được xác định khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Bệnh nhân tăng huyết áp phải dùng thuốc để kiểm soát huyết áp trong mức độ cho phép, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
1. Các thuốc điều trị tăng huyết áp (Thường được áp dụng trong điều trị bệnh tăng huyết áp tiên phát)
Phần lớn tăng huyết áp là không rõ nguyên nhân (tăng nguyên phát), chỉ có 10% các trường hợp có nguyên nhân rõ ràng (tăng thứ phát). Tăng huyết áp là bệnh mạn tính cần được theo dõi suốt đời, điều trị đúng và đủ mỗi ngày, lâu dài bằng thuốc hạ huyết áp sao cho đạt được mục tiêu là < 140/90 mmHg hoặc có thể về thấp hơn nữa nếu người bệnh vẫn dung nạp được.
Người bệnh có thể sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp theo 2 cấp độ:
- Thuốc điều trị tăng huyết áp độ 1 (chỉ dùng 1 thuốc trong các nhóm): Thuốc lợi tiểu thiazid liều thấp, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn kênh canxi tác dụng kéo dài, thuốc chẹn beta giao cảm (nếu không có chống chỉ định).
- Thuốc điều trị tăng huyết áp từ độ 2 trở lên: Bác sĩ sẽ phối hợp 2 loại thuốc điều trị tăng huyết áp (thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin II hoặc thuốc chẹn beta giao cảm) để điều trị cho bệnh nhân.
Theo đó, các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp được phân loại như sau:
1.1. Thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp
Thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp, hoạt động bằng cách làm giảm thể tích huyết tương, giảm sức cản của mạch thông qua việc đưa ion natri từ trong ra ngoài tế bào, gồm:
- Thuốc lợi tiểu thiazid (hydrochlorothiazide, Indapamide, Methyclothiazide hoặc Chlorothiazide...);
- Thuốc lợi tiểu quai (furosemide, Torsemide, Acid ethacrynic, Bumetanide...);
- Thuốc lợi tiểu giữ kali (amiloride, Eplerenone, Spironolactone, Triamterene...).
Ngoài tác dụng như 1 loại thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu còn có tác dụng gây giãn mạch nhẹ. Thuốc lợi tiểu thiazid được sử dụng phổ biến nhất trong nhóm thuốc lợi tiểu điều trị tăng huyết áp. Thuốc lợi tiểu quai thường chỉ được dùng điều trị tăng huyết áp ở những bệnh nhân đã mất > 50% chức năng thận với số lần dùng thuốc được chia thành 2 lần mỗi ngày.
Đối với thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali, mặc dù không gây hạ kali máu nhưng chúng lại không cho hiệu quả cao như các thuốc lợi tiểu thiazid trong việc kiểm soát huyết áp cho người bệnh. Do đó, đối với người bệnh tăng huyết áp, thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali không được sử dụng để điều trị khởi đầu.
1.2. Thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn beta giao cảm (beta blocker)
Thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn beta giao cảm (Bisoprolol, Metoprolol, Labetalol, Nebivolol, Propranolol, Timolol, Carvedilol, Atenolol...) hoạt động theo cơ chế làm chậm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim, từ đó cho tác dụng làm giảm huyết áp ở người bệnh. Tất cả các thuốc thuốc nhóm chẹn beta giao cảm đều cho tác dụng hạ áp tương tự như nhau.
Đặc biệt, thuốc chẹn beta còn rất hữu ích ở những bệnh nhân mắc bệnh đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc suy tim (mặc dù hoạt chất atenolol có thể làm xấu đi tiên lượng ở của bệnh động mạch vành). Các thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn beta có khuyến cáo chống chỉ định cho bệnh nhân bị block nhĩ thất cấp độ 2-3, bệnh hen phế quản hoặc hội chứng suy nút xoang.
1.3. Thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn kênh calci
Thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn kênh canxi được chia thành 2 phân nhóm nhỏ đó là:
- Thuốc chẹn kênh canxi Dihydropyridin (amlodipine, Felodipine, Nifedipine, Nisoldipine, Isradipine...) hoạt động theo cơ chế giãn mạch ngoại vi mạnh, làm giảm huyết áp bằng cách giảm sức cản mạch ngoại vi. Đôi khi thuốc nhóm Dihydropyridin cũng gây ra tình trạng nhịp tim nhanh phản ứng.
- Thuốc chẹn kênh canxi nhóm nondihydropyridine (verapamil, diltiazem) hoạt động theo cơ chế làm chậm nhịp tim, giảm dẫn truyền nhĩ thất, giảm co bóp cơ tim từ đó dẫn đến tác dụng hạ huyết áp. Nhóm thuốc này không nên dùng cho bệnh nhân bị block nhĩ thất cấp độ 2-3 hoặc bệnh nhân bị suy thất trái.
Thuốc chẹn kênh canxi được ưu tiên sử dụng nhiều hơn so với thuốc chẹn beta ở những người bị đau thắt ngực ổn định có kèm theo tình trạng co thắt phế quản, co thắt mạch vành hoặc mắc hội chứng Raynaud.
1.4. Thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế ACE (thuốc ức chế men chuyển)
Chất ức chế ACE (benazepril, captopril, enalapril, fosinopril, lisinopril, perindopril, quinepril, ramipril, trandolapril...) làm giảm huyết áp theo cơ chế ức chế quá trình chuyển angiotensin I thành angiotensin II, từ đó làm giảm sức cản ngoại vi. Đặc biệt, nhóm thuốc này không gây ra hiện tượng nhịp tim nhanh phản xạ (khác với thuốc chẹn kênh canxi Dihydropyridine gây nhịp tim nhanh phản xạ).
Thuốc ức chế men chuyển được ưu tiên điều trị trên nhóm đối tượng bệnh nhân tăng huyết áp có kèm theo bệnh đái tháo đường vì tác dụng bảo vệ thận. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ ho khan, phù mạch. Do vậy, nếu bệnh nhân có tình trạng phù thanh quản (phổ biến nhất ở người da đen và những người hút thuốc lá) thì cần lưu ý khi sử dụng.
1.5. Thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm chẹn thụ thể angiotensin II
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (azilsartan, candesartan, eprosartan, irbesartan, losartan, olmesartan, telmisartan, valsartan...) hoạt động theo cơ chế gắn vào các thụ thể angiotensin II và bất hoạt chúng, từ đó gây ức chế hệ renin - angiotensin. Thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn thụ thể angiotensin II và Valsartan nhóm ức chế ACE sẽ cho hiệu quả hạ áp tương đương nhau do tác động vào cùng một hệ renin - angiotensin. Vì vậy không nên dùng thuốc chẹn thụ thể angiotensin II đồng thời với thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế ACE.
1.6. Một số thuốc điều trị tăng huyết áp khác
- Thuốc ức chế trực tiếp renin (Aliskiren): Thuốc sẽ ức chế renin trực tiếp giúp điều trị tăng huyết áp. Do đó, thuốc Aliskiren không kết hợp với thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn thụ thể angiotensin II.
- Thuốc cường adrenergic (chủ vận alpha-2, ức chế thụ thể alpha-1 sau synap...). Thuốc chủ vận alpha - 2 (methyldopa, clonidin...) làm giảm hoạt động thần kinh giao cảm, gây hạ huyết áp nhưng có khả năng gây buồn ngủ, lơ mơ, trầm cảm, vì thế ít được sử dụng rộng rãi. Thuốc chẹn thụ thể alpha-1 sau synap (prazosin, terazosin, doxazosin) dù có tác dụng hạ áp nhưng không còn được dùng như một thuốc điều trị tăng huyết áp do nhóm này không làm giảm tỷ lệ tử vong nhưng lại được sử dụng rộng rãi bệnh nhân bị phì đại lành tính tuyến tiền liệt.
- Thuốc giãn mạch trực tiếp (minoxidil và hydralazine) tác dụng trực tiếp lên mạch máu nên được dùng cho tăng huyết áp nặng, kháng trị. Hydralazine sử dụng được cho phụ nữ có thai.
2. Hoạt chất điều trị tăng huyết áp Amlodipin besilat
Amlodipin besilat là hoạt chất điều trị tăng huyết áp thuộc nhóm thuốc chẹn kênh canxi Dihydropyridine. Hoạt chất này hiện đang được lưu hành trên thị trường với các tên thương mại như: Amlor, APITIM 5... với hàm lượng 5mg. Thuốc được chỉ định sử dụng trong điều trị tăng huyết áp, đau thắt ngực ổn định mạn tính, đau thắt ngực do co thắt mạch (đau thắt ngực Prinzmetal).
Đối với bệnh tăng huyết áp và đau thắt ngực ở người trưởng thành, liều khởi đầu Amlodipin là 5 mg - 1 lần/ngày, có thể tăng lên tối đa là 10 mg - 1 lần/ngày tùy theo đáp ứng. Amlodipin có thể sử dụng đồng thời với thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc chẹn alpha, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế men chuyển... Trong bệnh lý đau thắt ngực, amlodipin có thể dùng đơn trị hoặc dùng đồng thời với các thuốc chống đau thắt ngực khác ở bệnh nhân đã kháng trị với các dẫn chất nitrat và/hoặc các thuốc chẹn beta. Đặc biệt khả năng dung nạp của bệnh nhân cao tuổi và trẻ tuổi là như nhau khi sử dụng liều amlodipin tương tự.
Đối với trẻ 6 - 17 tuổi, liều khởi đầu của Amlodipin besilat được khuyến cáo là 2,5 mg - 1 lần/ngày. Sau đó nếu chưa đạt được trị số huyết áp mong muốn sau 4 tuần điều trị thì có thể tăng lên 5 mg - 1 lần/ngày.
Chống chỉ định sử dụng amlodipin trên ở người nhạy cảm với dẫn chất dihydropyridin, người hạ huyết áp nghiêm trọng, người bệnh đang sốc (gồm cả sốc tim), tắc nghẽn đường ra của thất trái (hẹp động mạch chủ nặng), suy tim huyết động không ổn định sau nhồi máu cơ tim cấp.
Amlodipin được chứng minh là an toàn khi kết hợp các lợi tiểu thiazid, thuốc ức chế thụ thể alpha adrenergic, thuốc ức chế thụ thể beta adrenergic, các thuốc ức chế men chuyển, các thuốc giãn mạch nhóm nitrat tác dụng kéo dài, nitroglycerin ngậm dưới lưỡi, thuốc kháng viêm không steroid, thuốc kháng sinh và thuốc hạ đường huyết.
Tóm lại, để bảo vệ sức khỏe thì những người mắc bệnh tăng huyết áp nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp, an toàn.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.