Cây kim thất có tác dụng gì?

Cây kim thất còn có tên gọi khác là tam thất giả hay rau tàu bay. Loại thuốc này có công dụng trong giảm huyết áp, bảo vệ tim mạch và giảm đường huyết. Đồng thời, loại thuốc này còn có công dụng trong bảo vệ chức năng gan thận.

1. Đặc điểm chung của cây kim thất

Cây kim thất còn có tên gọi khác là cây lá đắng, tam thất giả, rau tàu bay, thiên hắc địa hồng, nam phi diệp, bầu đất, khảm khon, dây chua lè, rau lúi.

Cây kim thất có tên khoa học là Cacalia procumbens Lour, thuộc họ Cúc (Asteraceae).

1.1. Mô tả toàn cây kim thất

  • Cây kim thất là loại cây thân thảo mọc bò và hơi leo, chiều cao có khi đến 1m.
  • Thân cây mọng nước và phân thành nhiều cành.
  • Lá cây dày, giòn, thuôn hình trứng, đỏ tím ở mặt dưới, hơi tía ở mặt trên và xanh ở các gân, có khi dài 3 – 8cm, rộng 1,5 – 3,5 cm, khía răng ở mép và cuống dài cỡ 1cm. Lá bắc ngoài hình sợi, dài 6mm, lá bắc phía trong từ 8 đến 12 chiếc.
  • Cụm hoa ở ngọn cây mọc thành ngù kép bao gồm nhiều đầu màu tía, các hoa trong đầu hoa hình ống có màu vàng da cam.
  • Quả cây kim thất có ba cạnh với hình trụ, có 10 sống, mang một mào lông trắng ở đỉnh.
  • Cây kim thất thường ra hoa kết quả vào mùa xuân và mùa hè.

1.2. Đặc điểm sinh trưởng, thu hái và cách chế biến

  • Cây kim thất phân bố hầu hết ở nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, thảo dược này thường được mọc hoang dại hoặc rồng làm rau ăn và làm thảo dược. Người ta thu hái cả cây vào thời gian mùa hè, có thể dùng tươi hay phơi khô.
  • Bộ phận dùng làm thuốc: toàn cây kim thất.
  • Thành phần hóa học trong cây kim thất: bao gồm saponin, tannin, alkaloid, glycoside và vitamin như A, E, C, B1, B2.

2. Tác dụng của cây kim thất

2.1. Tác dụng của dược liệu theo y học hiện đại

Cây kim thất đã được nghiên cứu với nhiều công dụng, cụ thể như sau:

  • Tác dụng hạ huyết áp: Trong thí nghiệm thì cây kim ngân có tác dụng hạ huyết áp tâm thu và huyết áp trung bình đối với chuột. Cơ chế hoạt động của dược chất có trong cây kim ngân tương tự như các thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể Angiotensin.
  • Bảo vệ tim: Tác dụng giảm đáng kể nhịp tim, tăng sức co bóp cơ tim và giảm hiệu ứng co cơ âm tính. Cơ chế bảo vệ nhờ có khả năng ức chế hệ renin – angiotensin và chẹn kênh calci đóng vai trò sinh lý bệnh trong tăng huyết áp.
  • Giảm đường huyết: Theo các nghiên cứu đã chứng minh rằng cây kim thất có công dụng làm giảm đường huyết khi đói và ức chế tăng đường huyết sau test dung nạp đường. Đồng thời, loại thảo dược này có công dụng trong kích thích bài tiết Insulin trong máu qua đó làm giảm đường huyết. Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác cho thấy cây kim thất làm tăng hấp thu đường vào các tế bào mỡ và tăng nhạy cảm insulin ở mô mỡ.
  • Điều trị vô sinh: các nghiên cứu cho thấy, cây kim thất có tác dụng làm tăng số lượng và chất lượng tinh trùng, giảm tỉ lệ tinh trùng chết ở chuột bị tiểu đường. Đồng thời, thảo dược cây kim thất làm tăng ham muốn ở chuột được điều trị. Bên cạnh đó, cây kim thất làm tăng hoạt động của men LDH có vai trò là trung tâm trong tăng sinh tinh trùng.
  • Kháng khuẩn: Cây kim thất có khả năng ức chế được các chủng ký sinh trùng sốt rét, virus và khuẩn kháng thuốc.
  • Bảo vệ chức năng gan thận: có công dụng thông qua việc ức chế tăng sinh các tế bào trung mô gây ra xơ hóa, giảm sự tích tụ mỡ ở gan.

2.2. Tác dụng của dược liệu theo y học cổ truyền

Vị thuốc kim thất có vị đắng thơm và tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm và lợi tiểu.

3. Cách dùng và liều dùng của cây kim thất

  • Ở nước ta: Dược liệu cây kim thất thường dùng cành lá, ngọn non được chần qua nước sôi, xào hoặc nấu canh cua hoặc làm rau trộn dầu giấm. Canh kim thất được xem như là bổ, mát.
  • Ở Campuchia: thân và lá của cây kim thất được sử dụng phối hợp với những vị thuốc khác để hạ nhiệt, trong chứng sốt phát ban như các bệnh sởi, tinh hồng nhiệt.
  • Ở Malaysia, lá cây kim ngân trộn với dầu giấm để ăn và cũng sử dụng cây để điều trị lỵ.
  • Ở Java người ta dùng cây kim thất để trị bệnh đau thận
  • Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể sử dụng dược liệu với nhiều cách khác nhau.

4. Một số bài thuốc với vị thuốc từ cây kim thất

Tùy vào mục đích trị bệnh khác nhau mà người ta sẽ sử dụng cây kim thất với liều lượng và hình thức khác nhau. Vì thế, để đạt hiệu quả điều trị bệnh như mong muốn, bạn nên tham khảo một số bài thuốc điều trị bệnh dưới đây:

4.1. Hỗ trợ điều trị đối với bệnh đái tháo đường

  • Hiện nay, chưa có nghiên cứu y học nào cho thấy rõ công dụng điều trị bệnh tiểu đường của cây kim thất, những bài thuốc từ thảo dược này có công dụng trong ổn định lượng đường trong máu. Vì vậy, mà nhiều người đã sử dụng cây kim thất kết hợp các loại thuốc Đông và Tây Y khác để hỗ trợ điều trị tiểu đường.
  • Cách dùng: Sử dụng 7 – 9 lá cây kim thất rửa sạch, để ráo nước rồi nhai trực tiếp cho đến khi nhuyễn ra nước thì nuốt, ngày 2 lần vào thời gian buổi sáng và tối, duy trì đều đặn cho đến khi thấy cải thiện tình trạng bệnh.

4.2. Điều trị bệnh lý liên quan đến đường hô hấp

  • Điều trị ho khan, ho có đờm: hái 1 – 2 lá cây kim thất tươi rửa sạch, nhai nuốt khoảng 5 phút sẽ thấy dấu hiệu triệu chứng thuyên giảm dần.
  • Điều trị ho lao: Hái khoảng 2 ngọn lá cây kim thất non rửa sạch nhai nuốt ngày 2 lần vào thời điểm buổi sáng và buổi tối, duy trì đều đặn trong thời gian 6 tháng. Đồng thời, bạn có thể sử dụng kết hợp ăn canh cây kim thất để đạt hiệu quả trị bệnh tốt nhất
  • Điều trị sổ mũi: Làm vệ sinh sạch sẽ trong khoang mũi rồi dùng 1 cuống lá cây kim thất giã nát lấy dịch dùng bông thấm ngoáy vào mũi, duy trì mỗi ngày cho đến khi giảm hẳn tình trạng sổ mũi
  • Điều trị viêm họng: Nhai và nuốt 10 lá cây kim thất đã rửa sạch ngày 2 lần vào thời điểm buổi sáng và tối, duy trì đều đặn cho đến khi bệnh giảm hẳn. Đồng thời mỗi lần ho hay đau họng có thể nhai nuốt ngay lá cây kim thất.

4.3. Điều trị đau nhức xương khớp

  • Điều trị thấp khớp kinh niên: Chuẩn bị khoảng 10g lá cây kim thất rửa sạch để ráo nước cho vào nồi sắc cùng 400ml nước cho đến khi nước sôi chỉ còn 1 nửa. Uống ngay khi còn ấm, ngày 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ
  • Điều trị đau nhức xương khớp: Chuẩn bị khoảng 10g lá cây kim thất rửa sạch để ráo nước giã nát đắp trực tiếp lên vị trí xương khớp bị đau rồi cố định lại bằng băng gạc. Sử dụng duy trì mỗi ngày 1 lần, duy trì đều đặn trong thời gian từ 7 đến 10 ngày
  • Điều trị bong gân: Chuẩn bị 2 lá cây kim thất rửa sạch để ráo nước đem giã nát đắp lên vị trí bong gân, sau đó dùng tiếp 1 lá cây đại tướng quân hơ trên lửa nóng và quấn quanh kim thấp đắp trước đó, cố định bằng băng gạc, ngày thay 1 lần.
  • Điều trị đau lưng: Chuẩn bị 10 cây kim thất rửa sạch thái nhỏ nấu canh ăn sẽ giảm đau trong thời gian 5 – 6 giờ sau

4.4. Điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa

  • Điều trị táo bón, kiết lỵ: Chuẩn bị 6 lá cây kim thất rửa sạch, xay nhuyễn cùng 120ml nước chia uống ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều, duy trì đều đặn trong thời gian 5 ngày.
  • Điều trị ngộ độc thức ăn: Sử dụng 6 đến 8 lá cây kim thất rửa sạch xay nhuyễn cùng 200ml nước lọc, chia thành 2 lần uống, mỗi lần cách nhau 2 giờ.
  • Điều trị đau bụng, tiêu chảy: Sử dụng 10g lá cây kim thất rửa sạch xay nhuyễn cùng 200ml nước lọc, uống 1 lần trong ngày.
  • Điều trị bệnh viêm đại tràng mạn tính: Dùng như bài thuốc trị táo bón nhưng duy trì uống trong thời gian kéo dài 10 ngày.

4.5. Điều trị một số bệnh khác

  • Khi bị côn trùng cắn: Dùng 1 – 2 lá cây kim thất rửa sạch vò nát đắp trực tiếp lên vết cắn của côn trùng.
  • Mất ngủ: Nhai nuốt trực tiếp vài lá cây kim thất đã rửa sạch hay nấu canh kim thất công dụng là an thần.
  • Điều trị đau răng: Nhai lá cây kim thất đã rửa sạch ở chỗ đau răng tác dụng giảm đau nhanh chóng.
  • Công dụng cầm máu: lấy lá cây kim thất rửa sạch giã nát đắp lên vết thương chảy máu, cố định bằng băng gạc.
  • Tăng cường sức khỏe, thanh nhiệt cơ thể: Dùng 20g ngọn và lá cây kim thất rửa sạch cho vào nồi sắc cùng 1l nước đun sôi trong thời gian 15 đến 20 phút cho nước cạn còn khoảng 800ml, uống khi còn ấm ngày 1 lần.
  • Ngoài ra, cây kim thất còn được sử dụng để ngâm rượu uống trị bệnh, ngày 1 lần, mỗi lần khoảng 10ml.
  • Một điểm cần chú ý là các bài thuốc trên đều không nên sử dụng đối với phụ nữ đang mang thai hay cho con bú và người mẫn cảm với những thành phần có trong loại dược liệu này.

5. Lưu ý khi sử dụng vị thuốc từ cây kim ngân

Trước khi dùng dược liệu cây kim thất cần tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ nếu:

  • Bạn đang trong thời gian mang thai hoặc đang cho con bú sữa mẹ, bạn chỉ nên sử dụng vị thuốc này theo khuyến cáo của bác sĩ.
  • Bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm hỗ trợ sức khỏe nào khác.
  • Bạn có tiền sử đã từng dị ứng với bất kỳ chất nào của cây kim ngân hoặc các loại thuốc hay thảo mộc khác.
  • Bạn đang mắc bệnh tật, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác.
  • Bạn bị dị ứng với bất kỳ yếu tố như thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản hay lông động vật...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe