Có rất nhiều nguyên nhân gây ra ngất, một trong những nguyên nhân hay gặp nhất đó là do thần kinh phế vị. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào các yếu tố lâm sàng, ngoài ra các xét nghiệm cận lâm sàng giúp loại trừ nguyên nhân nguy hiểm khác.
1. Ngất phế vị là gì?
Ngất là tình trạng mất ý thức tạm thời do thiếu cung cấp máu tới não, ngất thường diễn biến nhanh, trong thời gian ngắn và phục hồi hoàn toàn.
Ngất do thần kinh phế vị xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mạnh với các yếu tố xung quanh hay liên quan tới yếu tố cảm xúc. Ví dụ như sợ hãi một cái gì đó, đau buồn về tình cảm dẫn tới sự mất ý thức ngắn hạn gây ra bởi sự giảm đột ngột nhịp tim và huyết áp, từ đó làm giảm lưu lượng máu đến não.
Thông thường ngất có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ngất do thần kinh phế vị thường không gây hại. Tuy nhiên, có thể khi ngất va đập sẽ gây ra những tổn thương.
Nguyên nhân gây ra ngất phế vị: Ngất do thần kinh phế vị xảy ra khi một phần của hệ thống thần kinh điều chỉnh nhịp tim và huyết áp bị ảnh hưởng khi gặp một phản ứng nào đó.
Một số tình huống có thể gặp tình trạng ngất do phản xạ thần kinh phế vị có thể gặp như:
- Phải đứng trong thời gian dài.
- Các cảnh của máu hoặc những cảnh tai nạn.
- Tình huống gây ra cảm xúc quá mạnh.
- Tiếp xúc thời gian dài với nơi có nhiệt độ cao.
- Khi lấy máu, khi thay đổi tư thế.
- Sợ hãi do chấn thương, sợ bị đau do chấn thương.
- Căng thẳng quá mức.
2. Chẩn đoán ngất phế vị
Chẩn đoán ngất phế vị chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng của người bệnh. Tuy nhiên cần kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng nhằm loại trừ nguyên nhân khác.
2.1 Các dấu hiệu lâm sàng
Trước khi ngất có thể thấy các dấu hiệu như:
- Da tái nhợt
- Có thể đau đầu nhẹ.
- Hoa mắt.
- Đột ngột thấy tối sầm mắt, hạn chế tầm nhìn.
- Buồn nôn.
- Cảm giác nóng bừng hoặc lạnh toát mồ hôi.
Quan sát dấu hiệu khi ngất thấy:
- Cơ thể hơi giật nhẹ hoặc có những cử động bất thường.
- Bắt mạch yếu hơn và chậm hơn.
- Đồng tử giãn nhẹ.
Thường thì người bệnh sẽ hồi phục sau khi ngất khoảng 1 phút. Nhưng không nên đứng dậy quá sớm để tránh bị ngất lại.
2.2 Các xét nghiệm và chẩn đoán
Ngất có thể do các nguyên nhân đặc biệt khác, nhất là ngất liên quan tới tim, vì thế việc chẩn đoán ngất do thần kinh phế vị thường kèm theo việc loại trừ các nguyên nhân khác của ngất; đặc biệt là loại trừ các vấn đề liên quan đến tim.
Các xét nghiệm để loại trừ bệnh có thể bao gồm:
- Điện tâm đồ (ECG)): Có thể phát hiện được tình trạng nhịp tim bất thường và các vấn đề tim mạch khác có thể gây choáng ngất. Trong một số trường hợp khó phát hiện, có thể cần phải đeo máy điện tâm đồ di động một ngày hoặc kéo dài một tháng để theo dõi những bất thường.
- Siêu âm tim: Là sử dụng sóng siêu âm để khảo sát bệnh lý của tim. Có thể thấy được các vấn đề của tim như bệnh lý về van, cơ tim, dị tật bẩm sinh... có thể gây choáng ngất
- Nghiệm pháp gắng sức: Là thực việc nghiên cứu nhịp tim trong khi tập luyện. Người bệnh sẽ đeo máy theo dõi nhịp tim trong khi đi bộ hoặc chạy bộ trên máy chạy bộ.
- Xét nghiệm máu: Công thức máu có thể giúp đánh giá bệnh lý của hệ tạo máu cơ bản, như thiếu máu, tình trạng này cũng có thể gây ra hoặc góp phần vào cơn choáng ngất.
- Thử nghiệm bàn nghiêng: Nếu như không có vấn đề về tim gây ra ngất, người bệnh có thể cần phải trải qua một thử nghiệm bàn nghiêng. Người bệnh nằm thẳng trên bàn, sau đó bàn thay đổi vị trí, nghiêng lên ở các góc khác nhau và đồng thời theo dõi nhịp tim, huyết áp để xem những thay đổi do tư thế ảnh hưởng đến. Khi làm nghiệm pháp bàn nghiêng có thể đánh giá được người bệnh có tình trạng giả ngất do tâm lý hay ngất do thần kinh phế vị.
- Trường hợp huyết áp và tần số tim thay đổi ít, người bệnh không ngất thì nghiệm pháp bàn nghiêng âm tính.
- Huyết áp và tần số tim ít thay đổi, không có ngất, nhưng có vài triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, khó thở... người bệnh lịm đi là giả ngất do tâm lý.
- Ngất kèm theo tần số tim và huyết áp giảm nhanh, sau đó trở về bình thường nhanh khi nằm ngang được chẩn đoán ngất do phản xạ phế vị.
- Tình trạng ngất xảy ra ngay sau vài phút trên nghiêng bàn, kèm huyết áp giảm nhanh khi ngất, trở về bình thường nhanh khi nằm ngang và thấy tần số tim ít thay đổi: Trường hợp này có thể ngất do tụt huyết áp tư thế.
3. Phòng ngừa ngất do phế vị
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng của tiền ngất như hoa mắt, tối sầm mặt, chóng mặt nên nằm xuống và nâng cao cả hai chân. Việc này giúp duy trì, không gây giảm dòng máu tới não.
Nếu trường hợp không thể nằm, nên ngồi xuống và để đầu ở giữa hai đầu gối cho đến khi bạn cảm thấy đỡ các dấu hiệu tiền ngất.
Ngất do phế vị thường gặp và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên tình trạng ngất này có thể do các nguyên nhân bệnh lý bất thường tại tim hoặc cơ quan khác gây ra. Vì thế điều quan trọng trong chẩn đoán ngất do phế vị là loại trừ được các nguyên nhân thực thể nguy hiểm gây ra tình trạng này.
Thực tế ngất có thể là những dấu hiệu ban đầu của nhiều bệnh lý khác nhau. Trong trường hợp nếu tình trạng ngất xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống, bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giữ chức năng chuyên môn trong việc khám và điều trị các bệnh liên quan đến hệ Thần kinh. Khi việc thăm khám luôn được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn được đào tạo bài bản tại trong và ngoài nước. Hiện nay bệnh viện luôn được giới chuyên môn và khách hàng đánh giá cao từ dịch vụ, chất lượng đến quá trình thăm khám và điều trị bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.