Chuẩn bị người bệnh trước phẫu thuật có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả điều trị. Người điều dưỡng giữ vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị người bệnh trước phẫu thuật, công việc này nhằm mục đích giúp góp phần cho sự an toàn của cuộc phẫu thuật. Chăm sóc người bệnh trước phẫu thuật tiêu hoá, theo dõi và chuẩn bị thật tốt người bệnh trước phẫu thuật góp phần vào sự thành công của cuộc phẫu thuật.
1. Chăm sóc người bệnh trước phẫu thuật tiêu hoá về tâm lý
Bệnh nhân cần phẫu thuật có tác động rất lớn đến tâm lý người bệnh và thân nhân, thường rất lo lắng: Phẫu thuật có nguy hiểm không? Bác sĩ nào phẫu thuật? Sau phẫu thuật có lành bệnh không? Có để lại di chứng, biến chứng, tàn phế không?... Vì vậy vai trò của người điều dưỡng là hết sức quan trọng, tùy theo trường hợp bệnh lý mà có tác động tâm lý thích hợp. Ngoài ra, bệnh tật làm thay đổi tâm lý người bệnh. Sự biến đổi tâm lý đó càng rõ rệt vì người bệnh phải trải qua cuộc phẫu thuật. Sự biến đổi tâm lý này cũng ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
1.1. Nhận định về tâm lý người bệnh
Nhận định người bệnh có những quan tâm, lo lắng gì đến cuộc phẫu thuật như: Người bệnh có lo lắng gì về gây mê, về biển chứng của phẫu thuật, kinh tế liên quan đến phẫu thuật, bác sĩ sẽ phẫu thuật, những thay đổi lối sống sau phẫu thuật không?
1.2. Can thiệp điều dưỡng
- Trong những ngày trước phẫu thuật, người điều dưỡng cần gần gũi, an ủi, giải thích cho người bệnh an tâm, gây cho người bệnh một niềm lạc quan, tin tưởng vào chuyên môn, giải thích biết mục đích, lợi ích của việc phẫu thuật.
- Cần tìm hiểu những lo lắng, thắc mắc của người bệnh, phản ánh và cùng bác sĩ giải quyết cho người bệnh an tâm.
- Giải thích để người bệnh biết mục đích, lợi ích, phương thức phẫu thuật. Các khó chịu sau phẫu thuật như đau, các ống dẫn lưu.
- Trả lời đầy đủ các thắc mắc của người bệnh trong phạm vi cho phép.
- Trao đổi với thân nhân người bệnh những điều cần thiết của người bệnh và khuyên họ nên quan tâm chia sẻ động viên người bệnh, cùng hợp tác trong việc chuẩn bị trước phẫu thuật.
1.3. Mục tiêu của chăm sóc điều dưỡng
Người bệnh không lo lắng, tin tưởng vào bác sĩ và phương pháp điều trị.
2. Chăm sóc về tuần hoàn
Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 50% những trường hợp tử vong sau phẫu thuật liên quan đến tai biến tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp, tăng huyết áp... để hạn chế các tai biến này cần nhận định đúng các nguy cơ để có biện pháp phòng ngừa và có kế hoạch chăm sóc thích hợp. Ngoài ra, rất nhiều thuốc mê gây ức chế cơ tim, vì vậy cần nhận định kỹ tiền sử suy tim và bệnh lý cơ tim. Bệnh van tim gây nên những thay đổi về huyết động có thể dẫn đến nguy hiểm trong gây tê, đặc biệt gây tê vùng. Người bệnh tăng huyết áp cũng đặc biệt chú ý trong việc điều trị hạ huyết áp trước phẫu thuật cũng như cân bằng nước và điện giải.
2.1. Nhận định về tình trạng tuần hoàn, tim mạch
Nhận định tiền sử về bệnh lý tuần hoàn, tim mạch như: tăng huyết áp, đau thắt ngực, suy tim, tim bẩm sinh, tiền sử phẫu thuật tim, thông tin về thuốc đang điều trị, chỉ số mạch, huyết áp, tình trạng tưới máu, các bệnh về máu và tình trạng đông máu
Lưu ý: Người bệnh có tiền sử bệnh tim thiếu máu cục bộ có nguy cơ nhồi máu cơ tim sau phẫu thuật. Cần nhận định về tần suất và tính chất của các cơn đau ngực và các điều trị trước đó cũng như khả năng gắng sức của người bệnh. Người bệnh có tiền sử nhồi máu cơ tim trong vòng 6 tháng hoặc đau thắt, không ổn định thường có tiên lượng không tốt, nguy cơ nhồi máu cơ tim sau phẫu thuật và nguy cơ tử vong cao.
2.2. Can thiệp điều dưỡng
- Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn: Mạch, huyết áp, nhiệt độ.
- Nếu người bệnh có bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim, thấp tim cần thực hiện kháng sinh dự phòng trước phẫu thuật theo y lệnh.
- Người bệnh loạn nhịp tim cần theo dõi điện tim trước phẫu thuật. Nếu dùng Digitalis cần theo dõi định lượng Kali trong huyết thanh để tránh ảnh hưởng tác dụng phụ và độc hại của thuốc mê.
- Thực hiện truyền dịch đối với người bệnh mất nước trước phẫu thuật, cẩn thận với người bệnh cao tuổi vì ranh giới giữa thừa và thiếu nước rất hẹp.
- Thực hiện điều chỉnh tình trạng chảy máu bằng thuốc theo y lệnh.
2.3. Mục tiêu của chăm sóc điều dưỡng
Người bệnh không có các biến chứng liên quan đến rối loạn về tuần hoàn trong v sau phẫu thuật.
3. Chăm sóc về hô hấp
Các tai biến hô hấp đứng hàng thứ 2 trong các nguyên nhân tử vong sau phẫu thuật, sau các tai biến tim mạch. Các tai biến hô hấp thường gặp sau phẫu thuật là: Giảm thông khí, suy hô hấp sau phẫu thuật do tồn dư thuốc mê, thuốc giãn cơ, hạn chế hô hấp do đau, viêm phổi, xẹp phổi do tắc nghẽn đờm dãi, nằm lâu. Các yếu tố làm tăng nguy cơ tai biến hô hấp sau phẫu thuật là: Người bệnh có bệnh phổi mạn tính, hen phế quản, suy tim, nghiện thuốc lá, người bệnh trên 70 tuổi, người bệnh có tiền sử phẫu thuật ngực và người bệnh có thời gian phẫu thuật > 2 giờ. Người bệnh có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có nguy cơ cao gặp các tai biến hô hấp trong và sau phẫu thuật. Các thuốc và kỹ thuật gây mê, phẫu thuật, giảm đau sau phẫu thuật đều có thể gây ức chế hô hấp, xẹp phổi, ứ đọng đờm dãi,... Người bệnh có tiền sử hen phế quản có nguy cơ co thắt phế quản do kích thích đường hô hấp trong gây mê.
3.1. Nhận định tình trạng hô hấp
Trước phẫu thuật, tình trạng hô hấp cần nhận định bao gồm: Người bệnh có mắc hoặc đang điều trị các bệnh lý hô hấp mạn tính như lao phổi, hen phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không? Nếu có cần đánh giá thời gian mắc là bao lâu? Đã điều trị gì chưa? Tình trạng hô hấp hiện tại của người bệnh ra sao? Người bệnh có khó thở không? Có đau ngực không? Kiểu thở và tần số thở, mức độ ho hiện tại, ho có đàm hay máu không? Hình thể lồng ngực khi hô hấp như thế nào?
3.2. Can thiệp điều dưỡng
- Nhận định tiền sử các bệnh lý hô hấp của người bệnh.
- Điều dưỡng cần thực hiện kháng sinh theo y lệnh giúp điều trị dứt điểm nhiễm khuẩn nếu có (với phẫu thuật có kế hoạch).
- Hướng dẫn người bệnh cách hít thở sâu, hướng dẫn cách thở hiệu quả, cách xoay trở người, ngồi dậy giúp giãn nở phổi tối đa sau phẫu thuật.
- Hướng dẫn người bệnh cách ho, khạc đờm...
3.3. Mục tiêu của chăm sóc điều dưỡng
Người bệnh không có biến chứng liên quan đến rối loạn hô hấp sau phẫu thuật.
4. Chăm sóc về tiêu hóa
4.1. Nhận định về tình trạng hệ tiêu hóa
Trước phẫu thuật tình trạng tiêu hóa và các bệnh lý về tiêu hóa cần nhận định bao gồm:
- Người bệnh có nôn hoặc buồn nôn, đặc điểm của nôn (nếu có), bí trung tiện, đại tiện, tiêu chảy, táo bón, đau bụng và các yếu tố của đau
- Nhận định về chức năng gan và các bệnh lý về gan mật của người bệnh, kết quả xét nghiệm chức năng gan, mật như: Chỉ số men gan SGOT, SGPT, chỉ số bilirubin trong máu...
- Người bệnh có nghiện rượu không? Thời gian nghiện bao nhiêu lâu?
4.2. Can thiệp điều dưỡng
- Chăm sóc giảm đau bụng cho người bệnh.
- Chăm sóc giảm nôn cho người bệnh.
- Thực hiện đặt sonde dạ dày theo y lệnh.
- Chăm sóc vàng da, thuốc giảm ngứa, hướng dẫn người bệnh uống nhiều nước.
- Hướng dẫn người bệnh nghỉ ngơi và dinh dưỡng hợp lý giúp nâng đỡ chức năng gan.
- Hướng dẫn người bệnh thực hiện thuộc nâng đỡ chức năng gan.
4.3. Mục tiêu của chăm sóc điều dưỡng
Người bệnh không có rối loạn về tiêu hóa trước phẫu thuật.
5. Chăm sóc về tiết niệu
5.1. Nhận định tình trạng hệ tiết niệu
Trước phẫu thuật tình trạng hệ tiết niệu và các bệnh lý hệ tiết niệu cần nhận định bao gồm:
- Người bệnh có tiền sử mắc các bệnh lý nội khoa, ngoại khoa về tiết niệu như suy thận, viêm cầu thận không...? Thời gian mắc bệnh bao lâu? Tiền sử điều trị? Tình trạng phù và các tính chất của phù? Tình trạng tiểu tiện của người bệnh: Người bệnh có tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu đục không? Số lượng nước tiểu/24 giờ.
- Người bệnh có tiền sử phẫu thuật sỏi đường tiết niệu, ghép thận không?
- Kết quả xét nghiệm chức năng thận như: Định lượng creatinin máu, định lượng urê máu.
5.2. Can thiệp điều dưỡng
- Theo dõi tình trạng mất nước, bù đủ nước và cân bằng điện giải theo y lệnh.
- Phòng ngừa mất nước và rối loạn điện giải, theo dõi số lượng nước tiểu.
- Thực hiện y lệnh điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu trước khi tiến hành phẫu thuật.
5.3. Mục tiêu của chăm sóc điều dưỡng
Người bệnh không có rối loạn về tiết niệu trước phẫu thuật.
6. Chăm sóc về nội tiết
Người bệnh có tiền sử đái tháo đường thường kèm theo tổn thương cơ quan đích như tim mạch (tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, xơ vữa mạch máu), thận, thần kinh ngoại vi. Những người bệnh này có nguy cơ tụt huyết áp nặng trong gây mê, tăng nguy cơ trào ngược khi khởi mê và tụt nhiệt độ trong phẫu thuật do rối loạn thần kinh thực vật, giãn mạch. Người bệnh cường giáp cần được điều trị ổn định trước khi phẫu thuật có kế hoạch, đặc biệt các rối loạn nhịp tim như nhanh nhĩ, rung nhĩ... trong gây mê cần tiền mê tốt tránh sử dụng các thuốc có tác dụng cường giao cảm như ketamin, epinephrine....
6.1. Chẩn đoán điều dưỡng thường gặp
- Nguy cơ tụt huyết áp trong gây mê, nhiễm khuẩn hậu phẫu liên quan đến đái tháo đường.
- Nguy cơ biến chứng gây mê liên quan đến cường giáp.
6.2. Can thiệp điều dưỡng
- Theo dõi lượng đường máu và hướng dẫn người bệnh chế độ ăn phù hợp trước phẫu thuật.
- Theo dõi kết quả của việc điều trị đái tháo đường trước phẫu thuật.
6.3. Mục tiêu của chăm sóc điều dưỡng
Người bệnh không có biến chứng liên quan đến rối loạn nội tiết trước phẫu thuật.
7. Chăm sóc về dinh dưỡng
7.1. Nhận định về tình trạng dinh dưỡng
Mục tiêu của chăm sóc điều dưỡng tình trạng dinh dưỡng của người bệnh trước phẫu thuật bao gồm: Người bệnh có béo phì hay suy dinh dưỡng không? Trên lâm sàng thường dựa vào chỉ số BMI, còn được gọi là chỉ số khối lượng cơ thể, có thể biết được người đó béo, gầy hay có cân nặng lý tưởng. Công thức tính chỉ số BMI dựa vào 2 chỉ số là chiều cao và cân nặng:
BMI = (trọng lượng cơ thể)/(chiều cao x chiều cao)
- Trọng lượng cơ thể: Tính bằng kg
- Chiều cao : Tính bằng m
- BMI < 18,5: Người gầy (suy dinh dưỡng).
- BMI = 18,5 - 25: Người bình thường.
- BMI = 25 - 30: Người béo phì độ I.
- BMI = 30 - 40: Người béo phì độ II.
- BMI >40: Người béo phì độ III.
- Nếu người bệnh béo phì có thể gây khó khăn trong tư thế mổ và di chuyển người bệnh sau phẫu thuật, dễ nhiễm trùng vết phẫu thuật, thuốc mê thấm chậm và tồn tại trong mỡ, do đó giải phóng thuốc sau phẫu thuật chậm nên người bệnh mê lâu hơn và tỉnh chậm hơn.
- Nếu người bệnh suy dinh dưỡng: Giảm protein, vitamin A, B... người bệnh hồi phục chậm, vết thương lâu lành.
7.2. Can thiệp điều dưỡng
Nâng cao thể trạng người bệnh trước phẫu thuật là điều cần thiết. Điều dưỡng hướng dẫn người bệnh ăn thức ăn nhiều dinh dưỡng, ăn tăng protid, như tăng thịt nạc, cá, trứng trong các bữa ăn hàng ngày, nhất là những người bệnh thiếu máu.
- Chế độ ăn hạn chế chất béo: Chế độ ăn có nhiều chất béo cung cấp nhiều calo, cảm giác ăn chóng chán, khó tiêu nên ăn không được nhiều và nó còn kích thích tiết dịch mật. Vì vậy những người bệnh bị béo phì, bị bệnh tim mạch hay các bệnh gan mật như suy gan, viêm gan, ứ mật do sỏi do viêm cần tránh ăn các thức ăn như: thịt nhiều mỡ, trứng, chocolate, thức ăn rán, mỡ động vật...
- Chế độ ăn hạn chế protid: Chế độ ăn hạn chế protid nhằm mục đích làm giảm các sản phẩm chuyển hóa của protein là NH3, để tránh hiện tượng tăng urê huyết nên người bệnh bị hội chứng thận hư, xơ gan...
- Chế độ ăn hạn chế muối: Chế độ ăn hạn chế muối nhằm làm giảm lượng natri đưa vào cơ thể trong lúc mà cơ thể đang có hiện tượng ứ đọng natri. Chế độ ăn này được áp dụng cho người bệnh bị viêm cầu thận cấp và mạn tính, suy tim nặng, phù cấp tính do các nguyên nhân...
Nếu người bệnh suy kiệt nhiều hoặc do bệnh lý không ăn được điều dưỡng thực hiện nuôi ăn bằng dịch truyền an toàn và đủ năng lượng.
Đối với người bệnh thiếu máu, phẫu thuật nhiều lần, cần thiết phải truyền máu trước tuỳ theo mức độ cơ thể truyền một hay hai lần trước khi phẫu thuật (do bác sĩ quyết định).
7.3. Mục tiêu của chăm sóc điều dưỡng
Người bệnh không có rối loạn về dinh dưỡng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.