Chẩn đoán bạch cầu cấp (ung thư máu)

Ung thư là bệnh đang có xu hướng phát triển ở nhiều quốc gia, trong đó bệnh bạch cầu cấp hay còn gọi là bệnh ung thư máu khá phổ biến. Bạch cầu cấp gây nên do nhiều nguyên nhân khác nhau và việc phòng bệnh đang còn gặp nhiều khó khăn.

1. Bệnh ung thư máu là gì?

Bệnh ung thư máu hay bệnh bạch cầu cấp là bệnh lý do các tế bào máu bị ung thư hóa trong quá trình tạo ra tế bào, những tế bào ung thư này nhân lên rất nhanh và nếu không được điều trị sẽ ứ đọng trong tủy xương và cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường tiếp theo

Bệnh ung thư máu không phải là một bệnh lý đơn lẻ mà bao gồm nhiều loại bệnh trong đó có 2 loại chính:

  • Bạch cầu cấp dòng tủy (AML): do các tế bào dòng tủy bị ung thư hóa như bạch cầu hạt, hồng cầu, tiểu cầu mà không phải lympho
  • Bạch cầu cấp dòng lympho (ALL): do tế bào lympho bị tổn thương ung thư.
  • Bạch cầu cấp trẻ em thường gặp ở dòng này hơn là dòng tủy.

2. Chẩn đoán ung thư máu

2.1. Dựa vào triệu chứng lâm sàng

Trong bệnh bạch cầu cấp, nhiều triệu chứng xuất hiện không những do sản xuất không đủ các loại tế bào máu bình thường trong tủy, mà còn do các tế bào ung thư lan tràn khắp cơ thể. Triệu chứng do giảm các tế bào máu bình thường:

2.1.1. Dễ bị nhiễm khuẩn

  • Sốt là triệu chứng thường gặp. Đây là triệu chứng kết hợp với hiện tượng giảm số lượng bạch cầu ở máu ngoại vi.
  • Có thể nhiễm trùng tại một cơ quan nào đó: Hô hấp, tiết niệu ngoài da...Đôi khi không phát hiện được ổ nhiễm trùng nào
  • Nhiễm trùng đáp ứng kém với kháng sinh

Chức năng của bạch cầu là bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài ví dụ tác nhân vi khuẩn, vì vậy lượng bạch cầu bị giảm sút dẫn đến không đủ khả năng chống đỡ, hậu quả là bệnh nhân ung thư máu dễ bị nhiễm khuẩn.

2.1.2. Triệu chứng thiếu máu

  • Tính chất thiếu máu không hồi phục với các đặc điểm
  • Thiếu máu nhanh chóng và nặng dần
  • Thiếu máu không tương xứng với mức độ xuất huyết
  • Bệnh nhân kém thích nghi với tình trạng thiếu máu do tính chất cấp tính của bệnh
  • Đáp ứng kém với truyền máu
  • Tính chất lâm sàng của thiếu máu: Hoa mắt chóng mặt, hồi hộp tim nhanh, có cơn ngất hoặc thoáng ngất. Da xanh niêm mạc nhợt

Đây là triệu chứng xuất hiện liên quan đến việc giảm số lượng hồng cầu. Do chức năng của hồng cầu là vận chuyển oxy tới toàn bộ cơ thể nên mọi sự thiếu hụt hồng cầu đều gây ra hậu quả thiếu oxy ở các cơ quan đích trong cơ thể, gây ra các triệu chứng như thở nhanh hoặc thở ngắn khi vận động, hoa mắt, mệt mỏi và/ hoặc nhợt nhạt.

2.1.3. Nguy cơ chảy máu


Xuất huyết dưới da
Xuất huyết dưới da
  • Xuất huyết tự nhiên với đặc điểm của xuất huyết giảm tiểu cầu
  • Xuất huyết dưới da: hay gặp nhất, đa hình thái, đa lứa tuổi.
  • Xuất huyết niêm mạc: chảy máu chân răng, chảy máu cam, nữ có thể xuất huyết từ niêm mạc tử cung: rong kinh, rong huyết.
  • Xuất huyết tạng: Có thể xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết đường tiết niệu, xuất huyết cơ tim, màng tim, xuất huyết não, màng não. Nếu có nguy cơ tử vong rất cao, tiên lượng nặng

Đây là triệu chứng liên quan đến tình trạng giảm số lượng tiểu cầu. Vì chức năng của tiểu cầu là cầm máu, nên mọi tình trạng thiếu hụt tiểu cầu đều làm tăng nguy cơ chảy máu ngay cả với chấn thương nhẹ, và kết quả xuất huyết những chấm xuất huyết nhỏ, mảng bầm dưới da, chảy máu từ lợi hoặc từ mũi. Chảy máu nội tạng có thể gặp trong một số trường hợp nặng.

2.1.4. Hội chứng thâm nhiễm

  • Gan, lách thường to mức độ ít, trung bình(3 – 4 cm dưới bờ sườn) Có trường hợp to hơn nhưng ít gặp
  • Hạch to nhiều vị trí: cổ, nách bẹn..
  • Đau xương: do thâm nhiễm vào màng xương
  • Phì đại lợi
  • U hạt dưới da

Phì đại cơ quan nội tạng và các cơ quan khác do xâm lấn tế bào ung thư vào các cơ quan như gan, lách, hạch. Trong một số trường hợp những tế bào này có thể xâm lấn hệ thần kinh trung ương có thể biểu hiện kích thích màng não gây nên triệu chứng đau đầu, nôn.

2.1.5. Hội chứng loét và hoại tử miệng, họng

Đáp ứng kém với kháng sinh

2.1.6. Thể không điển hình

Thiếu các triệu chứng hoặc các triệu chứng không rõ ràng dễ bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm, hoặc có các triệu chứng hiếm gặp do thâm nhiễm của tế bào ác tính gây liệt 1/2 người, viêm khớp, to mào tinh hoàn, u xương, u dưới da...

2.2 Dựa vào kết quả cận lâm sàng

Trong bệnh ung thư máu, các tế bào bất thường có thể quan sát được. Số lượng bạch cầu có thể tăng hoặc giảm, giảm số lượng tiểu cầu. Trong một số trường hợp, có thể quan sát được tế bào ung thư ở máu ngoại vi.

  • Xét nghiệm tủy- chọc hút tủy xương

Chọc hút tủy xương là việc lấy một số lượng nhỏ mô tủy dưới dạng dịch lỏng để xác định sự có mặt của các tế bào ung thư, là yếu tố quyết định để chẩn đoán bạch cầu cấp.

  • Phân tích huyết thanh và nước tiểu- xét nghiệm hóa sinh

Xét nghiệm này sẽ phân tích các thành phần máu và nước tiểu. Nồng độ acid uric trong huyết tương và trong nước tiểu, nồng độ LDH sẽ tăng trong bệnh ung thư máu.

  • Quan sát hình thái tế bào- quy trình nhuộm đặc biệt

Chuẩn bị tiêu bản máu để quan sát hình thái các tế bào máu.

Dung dịch Giemsa thường được dùng để nhuộm tiêu bản.

Nhuộm đặc biệt như Peroxydase, Esterase không đặc hiệu, và PAS thường được sử dụng để xếp thể bệnh bạch cầu cấp.

  • Xét nghiệm phân loại tế bào- kháng nguyên bề mặt tế bào

Các kháng nguyên trên bề mặt màng tế bào thể hiện đặc trưng cho từng dòng tế bào.

  • Xét nghiệm tìm bất thường gen- tìm bất thường nhiễm sắc thể

Các bất thường gen và nhiễm sắc thể có thể được tìm thấy ở những tế bào bạch cầu ác tính.

3. Bệnh bạch cầu có chữa được không?


Bệnh bạch cầu có chữa được không?
Bệnh bạch cầu có chữa được không?

Bạch cầu cấp không thể chữa khỏi, tuy nhiên nhờ sự tiến bộ của các phương pháp điều trị thì kết quả điều trị đã được cải thiện đáng kể.

Trong thời gian qua, các nhà khoa học đã có những cố gắng rất lớn trong việc điều trị bệnh ung thư máu nên cuộc sống của người bệnh được kéo dài thêm rõ rệt. Có nhiều loại phác đồ điều trị khác nhau nhưng cơ chế, nguyên lý và cách sử dụng thuốc gần như nhau.

Bệnh bạch cầu cấp có tế bào ác tính khá cao, sau điều trị nếu số lượng tế bào ác tính giảm trên 99% có thể xem là thời kỳ lui bệnh hoàn toàn, không còn triệu chứng lâm sàng, máu và tủy xương trở lại bình thường hoặc gần như bình thường; nếu chỉ còn lại một tế bào ung thư thì sau 40 lần phân bào sẽ sinh ra khá nhiều tế bào con, vì vậy phải kéo dài thời gian điều trị sau khi đã đẩy lui bệnh hoàn toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe