Cây ngọc trúc có tác dụng gì?

Ngọc Trúc là một trong những loại thảo dược quý được sử dụng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh. Vậy Ngọc Trúc có tác dụng gì trong chữa bệnh. Bài viết sau sẽ giải đáp các băn khoăn của quý bạn đọc về loại dược liệu này.

1. Cây thuốc Ngọc Trúc có nguồn gốc như thế nào?

Ngọc trúc hay còn được biết đến với tên gọi Nữ ủy. Tên khoa học của Ngọc Trúc là Polygonatum odoratum (Mill.) Druce hoặc Polygonatum officinale, thuộc họ Thiên môn đông. Ngọc Trúc chính là thân rễ của cây thuốc Ngọc Trúc được phơi hay sấy khô.

Cây thuốc Ngọc Trúc thuộc họ cây thân thảo, cao khoảng 20-50cm, không chia nhánh. Thân cây màu xanh, nhẵn như ngọc. Lá cây màu xanh, hình dáng giống lá trúc, mọc so le, không có cuống. Do đặc điểm cấu tạo của thân và lá mà người ta đặt cho nó tên gọi là Ngọc Trúc. Dược liệu này ra hoa vào tháng 4 đến tháng 6. Cành hoa mọc ra từ nách lá, dài thõng xuống có nhiều hoa trắng trên một cành.

Cây thuốc Ngọc Trúc có ở châu Âu, Đông Bắc và Tây châu Á. Nó xuất hiện nhiều nhất ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, cây Ngọc Trúc mọc ở những nơi ẩm ướt trong các cánh rừng ở miền núi.

2. Thu hoạch, chế biến và bảo quản Ngục Trúc

Ngọc Trúc được biết đến là một loại dược liệu trong các bài thuốc Đông y với rất nhiều công dụng. Người ta sử dụng tất cả các bộ phận của cây để làm dược liệu: từ rễ, thân, lá.

Sau khi thu hoạch về, dược liệu sẽ được rửa sạch, để ráo nước và phơi khô. Cũng có thể đồ qua rồi lăn cho mềm trước khi đem đi phơi khô.

Ngọc Trúc sau khi làm khô sẽ được bảo quản trong các túi nilon kín hoặc chai, lọ có nắp đậy và bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.


Cây thuốc ngọc trúc cần được sơ chế cẩn thận trước khi sử dụng
Cây thuốc ngọc trúc cần được sơ chế cẩn thận trước khi sử dụng

3. Thành phần hoá học và tác dụng của cây Ngọc Trúc dược liệu

Ngọc Trúc là một vị thuốc có vị ngọt, tính hơi hàn. Nó có tác dụng dưỡng âm, nhuận táo, sinh tân chỉ khát. Công dụng này của Ngọc Trúc có được là bởi các thành phần hóa học có trong nó. Trong thân và rễ của Ngọc Trúc có chứa adoratan, asparagine, polisaccarit, chất nhầy, glycosid tim , saponin và quinine gluconate. Ngoài ra, loại dược liệu này còn chứa các thành phần như: glycosid convalla marin và convallaria, sinh tố A và tinh bột,...

Tác dụng của cây ngọc trúc như thế nào? Thực tế, mỗi thành phần hóa học trong Ngọc Trúc sẽ có một công dụng riêng. Gộp tất cả lại sẽ tạo nên tác dụng điều trị bệnh hữu hiệu của loại dược liệu này.

Asparagine có trong cây Ngọc Trúc có tác dụng lợi tiểu. Polisaccarit là thành phần quan trọng nhất trong chữa bệnh. Nó có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, đồng thời cũng được sử dụng để điều trị bệnh thấp khớp, bệnh tim mạch, béo phì và đái tháo đường.

Homoisoflavone-1 có nguồn gốc từ ​​Ngọc Trúc hoạt động như một chất ức chế ung thư. Nó có thể là một phương pháp trị liệu mới giúp chống lại ung thư phổi không tế bào nhỏ. Ngoài ra, dung dịch chiết xuất từ Ngọc Trúc có khả năng ức chế sự tăng sinh và gây ra apoptosis của tế bào ung thư vú MDA-MB-231. Nhờ vào những công dụng trên mà chúng đã trở thành một loại dược liệu được ưa chuộng và dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh.

4. Các bài thuốc từ Ngọc Trúc thường được sử dụng

Với rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, Ngọc Trúc được sử dụng rất nhiều trên lâm sàng. Để phát huy hết các công dụng và đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, Ngọc Trúc thường được phối hợp với nhiều vị thuốc khác để tạo nên những bài thuốc điều trị tốt nhất. Sau đây là một số bài thuốc thường được sử dụng có nguồn gốc từ Ngọc Trúc:

  • Điều trị chứng âm hư phát sốt, ho khan, miệng khô, họng ráo: chuẩn bị các nguyên liệu với số lượng như sau: Ngọc Trúc 16g, Mạch môn, Sa sâm mỗi vị 12g, Cam thảo dây 8g. Sắc các nguyên liệu này với nước và uống hằng ngày.
  • Điều trị đau mắt đỏ, hoa mắt: Ngọc Trúc 12g; Sinh địa, Huyền sâm, Thảo quyết minh sao, Cúc hoa, mỗi vị 10g; Bạc hà 2g. Nấu các nguyên liệu này vào nồi đủ to để xông hơi. Trước khi xông, chắt một ít nước ra để uống.
  • Điều trị bệnh mạch vành, đau thắt ngực: Đảng sâm 12g, Ngọc Trúc 20g. Bỏ vào ấm và sắc thành cao. Cao này chia làm 2 phần uống trong một ngày.
  • Điều trị bệnh thấp tim: Ngọc Trúc được phối hợp với Kỷ tử, Long nhãn nhục, Mạch đông, Sinh khương, Đại táo. Sắc lấy nước uống hằng ngày.
  • Điều trị chứng ngoại cảm ở bệnh nhân âm hư: chuẩn bị các nguyên liệu với số lượng như sau: Ngọc Trúc 12g, Hành tươi 3 củ, Cát cánh 6g, Đạm đậu xị 16g, Bạc hà 4g, Chích thảo 2g, Bạch vị 4g, Táo 2 quả. Sắc lấy nước uống.
  • Điều trị viêm phế quản kéo dài, lao phổi, ho do phế táo: kết hợp Ngọc Trúc với Mạch môn, Sa sâm, Thạch hộc. Sắc lấy nước uống.
  • Điều trị bệnh phổi và dạ dày khô nóng, tân dịch khô, miệng khát, ăn nhiều nhưng nhanh đói: sa sâm 16g, sinh địa 20g, Ngọc Trúc 12g, mạch đông 12g. Sắc các nguyên liệu này với nước uống.

Ngoài các bài thuốc trên, dược liệu còn được chế biến thành các món ăn để chữa bệnh. Ngọc Trúc có thể được nấu thành các món ăn như: nhựa mận vịt ngọc trúc, thịt lợn hầm ngọc trúc, tim lợn tiềm ngọc trúc, cháo ngọc trúc, thịt dê hầm ngọc trúc,...


Tác dụng của cây ngọc trúc được ứng dụng trong đông y
Tác dụng của cây ngọc trúc được ứng dụng trong đông y

5. Lưu ý khi sử dụng Ngọc Trúc điều trị bệnh

  • Không dùng Ngọc Trúc cho bệnh nhân đầy hơi, chướng bụng, ho có đờm, tiêu chảy.
  • Không dùng đồ bằng sắt để chế biến Ngọc Trúc như: dao sắt, nồi sắt,...

Ngọc Trúc là dược liệu Đông y có vai trò rất quan trọng trong điều trị các bệnh lý trên cơ thể người. Ngoài các bài thuốc chữa bệnh, Ngọc Trúc còn được sử dụng để chế biến thành các món ăn tốt cho sức khỏe. Hy vọng sau bài viết này, bạn đọc đã có thêm cho mình những thông tin hữu ích về loại thảo dược này để sử dụng điều trị, bảo vệ sức khỏe hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe