Chăm sóc trẻ ngay sau khi sinh ra từ người mẹ có HIV

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, có khoảng gần 3.000 trẻ trong số gần 2 triệu trẻ mới sinh hằng năm có nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ. Tuy nhiên còn có một điều may mắn không phải đứa trẻ nào sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng bị nhiễm HIV. Nếu biết dự phòng, chăm sóc và theo dõi đúng cách, số trẻ nhiễm HIV sinh ra từ mẹ có HIV sẽ giảm đi đáng kể.

1. Các thời điểm lây nhiễm virus HIV cho con

Người mẹ mang thai nhiễm HIV có thể lây truyền virus HIV sang con trong thời kỳ mang thai, khi sinh và khi cho con bú.

  • Trong thời kỳ mang thai:

Virus HIV từ máu của mẹ sẽ di chuyển qua nhau thai để vào cơ thể thai nhi. Sự lây truyền HIV trong thời kỳ mang thai có thể xảy ra sớm ngay khi thai nhi mới được 8 tuần tuổi và kéo dài trong suốt thai kỳ.

  • Trong khi sinh:

Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong suốt quá trình chuyển dạ. Bởi khi trẻ chui ra từ đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo như: nuốt nước ối, vi-rút trong máu và dịch âm đạo của mẹ đều có chứa HIV. Có khoảng 50-60% trẻ sơ sinh nhiễm HIV từ mẹ trong giai đoạn này. Đồng thời, người mẹ mang thai nhiễm HIV có nguy cơ lây truyền HIV sang con trong khi sinh sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn... Cứ sau mỗi giờ từ khi vỡ ối, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ tăng thêm khoảng 2%.

  • Khi cho con bú:

Cho dù số lượng virus HIV trong sữa mẹ không cao, nhưng vẫn gây nguy cơ lây nhiễm cho trẻ khi trẻ bú sữa mẹ nhiễm HIV. Khi trẻ bú mẹ, virus HIV có trong sữa mẹ có thể xâm nhập qua niêm mạc, lưỡi, lợi của trẻ và lây nhiễm HIV cho trẻ, nhất là trong trường hợp trẻ có các viêm nhiễm trong khoang miệng. Hoặc trong trường hợp vú mẹ có viêm nhiễm, vết nứt hay khi trẻ mọc răng cắn gây chảy máu thì HIV có thể theo máu vào miệng trẻ, xâm nhập qua niêm mạc miệng, lưỡi và gây nhiễm HIV cho trẻ.


Virus HIV có trong sữa mẹ
Virus HIV có trong sữa mẹ

2. Chăm sóc trẻ ngay sau khi sinh ra từ người mẹ có HIV

Quá trình chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ có HIV sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những đứa trẻ bình thường khác. Do vậy, nhiều vấn đề cần được quan tâm và định hướng rõ ràng trong quá trình nuôi dưỡng để giúp hạn chế khả năng lây truyền virus HIV từ mẹ sang con như sau:

  • Sau khi đầu trẻ chui ra ngoài, lấy khăn mềm có tẩm huyết thanh đẳng trương một cách nhanh chóng. Sau khi toàn thân trẻ chui ra hoàn toàn lau khô toàn thân cho trẻ.
  • Chờ dây rốn ngừng đập rồi kẹp dây rốn cho trẻ.
  • Sau khoảng 30 giây mà trẻ chưa tự thở được thì mới cần thiết hút nhớt cho trẻ. Khi hút cần nhẹ nhàng và cẩn thận, tránh gây sang thương cho trẻ thì khả năng trẻ sơ sinh nhiễm HIV rất cao.
  • Tắm cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV càng sớm càng có lợi.
  • Điều trị ARV cho trẻ để dự phòng lây nhiễm HIV, bởi theo thống kê, có khoảng một nửa những đứa trẻ sinh ra từ mẹ có HIV sẽ tử vong trong vòng 2 năm đầu đời.
  • Sử dụng sữa công thức thay thế sữa mẹ là điều cần thiết khi chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ có HIV, điều này giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm mầm bệnh từ mẹ sang con. Tuyệt đối không được cho trẻ vừa ăn sữa mẹ vừa ăn sữa công thức bởi sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh.

3. Làm gì để loại trừ nguy cơ nhiễm HIV cho con?

Với những phụ nữ mang thai nhiễm HIV, việc nhận kết quả HIV dương tính ít nhiều cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý. Do đó họ rất cần được chăm sóc về thể chất, tinh thần cũng như tiếp cận những biện pháp can thiệp giúp dự phòng lây HIV từ mẹ sang con. Cụ thể:

3.1. Trong khi mang thai

Thực hiện tư vấn đầy đủ trước và sau xét nghiệm HIV. Tư vấn về dinh dưỡng khi mang thai và nuôi dưỡng trẻ sau sinh; về nguy cơ và bất lợi có thể xảy ra khi mang thai, sinh đẻ, kể cả việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sau này

Tư vấn hỗ trợ tinh thần, thực hiện các hành vi an toàn để dự phòng lây HIV từ mẹ sang con và những người xung quanh. Đồng thời tập huấn sẵn sàng điều trị bằng ARV và thực hành tuân thủ thuốc ARV.

3.2. Trong khi sinh

Đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn trong sản khoa. Hạn chế các thủ thuật: bấm ối, mổ lấy thai, đặt điện cực, rạch màng ối sớm. Tắm cho trẻ ngay sau sinh.

3.3. Sau khi sinh

Thực hiện cấp phát đủ liều thuốc ARV cho mẹ nếu mẹ và trẻ được xuất viện sớm. Chuyển tiếp hồ sơ đến cơ sở chăm sóc và điều trị HIV dành cho người lớn để người mẹ được chăm sóc và điều trị lâu dài.

Chăm sóc và tiếp tục điều trị dự phòng cho trẻ.


Thuốc ARV trong điều trị HIV
Thuốc ARV trong điều trị HIV

Cấp phát đủ liều thuốc ARV cho trẻ và hướng dẫn mẹ hoặc người chăm sóc thực hành tuân thủ điều trị ARV cho trẻ. Trong trường hợp cần thiết, hẹn tái khám để cấp thuốc và tư vấn thêm.

Giới thiệu trẻ đến với các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV dành cho trẻ em để được chăm sóc và theo dõi lâu dài, khi trẻ được 4-6 tuần tuổi. Nếu trẻ mồ côi thì động viên gia đình tiếp tục chăm sóc trẻ hoặc giới thiệu trẻ đến các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi.

Về tiêm chủng, sau khi sinh trẻ cần được tiêm vắc-xin theo đúng lịch tiêm chủng như trẻ bình thường. Các loại vắc-xin nên tiêm phòng như: Vắc-xin phòng bệnh viêm gan B, vắc-xin phòng bệnh lao.

3.4. Nuôi dưỡng trẻ sau khi sinh

Mặc dù sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vì virus HIV có thể qua sữa mẹ và truyền sang cho con nên bà mẹ nhiễm HIV không nên cho con bú mẹ mà nên cho con bú sữa ngoài thay thế sữa mẹ.

Tuyệt đối không cho trẻ sinh ra từ mẹ có HIV vừa bú mẹ vừa bú sữa thay thế, bởi tỷ lệ lây truyền HIV sang cho con cao nhất ở những người vừa cho con bú sữa mẹ vừa cho con ăn sữa thay thế, sau đó mới đến những người nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe