Cây đại hoàng có tác dụng gì?

Cây đại hoàng, còn được gọi là chưởng diệp đại hoàng, hay hoàng lương, có vị đắng và tính hàn. Đây là loại dược liệu thường được sử dụng để thanh tràng, thông tiện, trục ứ thông kinh, cầm máu, chứng khó tiêu, vàng da, hay đau bụng.

1. Tổng quan về cây đại hoàng

Cây đại hoàng thuộc loại cây thân thảo lâu năm, thân trụ. Bên trong thân cây rỗng ruột, bên ngoài nhẵn, chiều cao trung bình có thể lên đến 2m. Rễ cây thô, to có hình viên chùy ngắn, vỏ có màu nâu tím, mùi thơm hơi hăng.

Lá đại hoàng thường mọc ở gốc cây, lá to mọc so le có cuống dài, phiến lá có dạng hình tròn hoặc có hình trứng tròn gốc lá hình tim xẻ thành 3 - 7 thùy. Đường kính lá trung bình 40 – 70cm, phiến là chia chùy sâu vào 1/4 lá, hai bên mép lá có dạng hình răng cưa. Hoa thường mọc thành chùm có hình chùy ở đỉnh cây, khi non có màu tím nhạt, sau đó thì có màu lục nhạt hoặc vàng trắng. Quả có hình tròn, dài, hình 3 cạnh.

Dược liệu thường được thu hái vào tháng 9 - 10 ở những cây từ 3 năm tuổi trở lên. Bộ phận của cây đại hoàng được dùng làm thuốc là phần củ rễ đại hoàng.

Khi thu hái dược liệu đại hoàng, cần đào hết cả phần rễ, mang về rửa sạch đất cát, cắt bỏ phần thân trên mặt đất và những rễ tơ, cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài. Nếu phần rễ của cây đại hoàng quá to, có thể bổ ra làm đôi hoặc làm tư. Sau đó, dùng lạt xâu treo ở hiên nhà để khô dần hoặc sấy nhẹ. Dược liệu đã sấy khô có thể để trữ một thời gian dài.

Thành phần hóa học của dược liệu đại hoàng có các hoạt chất như:

  • Các dẫn chất của anthraquinon oid (tổng lượng chiếm khoảng 3 – 5%).
  • Các hợp chất có tanin (rhetanol glycosid).
  • Axit béo, glucose, canxi oxalate, fructose, sennosid A, B, C, D, E,...

Phần củ rễ của cây đại hoàng được dùng để làm thuốc.
Phần củ rễ của cây đại hoàng được dùng để làm thuốc.

2. Cây đại hoàng có tác dụng gì?

2.1. Tính vị

  • Vị đắng, tính hàn.
  • Không chứa độc, đại hàn.

2.2. Quy kinh

Quy kinh Tỳ, Vị, Tâm bào, Can và Đại tràng.

2.3. Tác dụng dược lý

Theo nghiên cứu của Y Học Hiện Đại, cây đại hoàng có nhiều tác dụng như:

  • Cầm máu, thu hẹp thời gian đông máu, giảm tính thẩm thấu của các mao mạch, cải thiện sức bền của thành mạch, kích thích tạo nhiều tiểu cầu.
  • Lợi mật, tăng lực co bóp túi mật và làm giãn cơ vòng.
  • Kháng khuẩn, chủ yếu là các loại vi khuẩn như: Liên cầu khuẩn lậu, bạch hầu, vi khuẩn thương hàn, tụ cầu vàng, kiết lỵ, ức chế một số vi khuẩn nấm và virus cảm lạnh.
  • Gây mê, hạ huyết áp và kích thích tim mạch.
  • Ức chế sự phát triển của những tế bào ung thư, ngăn ngừa tình trạng chướng bụng trong các bệnh lý về gan.
  • Lợi tiểu, bảo vệ tế bào gan, giảm lượng Cholesterol trong máu.

Theo Y Học Cổ Truyền, dược liệu đại hoàng có tác dụng:

  • Sinh tân khứ hủ, thông lợi thủy cốc, trường vị đãng địch, an hòa ngũ tạng, điều trung, hóa thực.
  • Tả thông tiện, phá ứ.
  • Phá đàm thực, luyện ngũ tạng, lợi đại tiểu trường, thông kinh, lợi thủy thũng, súc thực, lãnh nhiệt tích tụ.

Công dụng của Đại hoàng dược liệu:

  • Điều trị kết tích trường vị do nhiệt.
  • Điều trị ứ huyết ở vùng bụng, bế kinh nguyệt.
  • Nhiệt gây táo bón, chảy máu cam, nôn ra máu.
  • Hỗ trợ tiêu ứ viêm, bóng nóng.

Cây đại hoàng có rất nhiều tác dụng, đặc biệt là thu hẹp thời gian đông máu.
Cây đại hoàng có rất nhiều tác dụng, đặc biệt là thu hẹp thời gian đông máu.

3. Các bài thuốc từ cây đại hoàng

3.1 Bài thuốc trị táo bón nhẹ hoặc táo bón ở những người sức đề kháng kém

  • Chuẩn bị: Đại hoàng (sao vàng) hậu phác, mỗi vị 9g, hỏa ma nhân 15g và chỉ thực 6g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống trong ngày ngày, chia 2 - 3 lần trước bữa ăn, khi thuốc còn ấm, dùng thuốc đến khi hết bị táo bón.

3.2. Bài thuốc trị táo bón mạn tính

  • Chuẩn bị: Đại hoàng (sao vàng) 45g, đào nhân 20g, cam thảo, sài hồ, mộc hương, chỉ thực, mỗi vị 15g.
  • Thực hiện: Nghiền các vị thuốc đã chuẩn bị thành dạng bột mịn, thêm vào mật ong để làm thành từng viên hoàn, chia 2 lần uống sáng và tối, mỗi lần 6g hoặc 9g với nước hãm chỉ xác hay chỉ thực.

3.3. Bài thuốc trị nôn ra máu, trĩ, chảy máu cam

  • Chuẩn bị: Đại hoàng (sao cháy), hoàng liên, hoàng cầm mỗi vị 12g.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần trước bữa ăn.

3.4. Bài thuốc trị mụn nhọt, bỏng lửa

  • Chuẩn bị: Rễ cây đại hoàng sấy khô.
  • Thực hiện: Dùng rễ đại hoàng tán thành dạng bột mịn, uống khoảng 9g một lần. Ngoài ra, bài thuốc này có thể dùng bột đại hoàng hòa vào nước làm thành dạng nhão, bôi vào vị trí đang bị mọc mụn nhọt.

Trong trường hợp bị bỏng lửa, có thể dùng rễ đại hoàng sao cháy nghiền thành dạng bột mịn; sau đó, thoa vào vết thương hoặc trộn đều với dầu khuynh diệp, bôi trực tiếp vào vị trí đang bị đang bỏng nhẹ.


Bột rễ cây đại hoàng có thể giúp trị mụn nhọt hoặc bỏng lửa.
Bột rễ cây đại hoàng có thể giúp trị mụn nhọt hoặc bỏng lửa.

3.5. Bài thuốc trị hôi miệng, chảy máu chân răng

  • Chuẩn bị: Đại hoàng (ngâm với nước vo gạo cho mềm ra) và sinh địa hoàng.
  • Thực hiện: Cắt 1 lát đại hoàng và 1 lát sinh địa hợp cả hai thứ dán lên chỗ đau. Khi dùng thuốc, bạn nên kiêng nói chuyện, sau khoảng 1 đêm là khỏi. Nếu chưa khỏi, cần thực hiện lại.

3.6. Bài thuốc trị sưng vú

  • Chuẩn bị: Đại hoàng, phấn thảo, mỗi thứ 40g.
  • Thực hiện: Tán các dược liệu đã chuẩn bị thành bột, nấu với rượu ngon thành cao. Khi dùng, cần bôi thuốc lên miếng vải và dán trực tiếp vào chỗ sưng. Trước khi dán thuốc, bạn cần phải uống 1 muỗng rượu nóng.

Liều dùng của đại hoàng có thể khác nhau đối với những trường hợp khác nhau. Liều lượng của bài thuốc có thể dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe mỗi người.

4. Lưu ý khi sử dụng cây đại hoàng trong điều trị bệnh

Kiêng kỵ:

  • Phụ nữ đang mang thai và cho con bú không nên sử dụng vị thuốc này.
  • Người cao tuổi không được dùng dược liệu.
  • Người thể trạng suy nhược kéo dài không nên dùng.

Lưu ý:

  • Đại hoàng không nên sắc quá lâu. Khi sắc thuốc được rồi thì mới cho đại hoàng vào, dùng uống.
  • Sử dụng đại hoàng kết hợp với cam thảo sẽ gây thiếu hụt kali, không nên dùng hai loại thảo dược này cùng với nhau.
  • Sử dụng duy trì dược liệu đại hoàng trong thời gian dài có thể gây thiếu hụt kali và tăng tác dụng của thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc cho bệnh đường huyết và corticosteroid.

Tóm lại, trước khi sử dụng dược liệu làm thuốc điều trị bệnh bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để được tư vấn cụ thể về liều lượng và cách sử dụng hợp lý.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe