Rau dệu là một vị thuốc thông dụng ở nước ta. Người dân đã sử dụng loại dược liệu này để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Vậy câu rau dệu chữa bệnh gì và có tác dụng gì?
1. Đặc điểm cây rau dệu
Trước khi tìm hiểu câu trả lời cho thắc mắc rau dệu có tác dụng gì, chúng ta nên nắm những đặc điểm cơ bản của loại cây này. Rau dệu còn có những tên gọi khác như diếp không cuống, rệu hoặc diếp bò, Poòng peo (Thái), rau dền nước... Cây rau dệu có tên khoa học là Alternanthera sessilis, thuộc họ Amaranthaceae.
Rau dệu thuộc loại cây thân thảo, bò sát trên mặt đất với chiều dài từ 40-60cm. Thân cây phân chia thành nhiều nhánh nhỏ, ở mỗi khớp phân nhánh thường có các rễ phụ, nếu mọc dưới tán lá cây khác thường có màu tím hoặc tím nhạt. Rễ cây rau dệu mọc cạn và có nhiều cấp bậc khác nhau.
Lá rau dệu thường mọc đối xứng, phiến lá đơn, có hoặc không cuống. Phiến lá có hình mũi mác nhọn, hơi nhám, chiều dài 4-6 cm và rộng 1-2 cm.
Hoa cây rau dệu màu trắng, thường mọc ở nách lá thành chùm, lưỡng tính, gồm 1 gân và không có cuống. Hoa loại cây này thường nở rộ vào tháng 11-12, sau đó kết quả vào tháng 6 đến tháng 1 năm sau. Quả của cây rau dệu thuộc dạng quả bế, dạng thấu kính hoặc hình tim ngược và trong mỗi quả sẽ chứa một hạt có màu nâu.
Về mặt phân bố, cây rau dệu phổ biến khắp thế giới, trong đó tập trung nhiều ở các quốc gia Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Việt Nam, Indonesia cũng như các tỉnh miền nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, rau dệu mọc phổ biến ở các vùng đất hoang, ẩm ướt và khu vực có nhiều ao hồ.
Bộ phận dùng làm thuốc là toàn bộ cây rau dệu và người dân có thể thu hái suốt năm. Rau dệu có thể dưới dạng dược liệu phơi khô và bảo quản dễ dàng ở nhiệt độ phòng
Theo Y học cổ truyền, rau dệu bao gồm các thành phần hóa học như sau:
- Nước: 80.3%;
- Glucid 1.9%;
- Phosphor 22 mg/dL;
- Cellulose 2.1%;
- Calcium 98 mg/dL;
- Caroten 5.1 mg/dL;
- Sắt 12 mg/dL;
- Vitamin C 77.7%;
- Protid 4.5%.
2. Rau dệu có tác dụng gì?
Vị thuốc rau dệu có tính mát, vị ngọt và hơi nhạt. Theo đó, rau dệu có những tác dụng dược lý như sau:
- Lợi tiểu: Nghiên cứu thử nghiệm cho chuột cống trắng uống nước ép từ cây rau dệu cho thấy loại dược liệu này có tác dụng lợi tiểu tốt;
- Hạ thân nhiệt: Cao khô chiết xuất từ rau dệu khi thử nghiệm trên chuột nhắt trắng cho thấy với liều 125 mg/kg sẽ có tác dụng làm hạ thân nhiệt một cách rõ rệt;
- Kháng khuẩn, chống viêm: Các hoạt chất trong cây rau dệu có tác dụng ngăn chặn và ức chế sự phát triển của Salmonella typhimurium. Đồng thời, rau dệu còn giúp kiềm chế quá trình hình thành các chất gây ung thư từ môi trường Nitrosodiethanolamine;
- Chống ung bướu: Nghiên cứu về thành phần ether chiết xuất từ rễ cây rau dệu cho thấy chúng có tác dụng phòng chống hình thành các khối u và giúp ngăn chặn ung thư phát triển theo chiều hướng xấu;
- Cải thiện bệnh đái tháo đường: Chất xơ có trong cây rau dệu nếu sử dụng đều đặn mỗi ngày với liều lượng nhất định sẽ hỗ trợ giảm đường huyết, qua đó hỗ trợ điều trị triệu bệnh đái tháo đường.
Bên cạnh những tác dụng kế trên, rau dệu còn giúp điều trị các bệnh sau đây:
- Một số bệnh da liễu như viêm da mủ, chàm da...;
- Ăn khó tiêu hoặc tiêu chảy;
- Trĩ;
- Lợi sữa, lợi mật;
- Cải thiện tình trạng dị ứng;
- Chữa bệnh lỵ;
- Hỗ trợ điều trị các vết thương ngoài da;
- Điều trị bệnh đường niệu.
3. Rau dệu chữa bệnh gì?
Những bài thuốc sau đây sẽ giúp giải đáp thắc mắc cây rau dệu chữa bệnh gì của rất nhiều người. Người bệnh có thể dùng rau dệu dưới dạng thuốc sắc, ép lấy nước uống hoặc chế biến thành các món ăn hàng ngày. Liều dùng tối đa mỗi ngày của cây rau dệu là 60-120g, riêng đối với dạng thuốc sắc là 15-30g.
- Điều trị chứng tiểu không thông, tiểu buốt: Chuẩn bị 80g rau dệu tươi, bao gồm cả lá, thân và rễ. Sau khi rửa sạch thì cho các nguyên liệu vào ấm và sắc lấy nước uống. Mỗi ngày uống 2 lần, uống liên tục 5-7 ngày sẽ giúp giảm nhanh triệu chứng khó tiểu;
- Trị đau răng: rau dệu sắc chung với địa cốt bì và ngọn cỏ bồ sẽ giúp giảm đau răng hiệu quả;
- Trị mụn nhọt như tổ ong: Dùng một nắm lá rau dệu tươi, đem đi rửa sạch, sau đó giã nát và trộn với lòng trắng trứng gà. Sau khi vệ sinh vùng da bị mụn thì tiến hành đắp hỗn hợp này lên và nằm thư giãn. Bước cuối cùng là rửa lại bằng nước ấm sau 20-30 phút;
- Điều trị lỵ phân nhầy trắng lẫn máu đỏ: Chuẩn bị 20-30g rau dệu khô, sau đó đem sắc với 1 chén nước và chờ đến khi thuốc cạn còn 7 phân thì hòa thêm đường đỏ hoặc mật ong rồi uống nếu là lỵ phân màu trắng. Riêng đối với bệnh lỵ phân có màu thì nên hòa thêm đường trắng;
- Trị nhọt độc: Giã nát lá rau dệu, trộn chung với mật ong rồi đắp lên nốt mụn nhọt 2-3 lần trong ngày. Người bệnh có thể đắp liên tục cho đến khi nốt mụn vỡ hoặc xẹp;
- Chữa bệnh đi tiêu ra máu: Dùng cây rau dệu và cây bắt ruồi đem hấp cách thủy với thịt, ăn mỗi ngày sẽ giúp việc đi tiêu dễ dàng hơn, đồng thời hạn chế tình trạng xuất huyết;
- Điều trị ho ra máu: Dùng rau dệu tươi, giã lấy nước và thêm ít muối rồi chưng nóng trước khi uống;
- Cải thiện u nhọt đường ruột: Sử dụng 40g cây rau dệu tươi đem đi giã và vắt lấy nước cốt. Dùng nước cốt thu được hòa tan với ít rượu, sau đó uống 3 lần/ngày để giúp tiêu u nhọt trong ruột;
- Điều trị viêm đường tiết niệu: Chuẩn bị 100g rau dệu, 50g cam thảo đất, 50g rau má và 20g diếp cá. Đem tất cả nguyên liệu sắt với nước và uống;
- Trị hắc lào, ghẻ lở: Sử dụng 80g rau dệu nấu nước và tắm sẽ giúp giảm ngứa và cải thiện tình trạng lở loét, khó chịu trên da do hắc lào hoặc ghẻ lở;
- Trị sốt do siêu vi gây cảm cúm: Chuẩn bị 100g lá rau dệu tươi và 100g lá tre. Người bệnh đem tất cả nguyên liệu đã được làm sạch cho vào ấm, thêm 1 lít nước và đun sôi, sau đó dùng nước này thay nước lọc uống trong ngày;
- Điều trị chứng hột xoài mới phát: Chuẩn bị rau dệu, gừng tươi và bèo tía, mỗi vị số lượng bằng nhau. Đem tất cả đi rửa sạch và giã nát, sau thêm một ít muối rồi tiến hành sắt kỹ để còn 1 bát thì uống khi còn nóng. Phần bã sau khi sắt nước có thể đem đắp vào vị trí sưng đau;
- Chữa bệnh viêm gan, vàng da: Sử dụng 100g rau dệu, 10g củ nghệ, 50g cỏ mực và 50g cây chó đẻ, sau đó đem tất cả sắc lấy nước thuốc uống.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên giúp độc giả hiểu rõ hơn về rau dệu có tác dụng gì? Để nâng cao hiệu quả sử dụng, người dùng cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chuyên gia y tế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.