Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Cẩm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Trẻ mọc mụn ở hậu môn có thể do nhiều nguyên nhân. Các mụn này có thể lành tính hoặc ác tính. Do đó, ba mẹ không được chủ quan mà cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, từ đó sẽ có những phương pháp điều trị, chăm sóc cụ thể cho từng loại mụn.
1. Tình trạng trẻ sơ sinh mọc mụn ở hậu môn
Trẻ sơ sinh mọc mụn ở hậu môn là tình trạng không hiếm gặp. Nhiều ba mẹ chủ quan cho rằng, việc vệ sinh không kỹ càng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Nhưng thực tế, trẻ mọc mụn ở hậu môn có thể là dấu hiệu của bệnh lý.
Hậu môn có chức năng là lỗ thoát của phân ra ngoài. Mọi ảnh hưởng của hệ tiêu hóa như: Rối loạn tiêu hóa, bệnh lý về tiêu hóa... sẽ đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp lên cơ quan này. Do đó, hậu môn sẽ tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn do nấm, ký sinh trùng gây ra.
Các yếu tố như thường xuyên bị táo bón, suy giảm hệ miễn dịch, vệ sinh không cẩn thận, bệnh lý khác sẽ tăng nguy cơ khiến trẻ bị mọc mụn ở gần hậu môn
Vì vậy, các bậc phụ huynh nên thận trọng theo dõi khi trẻ bị mọc mụn ở hậu môn.
2. Cách chăm sóc các loại mụn ở hậu môn
Các bác sĩ đã phân loại các loại mụn ở hậu môn, từ đó, sẽ đưa ra các cách chăm sóc và điều trị cụ thể.
2.1. Mụn nhọt mọc ở hậu môn
Mụn nhọt là dạng mụn có chứa mủ ở bên trong, gây sưng tấy. Loại mụn này khiến trẻ em đau nhiều, quấy khóc. Nguyên nhân gây ra mụn nhọt được xác định là do tắc lỗ chân lông hoặc thói quen vệ sinh vùng hậu môn cho trẻ chưa tốt.
Các nguyên nhân gây tắc lỗ chân lông như:
- Trẻ mặc tã/bỉm trong thời gian dài, không được thay dẫn đến mồ hôi và chất thải bị giữ lại trên da, gây ra mụn.
- Sử dụng sữa tắm, kem bôi có thành phần gây kích ứng da.
- Mặc quần áo quá chật, bó sát hoặc do mặc quần áo bị ẩm ướt.
- Không vệ sinh vùng kín sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
Đối với loại mụn nhọt này, ba mẹ cần luôn giữ vệ sinh vùng kín và lau hậu môn mỗi lần đi vệ sinh, tắm. Lựa chọn các trang phục thoải mái, thấm hút mồ hôi tốt để không bị lưu giữ mồ hôi trong thời gian gây bít tắc lỗ chân lông. Tuyệt đối không mặc quần áo còn ẩm ướt.
2.2. Mụn gây ra do vết nứt hậu môn
Trẻ em rất dễ các mắc bệnh về đường tiêu hóa như táo bón. Táo báo thường xuyên gây nứt hậu môn cả bên ngoài và bên trong. Từ các vết nứt này, làn da nhạy cảm của các bé sẽ bắt đầu tạo thành hình hài giống mụn và sưng to.
Các bé khi bị mụn do vết nứt hậu môn gây ra có nguy cơ bị chảy máu, nóng rát khi đi vệ sinh. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể bổ sung dinh dưỡng cho trẻ với các nhóm chất như: Vitamin, chất xơ,... để tránh táo bón. Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc nhuận tràng tạm thời, bôi thuốc mỡ để giúp vết thương nhanh lành.
Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ tư vấn để bé tiêm botox hoặc làm phẫu thuật cắt cơ thắt hậu môn.
2.3. Mụn do bệnh trĩ hình thành
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ bị bệnh trĩ. Bệnh trĩ ở trẻ em là tình trạng các mô hậu môn mở rộng ra do các tĩnh mạch bị sưng ở trực tràng và hậu môn ở bên trong hoặc bên ngoài. Ba mẹ có thể hiểu lầm các vết sưng to ở hậu môn là mụn.
Bệnh trĩ có thể gây chảy máu trực tràng, nóng rát và khó chịu ở hậu môn. Trẻ sẽ thường xuyên quấy khóc, trẻ bỏ bú mẹ, bỏ ăn, sụt cân nghiêm trọng. Ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám sớm và điều trị.
Ba mẹ hoàn toàn có thể cải thiện bệnh trĩ cho trẻ ngay tại nhà bằng các biện pháp sau:
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng cho trẻ
- Bổ sung thêm nhiều nước
- Cho trẻ ngâm người trong nước ấm
- Khi vệ sinh cần tránh cọ xát vùng kín của trẻ
- Có thể sử dụng kem bôi trĩ như kem có chứa phenylephrine theo chỉ định của bác sĩ
- Không sử dụng các sản phẩm sữa tắm, kem bôi có thành phần gây kích ứng.
2.4. Mụn thịt dư ở hậu môn
Theo các bác sĩ, mụn thịt dư là loại mụn lành tính không gây đau đớn. Đặc điểm nhận dạng của mụn thịt là các u lồi nhỏ mọc lên ở vùng quanh hậu môn. Đôi khi các mụn thịt dư phát triển lớn hơn và có thể gây ra nhiều dấu hiệu khó chịu khác.
Đối với loại mụn thịt này, bác sĩ có thể tư vấn ba mẹ giữ nguyên tình trạng này. Đến khi trẻ lớn hơn sẽ thực hiện phẫu thuật loại bỏ mụn thịt dư này.
2.5. Mụn do ung thư hậu môn
Dù không mong muốn nhưng mụn ở hậu môn có thể do ung thư hậu môn. Các tế bào ung thư tạo thành các khối u và di căn sang các vùng lân cận. Các tế bào có thể tạo thành các vết sưng, nổi cục.
Tình trạng này sẽ gây ra các triệu chứng như:
- Trực tràng bị ngứa nhẹ hoặc ngứa dữ dội
- Xuất huyết trực tràng
- Sưng hạch bạch huyết
- Đau rát, khó chịu ở khu vực hậu môn
- Có dịch hay chất nhầy tiết ra từ vùng hậu môn
- Táo bón nặng
Trong trường hợp này, người bệnh cần được sự điều trị đặc biệt của bác sĩ.
3. Cách phòng ngừa mụn ở hậu môn
Mụn ở hậu môn gây ra nhiều bất tiện cũng như khó chịu cho người bệnh. Dưới đây là những cách phòng ngừa mụn ở hậu môn cho trẻ mà ba mẹ nên lưu ý:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng cho trẻ. Ba mẹ nên bổ sung nhiều chất xơ để trẻ tránh khỏi nguy cơ bị táo bón. Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.
- Thường xuyên cho trẻ vận động thể chất hoặc tắm nắng để tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật.
- Trường hợp trẻ mắc các bệnh về tiêu hóa cần được điều trị sớm để không gây ra các tác động tiêu cực đến vùng hậu môn.
- Nếu có chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ, các bậc phụ huynh cần tuân thủ đúng liều lượng cũng như thời gian sử dụng.
Trên đây là những cách chăm sóc cũng như ngăn ngừa cho từng loại mụn ở hậu môn, hy vọng đã giúp ba mẹ chăm sóc làn da và sức khỏe của các bé tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn