Chấn thương cột sống là chấn thương gây ra tổn thương một trong những thành phần cột sống và do nhiều nguyên nhân gây như tai nạn giao thông, tai nạn thể thao, tai nạn lao động,... Chấn thương cột sống có thể làm cho người bệnh bị liệt một phần hoặc hoàn toàn, do vậy việc chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống rất khó khăn. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn cách chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống hiệu quả.
1. Phòng ngừa biến chứng của chấn thương cột sống
Người bệnh chấn thương cột sống nếu chỉ mới ở trong giai đoạn đơn giản, chưa có tổn thương ảnh hưởng tới chức năng vận động có thể an toàn trước những biến chứng. Đối với bệnh nhân bị liệt một phần hoặc toàn bộ cơ thể thường có những biến chứng do nằm lâu một chỗ, phổ biến nhất là viêm phổi, loét do nằm lâu, teo cứng cơ khớp,... Do vậy, khi chăm sóc người bệnh chấn thương cột sống lâu ngày cần đặc biệt chú ý, nhất là phòng ngừa biến chứng.
1.1 Biến chứng hô hấp
Mục đích quan trọng của việc chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống tại nhà đó là phòng ngừa biến chứng viêm phổi và xẹp phổi. Do vậy, người bệnh cần được theo dõi nhịp thở, hút đờm dãi định kỳ mỗi ngày 2-3 lần. Nếu như người bệnh thở oxy, hô hấp hỗ trợ nếu có liệt cơ hô hấp. Một số cách chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống để phòng ngừa biến chứng hô hấp đó là:
- Đặt người bệnh tư thế kê gối cao đầu trên mặt phẳng, ngày đổi tư thế nằm từ 5-7 lần. Đồng thời thường xuyên nâng người bệnh dậy, vỗ lưng để tống đờm rãi ra ngoài.
- Cho bệnh nhân ăn uống cẩn thận, nên để người bệnh ăn ở trong tư thế ngồi hoặc ngồi nửa người để không bị nghẹn, sặc.
- Thực hiện những thao tác vỗ lưng người bệnh nhằm long đờm hoặc dùng thuốc hỗ trợ làm tan đờm. Mục đích của việc vỗ rung để cho bệnh nhân hô hấp nhẹ nhàng và dễ thở hơn. Ngoài ra, có thể kết hợp xoa bóp vùng ngực hoặc bụng cho bệnh nhân.
1.2 Chăm sóc tuần hoàn
Chăm sóc tuần hoàn nhằm mục đích đảm bảo khối lượng tuần hoàn một cách tối ưu. Người bệnh cần được uống đủ nước, bù nước và điện giải bằng cách truyền dịch nếu như bệnh nhân chưa thể ăn uống được.
- Phòng ngừa biến chứng viêm tắc tĩnh mạch và loét do tỳ đè khi người bệnh nằm lâu, hệ thống tĩnh mạch bị tổn thương do chèn ép sẽ dẫn tới viêm tắc tĩnh mạch tại những khu vực trên cơ thể như vai, chân, mông,...
- Chú ý cho người bệnh lăn trở thường xuyên với tần suất 2 giờ/lần, đồng thời kết hợp massage và xoa bóp cho người bệnh nhằm kích thích tuần hoàn máu.
1.3 Chăm sóc phòng ngừa loét
Sau phẫu thuật chấn thương cột sống, người bệnh thường phải nằm lâu ngày và có thể bị những vết loét do tỳ đè khi không được giúp đỡ thay đổi tư thế thường xuyên. Những vết thương nhỏ khi không được chăm sóc đúng cách sẽ có nguy cơ nhiễm trùng lan rộng. Một số vị trí thường gặp nhất là những tổn thương viêm loét tại xương chẩm, cùng cụt, bả vai, xương gót,...
- Sử dụng đệm nước toàn thân hoặc ở những vùng có nguy cơ tỳ đè cao
- Hỗ trợ người bệnh vận động liên tục các khớp và xoay trở người bệnh.
- Lau khô mồ hôi và vệ sinh sạch sẽ thường xuyên cho bệnh nhân, thay chăn ga hằng ngày.
- Sử dụng thuốc phòng loét, lưới urgo cho những vùng có nguy cơ bị viêm.
- Sử dụng thuốc phòng loét khi kiểm tra thấy những vùng da tỳ đè có biểu hiện đỏ ửng.
1.4 Chăm sóc phòng teo cơ cứng khớp
Để phòng ngừa biến chứng teo cơ cứng khớp và thoái hoá khớp sau thời gian nằm lâu ngày thì người bệnh cần có một chế độ tập luyện phù hợp. Những vận động chỉ diễn ra ở vùng không bị tổn thương như tay hoặc chân, khởi động bằng những di chuyển tay chân nhẹ nhàng.
- Tập vận động chủ động và thụ động ở những khớp liên tục dưới sự trợ giúp của người thân.
- Mỗi ngày người bệnh cần dành từ 2-3 giờ thực hiện vận động co duỗi tay chân tại giường nằm.
- Sử dụng các loại thuốc chống ngưng tập kết tiểu cầu nhằm phòng ngừa teo cơ cứng khớp trong thời gian điều trị.
- Chú ý tới bàng quang của bệnh nhân tránh nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn tiết niệu.
2. Bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh
Dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc người bệnh chấn thương cột sống. Sau chấn thương, cột sống và một số khu vực tổn thương có liên quan sẽ cần được cung cấp lượng máu và những dưỡng chất để tái tạo ra những tế bào mới. Đồng thời, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cho người bệnh có sức đề kháng để điều trị lâu dài.
- Cung cấp cho người bệnh đủ năng lượng cần thiết và vitamin, protein thiết yếu nhằm cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ. Đặc biệt là canxi, omega-3, vitamin D, tinh bột, rau xanh và trái cây các loại.
- Đối với trường hợp người bệnh không thể ăn uống bình thường thì có thể bổ sung qua đường tĩnh mạch hoặc thông dạ dày. Bổ sung những loại thuốc bổ cần thiết theo sự hướng dẫn chuyên môn.
- Uống đầy đủ nước để hoạt động trao đổi chất và bài tiết diễn ra đều đặn. Tập cho người bệnh kiểm soát đại tiện, tránh những trường hợp nhịn đại tiện sẽ gây ra tắc ruột.
3. Chăm sóc vệ sinh người bệnh
Đa số những người bệnh bị chấn thương cột sống đều không có khả năng kiểm soát vệ sinh trong và sau thời gian điều trị. Việc vệ sinh cá nhân cho người bệnh còn phụ thuộc vào khả năng vận động của bệnh nhân, một số lưu ý trong chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống thắt lưng như:
- Đặt sonde tiểu nhằm đảm bảo vệ sinh, vệ sinh sonde tiểu và các bộ phận sinh dục thường xuyên.
- Điều chỉnh kẹp thả sonde tiểu từ 4-6 giờ/lần ngắt quãng, hướng dẫn người bệnh chủ động thay sonde tiểu.
- Trong thời gian đầu, bệnh nhân không nên uống quá nhiều nước khi vết thương chưa được hoàn toàn phục hồi.
- Khi người bệnh đi đại tiện, người chăm sóc cần theo dõi tính chất và màu sắc phân.
- Sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ và không được tự ý ngưng thuốc hay tự ý sử dụng.
4. Phục hồi chức năng vận động
Phục hồi chức năng vận động là điều cần thiết và quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống. Việc tập luyện của người bệnh tương đối khó khăn do mọi sinh hoạt sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào người thân trong gia đình. Sau khi vùng chấn thương có những biểu hiện hồi phục, bệnh nhân mới bắt đầu được áp dụng liệu pháp điều trị kèm theo tập luyện vận động để được cải thiện khả năng vận động.
Tuỳ thuộc vào thể trạng của người bệnh mà có những phương pháp phục hồi chức năng thích hợp. Đối với những người bệnh bị chấn thương cột sống nhưng vẫn còn khả năng đi lại thì nên bắt đầu để người bệnh ngồi dậy từ từ, cử động tay chân và bắt đầu đi lại sau thời gian phục hồi. Người chăm sóc cần lưu ý hỗ trợ và theo sát bệnh nhân nhằm tránh vấp ngã xảy ra.
Đối với người bệnh bị liệt nửa người thì cần hướng đến việc tập luyện bàn tay và giảm co cứng cho người bệnh. Một số bài tập phục hồi chức năng cơ tay và cơ tổng thể như:
- Tập tay: hướng dẫn người bệnh xoè, nắm và lặp lại thường xuyên trong ngày. Khi người bệnh có thể nắm hoặc xoè tay thuần thục thì cho bệnh nhân tập cầm nắm những vật dụng vừa tay. Đồng thời, người chăm sóc cần xoa bóp tay cho bệnh nhân để kích thích lưu thông máu.
- Tập tay và vai cho người bệnh: khi những vận động ở bàn tay thực hiện dễ dàng, người bệnh cần thường xuyên nâng cả cánh tay và vận động cả cánh tay. Bắt đầu tập bằng những vật nhẹ và tăng dần độ nặng hơn. Hoạt động này sẽ tăng cường sức mạnh cho tay và cánh tay phục vụ những vận động chủ yếu ở tay trong tương lai.
- Tập giảm co cứng cho người bệnh: Người chăm sóc đặt bệnh nhân nằm ngửa, sau đó giúp người bệnh chống đầu gối lên và co đầu gối về phía ngực tới mức tối đa có thể. Phương pháp này sẽ làm giảm co cứng cho các vùng cơ chính và giúp cho người bệnh bớt khó chịu do nằm lâu.
- Tập lăn cho bệnh nhân: Hỗ trợ người bệnh tập lăn từ bên trái sang bên phải và chuyển từ bên phải sang bên trái tại giường. Mỗi ngày hãy dành thời gian khoảng 15 – 30 phút rèn luyện.
Ngoài ra, đối với những người bệnh bị tê liệt tủy có hồi phục thì người chăm sóc nên hỗ trợ bệnh nhân động tác duỗi và gấp chân trên giường, cần giúp đỡ người bệnh tập đi sau khi các vận động cơ bản thuần thục.
Tóm lại, chăm sóc người bệnh chấn thương cột sống rất khó khăn, vì bệnh nhân hạn chế vận động. Chăm sóc bệnh nhân chấn thương cột sống không chỉ chăm sóc vết thương sau phẫu thuật mà còn bổ sung dinh dưỡng, tập vận động nhằm phòng ngừa biến chứng và giúp cho bệnh nhân phục hồi nhanh hơn. Trong quá trình chăm sóc nếu như người bệnh xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào bất thường thì cần đưa bệnh nhân tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.