Cây gáo nước là một loại cây gỗ thường xanh thuộc họ cà phê với các dạng khác nhau gồm gáo trắng, gáo vàng và gáo đỏ. Theo kinh nghiệm dân gian, loại cây này thường được sử dụng để làm vị thuốc chữa bệnh do có chứa các thành phần có dược tính tốt. Để biết được cụ thể cây gáo nước có tác dụng gì thì mọi người cần phân biệt rõ các loài gáo để dùng đúng mục đích nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.
1. Cây gáo nước là gì?
Cây gáo nước còn có tên gọi khác là cây thiên ngân, gáo nam, gáo vàng, huỳnh bá, thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
2. Đặc điểm và phân loại cây gáo
Cây gáo là một loại cây gỗ thường xanh thuộc họ cà phê, được phân làm 3 loại là gáo trắng, gáo vàng và gáo đỏ. Đa phần các loại gáo đều có chiều cao lên tới khoảng 30 – 35m. Tùy thuộc vào từng loại gáo mà sẽ có đặc điểm sinh thái khác nhau đó là:
2.1. Đặc điểm cây gáo trắng
Loại gáo này còn có các tên gọi khác là cà đam, cà tôm hay gáo tàu và có tên khoa học là Neolamarckia cadamba. Gáo trắng có chiều cao có thể lên đến 30 – 35m. Thân cây thẳng và có nhiều cành, nhánh đâm ngang. Phần vỏ thân có màu xám nhưng gỗ giác lại có màu trắng còn gỗ lõi thì có màu cam nhạt.
Lá cây gáo trắng dài khoảng 15 – 30cm, phần đầu lá có mũi nhọn, còn đuôi lá tả hoặc có thể là tròn, phiến lá có hình bầu dục, mặt dưới của lá được phủ một lớp lông mịn. Lá kèm thon nhọn, có chiều dài khoảng 1,5 – 2cm và thường sớm rụng. Hoa gáo trắng mọc ở đầu cành nhánh và quả thì có dạng phức kép hình cầu với đường kính khoảng 2 – 4,5cm.
Gáo trắng thường được phân bố chủ yếu ở các bình nguyên cao hoặc ở rừng bị ngập nước. Cây được tìm thấy nhiều ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như Nam Á, Nam Trung Hoa, Đông Nam Á...
2.2. Đặc điểm cây gáo vàng
Cây gáo vàng cũng có chiều cao có thể lên tới 30 – 35m, đường kính thân cây thường dài khoảng 1m. Tán cây gáo vàng mọc đối xứng nhìn giống với thông hay tùng. Hoa gáo vàng mọc thành cụm màu vàng, có mùi thơm dễ chịu. Gỗ màu vàng và cấu tạo mạch gỗ có sợi to, dài.
Gáo vàng thường được phân bố ở vùng Nam Á, Đông Nam Á và Australia...
2.3. Đặc điểm cây gáo đỏ
Cây gáo đỏ còn có tên gọi khác là gáo tròn và tên khoa học là Haldina cordifolia. Thân cây gáo tròn thẳng đứng, vỏ thân khi còn non sẽ có màu nâu tro và tròn nhẵn, khi trưởng thành thì vỏ chuyển sang màu nâu và có sọc thẳng đứng. Tán cây gáo đỏ có hình dù, cành cây dài và phẳng, phần ngọn thì hơi rủ.
Lá của gáo tròn dài tầm 10 – 30cm, rộng tầm 8 – 20cm và có hình mắt chim, phần gốc lá có hình tim, còn phần chóp có đuôi nhọn dài. Lá có màu lục sẫm và mặt dưới có lông mềm, còn mặt trên của lá thì nhẵn và màu nhạt hơn.
Hoa của gáo tròn có màu vàng có đường kính từ 18 – 25mm, xếp từ 1 – 3 cái, phần cuống dài khoảng từ 3 – 9cm. Quả nang hình nêm và có chiều dài khoảng 3 – 4cm và rộng khoảng 2cm ở đỉnh, có lông mềm. Mỗi quả có từ 6 – 8 hạt, hạt có cánh ở 2 đầu, nhọn ở gốc và chia đôi ở đỉnh.
Loài gáo tròn này thường phân bố ở nhiều quốc gia như: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippine...
3. Loại cây gáo dùng làm dược liệu và thành phần hóa học từng loại cây gáo
Trong 3 loại cây gáo nước thì gáo trắng và gáo đỏ (gáo tròn) là 2 loại có chứa nhiều thành phần có dược tính cao thường được sử dụng làm vị thuốc chữa bệnh.
Cây gáo trắng có chứa một số chất đắng tương tự như acid cinchotannic. Còn hoa thì có chứa hàm lượng lớn tinh dầu. Vỏ thân có chứa chất béo, steroid, alcaloid và đường giảm.
Còn cây gáo tròn cũng chứa nhiều thành phần hóa học đa dạng, điển hình như trong vỏ cây có chứa hàm lượng tanin và ancaloit rất cao.
4. Cây gáo nước có tác dụng gì?
Mỗi loại cây gáo nước sẽ mang đến những tác dụng khác nhau, trong đó công dụng của gáo tròn là thông dụng hơn cả.
Tác dụng của cây gáo nước trắng được cho là có tác dụng hạ nhiệt và làm se rất tốt. Vỏ và lá của gáo trắng thường được chiết xuất để làm chất chống viêm.
Còn tác dụng của cây gáo nước tròn theo kinh nghiệm dân gian thì vỏ gáo tròn có tác dụng hạ sốt và giải cảm rất tốt. Ngoài ra, cây gáo tròn còn có một số tác dụng như: sát trùng, chống nhiễm khuẩn, chữa kiết lỵ, tiêu chảy, điều trị xơ gan cổ trướng...
Tại Campuchia, vỏ gáo thường được sử dụng làm thuốc giảm đau, còn người Philippine dùng bột vỏ Gáo để bôi vết loét, nước sắc trị các vết thương, đau răng và tiêu chảy. Trong khi ở New Guinea dùng nước ngâm vỏ Gáo để trị đau dạ dày, còn ở Ấn Độ dùng vỏ của cây gáo để trị rắn cắn.
5. Một số bài thuốc từ cây gáo nước
Sau khi biết được cây gáo nước có tác dụng gì? thì mọi người có thể tham khảo và áp dụng một số bài thuốc chữa bệnh từ cây gáo nước. Trong tất cả các loài cây gáo thì gáo tròn là được dùng phổ biến nhất để làm vị thuốc chữa bệnh, nó thường góp mặt trong một số bài thuốc sau:
5.1. Bài thuốc cây gáo chữa bệnh xơ gan cổ trướng
Chuẩn bị: Vỏ cây gáo tròn, 1 cỏ xước toàn cây và cỏ sữa lá lớn mỗi vị 10g.
Thực hiện: Các vị thuốc trên đem rửa sạch, để ráo rồi cho vào ấm sắc với 1,5 lít nước trên lửa nhỏ cho đến khi còn 600ml. Bỏ bã, chắt lấy nước thuốc rồi chia thành 3 lần uống, mỗi ngày 1 thang.
5.2. Bài thuốc chữa bệnh tiêu chảy
- Bài thuốc 1: 15g vỏ cây gáo tròn, 10g khổ sâm rửa sạch rồi cho vào ấm sắc lấy nước, bỏ bã và uống 1 thang/ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị 1 to rễ cây gáo tròn rửa sạch rồi cho vào ấm và thêm 1 thăng nước đun kỹ trên lửa nhỏ. Chia làm nhiều lần uống trong ngày, mỗi lần uống khoảng 100 – 150ml.
- Bài thuốc 3: Lấy 1 nắm vỏ cây gáo tròn với 1 nắm vỏ cây chòi mòi và 1 nắm vỏ cây van núi. Các vị thuốc này đem rửa sạch rồi cho vào ấm và hãm với nước sôi. Chia thành 3 – 4 lần uống hết trong ngày và mỗi lần uống khoảng 100ml.
5.3. Bài thuốc trị chứng cảm sốt
Chuẩn bị: 10 – 15g vỏ cây gáo đỏ.
Thực hiện: Rửa sạch dược liệu rồi cho vào ấm sắc lấy nước đặc, bỏ bã để uống hàng ngày.
5.4. Bài thuốc cây gáo nước chữa vết thương nhiễm khuẩn
Chuẩn bị: 50 – 60g vỏ cây gáo nước tròn.
Thực hiện: Dược liệu đem đi rửa sạch rồi cho vào ấm, sắc trên lửa nhỏ để thu lấy nước đặc. Dùng nước thuốc rửa vết thương bị nhiễm khuẩn 2 lần/ngày.
6. Một số lưu ý khi sử dụng cây gáo nước
Để sử dụng cây gáo nước đúng mục đích, đạt được hiệu quả như mong muốn và an toàn khi dùng thì người dùng cần lưu ý một số việc sau:
- Cây gáo nước có nhiều loại và mỗi loại có những tác dụng khác nhau. Vì thế cần phân biệt rõ ràng các loại gáo để tránh dùng sai mục đích.
- Tuy có nguồn gốc tự nhiên nhưng dược liệu này cũng có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ nhất định. Do đó, người dùng cần tư vấn ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi có ý định sử dụng dược liệu để được tư vấn cụ thể.
- Bên cạnh việc sử dụng dược liệu cây gáo nước đúng cách, đúng liều lượng thì bạn cũng cần duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để đẩy nhanh quá trình hồi phục.
- Nếu có bất kỳ tác dụng phụ hay biểu hiện bất thường nào sau khi sử dụng dược liệu thì người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và xử lý kịp thời.
Qua những thông tin trên hy vọng đã giúp mọi người biết được cây gáo nước có tác dụng gì và các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu. Tuy nhiên, tất cả những thông tin trong bài viết này chỉ có giá trị tham khảo. Vì thể, cần trao đổi trực tiếp với thầy thuốc khi muốn sử dụng dược liệu này để được hướng dẫn cụ thể hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.