Vi khuẩn Hib: Nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi, viêm màng não ở trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae type b) là vi khuẩn gây bệnh viêm phổi nặng, viêm màng não và các bệnh xâm lấn khác diễn ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Vi khuẩn Hib có thể xâm lấn vào các bộ phận của cơ thể thường không có vi trùng như dịch tủy sống gây viêm màng não hoặc máu gây nhiễm khuẩn huyết. Bệnh xâm lấn thường nặng, cần điều trị tại bệnh viện và đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, vắc-xin là công cụ duy nhất có khả năng ngăn ngừa phần lớn các bệnh nặng do vi khuẩn Hib gây ra.

1. Vi khuẩn hib là gì?


Tiêm Vắc-xin chống vi khuẩn hib ở trẻ em
Tiêm Vắc-xin chống vi khuẩn hib ở trẻ em

Haemophilus influenzae là một loại vi khuẩn gây ra nhiều loại bệnh nhiễm trùng khác nhau, từ nhiễm trùng tai nhẹ đến các bệnh nghiêm trọng, như nhiễm trùng máu.

Các bác sĩ gọi các bệnh nhiễm trùng này là bệnh xâm lấn. Bệnh xâm lấn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào các bộ phận của cơ thể mà bình thường không có vi trùng. Ví dụ, Haemophilus influenzae có thể xâm lấn vào dịch tủy sống gây viêm màng não hoặc vào máu gây nhiễm khuẩn huyết. Bệnh xâm lấn thường nặng, cần điều trị trong bệnh viện và có thể tử vong.

Các loại bệnh xâm lấn phổ biến nhất do Haemophilus influenzae gây ra là:

● Viêm phổi

Nhiễm trùng máu

● Viêm màng não

● Viêm nắp thanh quản (Epiglotittis)

● Viêm mô tế bào (Cellulitis)

● Viêm khớp nhiễm khuẩn

● Haemophilus influenzae là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng tai ở trẻ em và viêm phế quản ở người lớn.

Có 6 loại vi khuẩn Haemophilus influenzae (được đặt tên từ a đến f) và các loại không thể nhận dạng khác (nontypeable). Những vi khuẩn này sống ở mũi và vùng họng của người khỏe mạnh và thường không gây hại. Tuy nhiên, vi khuẩn này đôi khi có thể di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể và gây nhiễm trùng.

2. Đường truyền bệnh

Do vi khuẩn Hib thường cư trú trong mũi hoặc vùng họng, nên kể cả người khỏe mạnh và người mắc bệnh do vi khuẩn Hib gây ra đều có khả năng truyền vi khuẩn này cho người khác khi họ hắt hơi hoặc ho. Vi khuẩn Hib cũng có thể lây sang những người tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae gây ra.

3. Yếu tố nguy cơ

Các bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae gây ra, bao gồm cả vi khuẩn Hib thường xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Người lớn từ 65 tuổi trở lên và những người mắc một số bệnh cũng có nguy cơ mắc bệnh cao như:

● Bệnh hồng cầu hình liềm

● Thiếu lá lách (asplenia)

● Nhiễm virus HIV

● Ung thư cần điều trị bằng hóa trị, xạ trị hoặc ghép tế bào gốc tủy xương

4. Triệu chứng nhiễm vi khuẩn Hib


Viêm màng não do vi khuẩn
Viêm màng não do vi khuẩn

Vi khuẩn Haemophilus influenzae, bao gồm cả vi khuẩn Hib, có thể gây ra nhiều loại bệnh nhiễm trùng khác nhau. Các triệu chứng phụ thuộc vào cơ quan của cơ thể bị nhiễm bệnh.

Viêm phổi

Các triệu chứng viêm phổi thường bao gồm:

● Sốt và ớn lạnh

● Ho

● Thở dốc hoặc khó thở

● Đổ mồ hôi

● Đau ngực

● Đau đầu

● Đau cơ hoặc đau nhức cơ thể

● Mệt mỏi quá mức

Vãng khuẩn huyết (Bacteremia)

Đây là bệnh nhiễm trùng ở máu với triệu chứng như sau:

● Sốt và ớn lạnh

● Mệt mỏi quá mức

● Đau bụng

● Buồn nôn hoặc nôn

● Bệnh tiêu chảy

● Lo âu

● Thở dốc hoặc khó thở

● Lú lẫn

Viêm màng não

Viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng màng bao phủ não và tủy sống. Các triệu chứng của viêm màng não thường khởi phát đột ngột:

● Sốt

● Đau đầu

● Cứng cổ

● Buồn nôn hoặc nôn

● Chứng sợ ánh sáng (Photophobia)

● Lú lẫn

● Em bé bị viêm màng não có thể cáu kỉnh, nôn, bú kém hoặc có vẻ chậm hoặc không hoạt náo như bình thường.

5. Cách phòng ngừa vi khuẩn Hib

5.1 Tiêm vắc xin

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) để phòng bệnh do vi khuẩn Hib gây ra, các bậc phụ huynh nên cho tất cả trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 2 tuổi tiêm vắc-xin phòng ngừa Hib.

Trẻ lớn hơn và người lớn thường không cần vắc-xin Hib. Tuy nhiên, CDC khuyến cáo tiêm vắc-xin Hib cho những người mắc một số bệnh khiến họ có tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra.

5.2 Kháng sinh phòng ngừa

Vi khuẩn Haemophilus influenzae có thể lây sang những người tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc lâu với người bị bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae. Trong một số trường hợp nhất định, những người tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae nên dùng kháng sinh để phòng bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: cdc.gov, who.int

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe