Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Vân Hạnh - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Những biểu hiện ban đầu của bệnh bạch hầu có thể bị nhầm lẫn với một số căn bệnh khác, điều này làm mất đi “thời gian vàng” để điều trị và nâng mức nguy hiểm cho người bệnh. Do vậy, biết được những dấu hiệu bệnh bạch hầu là điều vô cùng quan trọng.
1 Biểu hiện lâm sàng bệnh bạch hầu
Bạch hầu họng (70%); bạch hầu thanh quản (20%); mũi 4%; mắt (3-8%), da: hiếm
1.1 Bạch hầu thể thông thường
Diễn biến qua 4 thời kỳ, biểu hiện sốt thường nhẹ, điều trị sớm, tiên lượng tốt
Thời kỳ ủ bệnh: Kéo dài khoảng 2 đến 5 ngày: Không có biểu hiện lâm sàng và có tiếp xúc với người bệnh, trong vụ dịch.
Khởi phát: Thời gian trung bình 2- 3 ngày. Tiến triển từ từ
- Hội chứng nhiễm trùng nhẹ: Sốt nhẹ, đau họng
- Hội chứng nhiễm độc rõ: Khó chịu, mệt mỏi, da xanh, chảy nước mũi. Viêm họng đỏ, sưng một bên Amidan, sưng hạch cổ tương ứng
- Gan hơi to, tim có thể nhanh hoặc bình thường
Toàn phát:
- Hội chứng nhiễm trùng nhẹ: Sốt nhẹ, ho, đau họng, khó nuốt, khàn giọng, đau đầu
- Hội chứng nhiễm độc: Tình trạng nhiễm độc rõ dần, mệt mỏi nhiều, miệng hôi tuỳ theo mức độ, từ không rõ đến xanh tái, bứt rứt, mạch nhanh, truỵ mạch
- Chảy nước mũi ( một bên), mủ máu, viêm loét niêm mạc mũi.
- Hạch cổ, hạch góc hàm to, cổ bạnh tạo hình ảnh ‘cổ trâu”
- Toàn thân: Tim nhanh, viêm cơ tim, viêm thận (phù, đái ít), xuất huyết dưới da.
Tại chỗ: Họng đỏ, có giả mạc trắng xám, dính chặt vào amidan, họng, lan rộng nhanh, dai, bóc khó, gây chảy máu, giả mạc không tan khi cho vào nước. Thường xuất hiện ở Amidan lan ra hầu họng, vòm họng, lưỡi gà, xuống thanh môn gây khó thở thanh quản. Tùy theo vị trí gây bệnh sẽ biểu hiện các thể lâm sàng khác nhau
1.2 Bệnh bạch hầu mũi
Sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy, có lẫn máu. Khám thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Gặp ở trẻ sơ sinh, bệnh thường nhẹ. Sau một thời gian khu trú tại vách mũi, lao mũi, giả mạc khu trú ở mũi sau lan dần ra vùng họng và gây nhiễm độc toàn thân
1.3 Bạch hầu họng và Amidan
Là thể thường gặp nhất, dễ tiến triển nặng gây bạch hầu thanh quản, bạch hầu ác tính, cần được phát hiện và điều trị sớm. Biểu hiện mệt, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ, niêm mạc Amidan và cổ họng có những chấm trắng nhỏ, hạch dưới hàm sưng, đau. Sau 2-3 ngày sẽ xuất hiện đám hoại tử tạo lớp giả mạc khu trú ở hai bên Amidan, có khi lan ra lưỡi gà và bao phủ cả vùng hầu họng. Giả mạc màu trắng ngà hoặc trắng xám, dính chặt vào lớp thượng bì bên dưới, dai, khó bóc tách, rất dễ chảy máu, khuynh hướng phát triển, lan rộng nhanh. Thường có sưng hạch dưới hàm, hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra. Thể bệnh này, độc tố ngấm vào máu nhiều gây tình trạng nhiễm độc toàn thân, mệt, phờ phạc, da xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn năng hơn có thể hôn mê và tử vong trong vòng 6 – 10 ngày, nếu không được điều trị tích cực.
1.4 Bạch hầu thanh quản
Tiến triển nhanh, nặng, xảy ra sau bạch hầu họng do chẩn đoán và điều trị muộn, hiếm gặp bạch hầu thanh quản tiên phát. Diễn biến qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn khàn tiếng: Sốt nhẹ, ho khan, khàn tiếng sau ho vang, ho ông ổng, mất tiếng. Khám có giả mạc ngay tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc này sẽ gây tắc đường thở
- Giai đoạn khó thở: Thường về đêm, khó thở thanh quản tăng dần, liên tục, thở rít thì thở vào, ho vang, co kéo các cơ hô hấp, rút lõm hõm trên và dưới xương ức, xanh tím, có biểu hiện nhiễm độc, cổ bạnh, hạch cổ, có giả mạc họng. Khó thở được chia 3 mức độ:
- Độ I: Khàn tiếng, khó thở từng cơn, khó thở chậm, thì thở vào, tăng khi kích thích, thăm khám, không có rút lõm hoặc rút lõm rất nhẹ, vẫn uống được.
- Độ II: Khó thở liên tục, kể cả khi yên tĩnh, vật vã, kích thích, giảm thông khí vào, co rút ngực rõ, có dấu hiệu nhiễm độc, dấu hiệu mất nươc, không uống được, mất tiếng – chưa có rối loạn tri giác (vẫn còn tỉnh)
- Độ III: Có dấu hiệu tắc nghẽn hô hấp trên, khó thở nhanh, nông, xanh tím, trao đổi khí kém, co rút ngực nặng, bồn chồn (đói không khí) – lơ mơ, hôn mê
- Giai đoạn ngạt thở: Lịm dần, ngừng thở, ngừng tim, tím tái, mê man và tử vong
1.5 Bạch hầu ác tính
Tiên phát: 1-2 ngày, thứ phát: 10 -15 ngày, chậm: 40 - 50 ngày.
Tiến triển nhanh sau 5 -6 ngày: Khó thở, tiêu chảy, xuất huyết, trụy mạch. Gây ngạt thở, xuất huyết. Có nhiều biến chứng, tử vong cao. Bệnh có thể khởi phát từ từ như bạch hầu họng nhưng cũng có thể đột ngột với sốt cao, liên tục, nôn, đau họng, tình trạng nhiễm độc nặng toàn thân, mệt, xanh tái. Giả mạc lan nhanh khắp vòm hầu, dầy xám, xuất huyết với nhiều tổ chức hoại tử chung quanh. Hạch vùng cổ sưng to, cổ bạnh, hơi thở hôi, nói khó nghe. Có thể xuất huyết da, kiểu tử ban, nôn ra máu, đái ra máu, gan to, đau vùng gan, truỵ tim mạch và tử vong.
1.6 Bạch hầu da
Trực khuẩn xâm nhập qua các vết thương, vết phỏng, hay gặp ở chi dưới, có cả ở vùng quanh hậu môn, sang thương điển hình là vết trũng sâu, đường kính 0,5- 3cm, vết loét có màu nâu xám, dễ xuất huyết và bong tróc tự nhiên sau 1-3 tuần. bạch hầu da gây viêm cơ tim (3-5%), gây tổn thương thần kinh ngoại vi (20%)
1.7 Bạch hầu ở nơi khác
Thường nhẹ (niêm mạc tiết niệu, sinh dục, hậu môn, ống tai: loét, có màng giả, lưỡi, nướu răng, thực quản, kết mạc mắt).
2. Biểu hiện cận lâm sàng
- Xét nghiệm vi sinh: Lấy dịch họng, giả mạc ở họng, mũi, các tổn thương ở da để nhuộm Gram, soi tươi tìm trực khuẩn hình que Gram (+) và cấy vi khuẩn.
- Xét nghiệm máu: Bạch cầu thường tăng, chủ yếu BC đa nhân
- Điện tâm đồ: Phát hiện rối loạn nhịp tim, (làm sớm, nhiều lần để theo dõi)
3. Biến chứng bệnh bạch hầu
3.1. Biến chứng do giả mạc lan rộng gây bịt kín đường hô hấp
Giả mạc lan xuống thanh quản, khí quản, bịt kín phế quản gây bít tắc đường thở + nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, gây viêm phế quản phổi, viêm thực quản, tâm vị. Khi tổn thương ở phổi giảm, giả mạc khi tróc ra có thể gây bít tắc đường thở đột ngột (thở nhanh, bứt rứt, vật vã, co kéo cơ hô hấp, gây suy hô hấp và tử vong).
3.2. Biến chứng do độc tố bạch hầu
Viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy giảm chức năng co bóp cơ tim, suy tim:
Thường gặp (khoảng 2/3 trường hợp), nhưng chỉ 10 - 25% có biểu hiện lâm sàng rõ, gây tử vong đến 50 -60%. Thường xuất hiện vào ngày 6- 14 của bệnh hoặc qua tuần 3, khi triệu chứng đã cải thiện hoặc rất muộn vào tuần 5- 6 khi bệnh đã hồi phục. Biểu hiện:
- Cơ năng: Mệt mỏi, lo lắng, bứt rứt, dễ kích thích, chán ăn, nôn, đau thượng vị.
- Thực thể: Mạch nhanh (có thể chậm, không đều), huyết áp hạ, tiếng tim mờ, không đều, nhịp ngựa phi, tiếng thổi, gan to. Gây suy tim cấp, tử vong đột ngột
- Điện tâm đồ: PR kéo dài, thay đổi sóng T, bloc nhĩ – thất độ I, II, III và các rối loạn nhịp khác (Rung nhĩ, nhịp thất, block nhánh hoàn toàn (90%).
Viêm dây thần kinh ngoại biên do độc tố bạch hầu:
Liệt vòm hầu và thành sau họng, xuất hiện sớm ngay 2-3 ngày đầu, 10% sau 2 đến 6 tuần, gây tổn thương dây III, IV, VI, VII, IX, X. liệt màn hầu, liệt cơ ở mắt, liệt điều tiết, nói giọng mũi, nuốt khó. Liệt thần kinh ngoại vi gây liệt chi, liệt cơ hoành, liệt cơ liên sườn gây suy hô hấp và tử vong. Có thể viêm đa rễ và dây thần kinh ngoại vi (Guillain – Bare). Tổn thương do viêm dây thần kinh ngoại vi trong Bạch hầu có thể phục hồi nhưng muộn – ( sau nhiều tuần, nhiều tháng).
Các biến chứng khác:
- Viêm thận: Đái máu, Protein niệu
- Thuyên tắc do rung nhĩ gây liệt nửa người
- Bội nhiễm viêm phổi
- Xuất huyết dưới da do giảm tiểu cầu
- Phát ban dạng sởi
Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp đa dạng các dịch vụ tiêm vắc-xin bạch hầu dành cho trẻ nhỏ và người lớn với 5 loại phối hợp, gồm:
- Vắc-xin 6 trong 1 Infanrix Hexa của GSK (Bỉ)
- Vắc-xin 6 trong 1 Hexaxim của Sanofi (Pháp)
- Vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim của Sanofi (Pháp)
- Adacel 0,5 ml của hãng Sanofi - Pháp
- Tetraxim 0.5 ml của hãng Sanofi - Pháp
Để đảm bảo hiệu quả tiêm chủng và an toàn, trước khi tiêm, khách hàng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế Thế giới.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.