Bạch cầu cấp là bệnh máu ác tính, trong đó các tế bào máu nguyên thuỷ ở tuỷ xương ngừng biệt hoá nhưng không ngừng sinh sản, phát triển rất nhiều trong tủy xương và ra cả máu ngoại vi.
1. Bệnh bạch cầu là gì?
Bệnh bạch cầu xảy ra khi các tế bào bạch cầu non phát triển ngoài tầm kiểm soát và tiếp tục phân chia nhưng không phát triển thành các tế bào bình thường và không thực hiện được các chức năng của tế bào máu trắng thông thường. Các tế bào bất thường này có thể xâm lấn các tế bào máu trắng bình thường, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Tế bào trở thành ‘bất bình thường’ vì chúng không thể trưởng thành trọn vẹn. Tình trạng không thể trưởng thành trọn vẹn này là yếu tố chính gây ra bệnh bạch cầu. Những tế bào ‘em bé’, hay còn non, tích tụ trong cơ thể vì chúng không chết và không bị tiêu hao dần.
Khi phát bệnh bạch cầu, các tế bào bệnh bạch cầu tích tụ trong tủy xương. Cuối cùng tất cả bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu bình thường hết chỗ trú ngụ hay không đổi mới nữa. Tủy xương khỏe mạnh bị thay thế bằng những tế bào còn non, rồi cuối cùng những tế bào này nhập vào dòng máu và đi khắp nơi trong cơ thể. Do đó, khi số lượng tế bào còn non gia tăng, thì số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu giảm bớt.
Vì thế, khi bị bệnh bạch cầu, bệnh nhân sẽ có một số triệu chứng hay dấu hiệu thiếu loại tế bào máu nào đó.
2. Các loại bệnh bạch cầu
Bốn dạng bệnh bạch cầu thông thường là:
- Bệnh Bạch Cầu Nguyên Bào Cấp Tính (Acute Lymphoblastic Leukaemia - ALL)
- Bệnh Bạch Cầu Bạch Huyết Bào Mạn tính (Chronic Lymphocytic Leukaemia - CLL)
- Bệnh Bạch Cầu Tủy Bào Cấp Tính (Acute Myeloid Leukaemia - AML)
- Bệnh Bạch Cầu Tủy Bào Mạn tính (Chronic Myeloid Leukaemia- CML)
Bệnh bạch cầu cấp tính (Acute Leukaemia) xảy ra khi các tế bào trong thời kỳ phát triển ban đầu bị ảnh hưởng. Do đó, các tế bào này còn không trưởng thành được và hoàn toàn vô dụng. Do đó, bệnh nhân bị bệnh bạch cầu dạng cấp tính dễ bị viêm nhiễm, chảy máu, và thiếu máu, và hầu như phải được trị liệu ngay.
Bệnh bạch cầu mạn tính (Chronic Leukaemia) xảy ra khi các tế bào khá “Phát triển hơn” bị ảnh hưởng. Thông thường những tế bào có phần lớn chức năng bình thường, và bệnh nhân ít bị thiếu máu, chảy máu và viêm nhiễm hơn. Bệnh nhân trong trường hợp này không cần phải được trị liệu ngay và một số người chẳng cần phải được trị liệu gì cả. Bệnh bạch cầu chia thành dạng tủy bào (myeloid) hay bạch huyết bào (lymphoid).
Khi bệnh bạch cầu ảnh hưởng đến những tế bào mà sau cùng sẽ biến thành tiểu cầu, hồng cầu, bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân to, tình trạng này gọi là bệnh bạch cầu tủy bào (myeloid), tủy xương (myelogenous), hạt (granulocytic), hay tủy bào (myelocytic).
Khi bệnh bạch cầu ảnh hưởng đến những tế bào mà sau cùng sẽ biến thành bạch huyết bào, tình trạng này gọi là bệnh bạch cầu nguyên bào (lymphoblastic), bạch huyết (lymphoid), bạch huyết bào (lymphocytic), hay bạch huyết (lymphatic)
3. Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy
Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy là một trong những bệnh máu ác tính thường gặp nhất ở người trưởng thành, tỷ lệ mắc của bệnh tăng dần theo tuổi. Hơn một nửa số trường hợp bệnh bạch cầu cấp dòng tủy được phát hiện sau 60 tuổi với tuổi mắc bệnh trung bình của các bệnh nhân là 64.
Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy bắt đầu trong tủy xương (phần mềm bên trong xương, nơi tạo ra các tế bào máu mới), và trong hầu hết các trường hợp, các tế bào ung thư nhanh chóng đi ra máu tuần hoàn. Đôi khi, các tế bào ung thư có thể lan ra một số cơ quan khác trong cơ thể như gan, lách, hạch, hệ thần kinh trung ương, ...
Trong ung thư máu cấp, các tế bào ung thư là các tế bào non. Loại ung thư máu này tiến triển nhanh vì các tế bào non phân chia rất nhanh, các tế bào ung thư thậm chí còn phân chia không kiểm soát.
Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy được chia thành nhiều loại khác nhau. Những loại bệnh bạch cầu cấp dòng tủy khác nhau có thể có cách điều trị và tiên lượng bệnh khác nhau. Một số loại bệnh bạch cầu cấp đáp ứng rất tốt với điều trị, bệnh nhân có thể khỏi bệnh. Tuy nhiên, với một số loại bệnh bạch cầu cấp khác, tiên lượng có thể xấu hơn.
Khi đã xác định bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, bác sĩ sẽ trao đổi về các lựa chọn điều trị. Các lựa chọn điều trị có thể bị ảnh hưởng bởi loại bệnh bạch cầu cấp dòng tủy, các kết quả xét nghiệm, tiên lượng, cũng như tình trạng bệnh hiện tại.
4. Bệnh bạch cầu cấp
Bệnh bạch cầu cấp là một bệnh ác tính về máu, có hiện tượng tăng sinh quá độ của các bạch cầu non chưa phân hóa hoặc là phân hóa kém. Nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu cấp đến nay vẫn chưa biết rõ.
Bệnh bạch cầu cấp khởi phát có thể đột ngột với các triệu chứng như sốt cao, xuất huyết nhiều, suy nhược nặng hoặc xảy ra từ từ với các triệu chứng như mệt mỏi, xanh xao, sốt nhẹ, lở loét miệng không lành, chảy máu rỉ rả ở chân răng. Có khi bệnh nhân không có triệu chứng gì đặc biệt chỉ phát hiện tình cờ bệnh khi bệnh nhân nhổ răng chảy máu không cầm được hoặc khi bệnh nhân là phụ nữ bị rong kinh dài ngày.
Về điều trị bao gồm điều trị tấn công: Sử dụng hóa trị liệu, phối hợp nhiều loại thuốc kết hợp điều trị triệu chứng và nâng đỡ tổng trạng bệnh nhân. Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh bạch cầu cấp, bệnh nhân nên đi gặp bác sĩ để có phác đồ điều trị kịp thời, vì nếu bệnh bạch cầu cấp không được điều trị sớm sẽ nguy hiểm tính mạng.
Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.