Chu sa là vị thuốc quen thuộc trong Y Học Cổ Truyền có tính hàn, vị ngọt và công dụng an thần, trấn tĩnh. Cùng tìm hiểu về tác dụng, liều dùng và chống chỉ định khi dùng vị thuốc chu sa trong điều trị bệnh qua bài viết sau đây.
1. Đặc điểm của chu sa
“Chu sa là cây gì?” Theo đó, Chu sa không phải là thực vật, chúng là khoáng vật cinnabarit của thủy ngân, màu đỏ và có sẵn trong tự nhiên. Thành phần chính của chu sa là sulfua thủy ngân (II) (HgS). Dạng tồn tại của vị thuốc này cũng được thể hiện qua tên của chúng, trong đó chu nghĩa là đỏ, sa là đá. Vì vậy, chu sa là bột có màu đỏ, vị ngọt và tính hàn.
Chu sa được hình thành từ hoạt động phun trào của núi lửa, chúng được tìm thấy trong các khu vực chứa thủy ngân như New Almaden (California), Almaden (Tây Ban Nha), dãy núi Avala (Serbia)...
Chu sa được khai thác từ thời Cổ đại để làm chất màu hay sản xuất thủy ngân, đây cũng là quặng chính giúp cung cấp thủy ngân trong nhiều thế kỷ.
2. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học chính của chu sa là sulfua thủy ngân (II) (HgS), trong đó thủy ngân nguyên chất chiếm 86,2%, sulfua (S) chiếm 13,8% và thường lẫn một số tạp chất khác như chất hữu cơ. Chu sa khi được đun nóng trong ống nghiệm sẽ cho HgS đen, cuối cùng là SO2 đen bốc lên, thủy ngân bám vào thành ống.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi nhà khoa học Hoàng Tích Tuyền trên các muối kali, selenua natri, muối selenua thủy ngân và selenit trong Chu sa đã đi đến kết luận:
- Muối kali, natri selenua... rất độc nên không làm thuốc được;
- Muối HgSe trong Chu sa có dạng keo, độc tính thấp và tác dụng an thần rất mạnh, làm kéo dài giấc ngủ gây ra bởi các loại thuốc ngủ khác, chống co giật mạnh hơn các hợp chất an thần như bromua.
Bởi những công dụng của chu sa đối với y học, từ lâu vị thuốc này đã được tìm kiếm và chế biến. Một số cách bào chế chu sa có thể kể đến như sau:
- Cách 1: Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp số lượng chu sa cần tương đối ít, khoảng 2 – 3 thang thuốc Đông y. Chế biến vị thuốc bằng cách đem chu sa (hoặc thần sa) mài vào một bát sứ có chứa một ít nước sạch, để tan hết phần bột. Thực hiện nhiều lần như vậy, vớt bỏ cặn, gạn hoặc dùng nam châm hút hết cặn sắt. Sau cùng lấy phần bột mịn đỏ hòa vào thuốc sắc được để nguội và uống. Liều dùng khoảng 0,3 – 1,5g mỗi ngày;
- Cách 2: Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp số lượng chu sa cần nhiều. Chế biến bằng cách dùng chu sa bỏ vào cối sứ, thêm nước sạch vào rồi nghiền nhiều lần, mỗi lần nghiền gạn lấy phần nước có bột đỏ để riêng. Phần nước chứa bột đỏ thu được đem để lắng trong vài giờ, gạn bỏ phần nước trong bên trên và thu lấy bột mịn màu đỏ. Để thu được vị thuốc có độ tinh khiết cao, có thể tinh chế từ 3 – 4 lần. Vị thuốc sau khi tinh chế được đem phơi trong bóng râm tới khi khô, bảo quản trong lọ thủy tinh, điều kiện khô ráo và tránh ánh sáng.
4. Vị thuốc Chu sa trong các bài thuốc chữa bệnh
Muối sulfua thủy ngân hầu như không được dùng để làm thuốc trong Y Học Hiện Đại, trước kia có dùng trong điều trị giang mai nhưng thường ở dạng mỡ bôi ngoài, không uống.
Trái lại, vị thuốc Chu sa trong Y Học Cổ Truyền được dùng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh, vị thuốc này có tính hơi hàn, vị ngọt, có độc, quy vào kinh Tâm và có công dụng an thần, trấn tĩnh.
3.1. Công năng, chủ trị
“Chu sa có tác dụng gì?” Theo đó, vị thuốc Chu sa có những công dụng như sau:
- An thần, trấn tĩnh nên được dùng khi tâm thần bất thường, tinh thần bất an và có những triệu chứng như hồi hộp, mất ngủ, tim đập loạn, động kinh, điên giản...;
- Chu sa dùng riêng hoặc phối hợp với Băng phiến, Thạch xương bồ, Xạ hương, Thiềm tô... Nước sắc các dược liệu được hòa với bột chu sa, khuấy đều và đem uống;
- Công dụng giải độc: Vị thuốc được dùng trong những trường hợp miệng lưỡi lở, tâm hỏa, phồng rộp và dùng ngoài trị phù thũng, mụn nhọt, ức chế ký sinh trùng, vi khuẩn.
3.2. Liều dùng, cách dùng
Liều dùng Chu sa trong điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh, tuy nhiên liều dùng khuyến cáo là từ 0,4 – 2g mỗi ngày dưới dạng thuốc viên hoặc thuốc bột.
4. Vị thuốc Chu sa trong các bài thuốc chữa bệnh
4.1. Bài thuốc chữa chứng di tinh
Chế biến bài thuốc như sau: Sử dụng 1 quả tim lợn và 1 lượng nhỏ chu sa. Bột chu sa được cho vào trong tim lợn và khâu chỉ lại, sau đó nấu chín và ăn khi còn nóng.
4.2. Bài thuốc điều trị suy nhược thần kinh
Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 2g mỗi vị thuốc gồm Đương quy, Chích cam thảo, Sinh địa; 6g Hoàng liên và 4g Chu sa. Vị thuốc chu sa được đem thủy phi, các vị thuốc còn lại được tán thành bột mịn và vo thành viên hoàn. Mỗi lần dùng 4g thuốc, chia làm 2 lần và uống cùng với nước ấm.
4.3. Bài thuốc trị trẻ nhỏ ngủ hay mê sảng
Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 10g Thảo quyết minh và 0,3g Thần sa. Đem sắc dược liệu Thảo quyết minh lấy nước thuốc, để nguội rồi đem uống cùng với Thần sa trước khi ngủ.
4.4. Bài thuốc trị sốt cao, hôn mê và co giật
Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 15g Hoàng liên, 1g Ngưu hoàng, 12g Sơn chi, 12g Hoàng cầm và 6g Chu sa. Tất cả các vị thuốc được tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 3g thuốc uống cùng với nước sắc đăng tâm.
4.5. Bài thuốc trị chứng mất ngủ, mộng tinh, tâm thận hư, tim hồi hộp
Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 20g mỗi loại dược liệu gồm Cát cánh, Viễn chí, Bạch linh, Huyền sâm và Đơn sâm; 40g mỗi loại dược liệu gồm Thiên môn đông, Đương quy, Táo nhân, Ngũ vị tử, Bá tử nhân và Mạch môn đông; 160g Sinh địa hoàng và 1g Chu sa. Vị thuốc Chu sa được để riêng, tất cả các dược liệu còn lại được tán thành bột mịn, luyện với mật ong thành viên hoàn sau đó dùng chu sa bọc làm áo bên ngoài. Bài thuốc thu được đem dùng mỗi ngày 12g uống với nước nguội.
4.6. Bài thuốc trị kinh nguyệt kéo dài, băng đới, băng lậu ở phụ nữ
Chế biến bài thuốc như sau: Dùng 80g mỗi vị thuốc gồm nhũ hương và ngũ linh chi; 160g mỗi vị thuốc gồm Đại giả thạch, Xích thạch chi, Vũ dư lương; 40g Chu sa. Tất cả dược liệu được tán thành bột, thêm 10g bột gạo và vo thành viên nhỏ. Mỗi lần dùng 6g thuốc uống với nước ấm, chia làm 2 lần dùng mỗi ngày.
5. Lưu ý khi dùng vị thuốc Chu sa trong điều trị
Trong nghiên cứu đã chỉ ra rằng vị thuốc Chu sa trong điều trị phải được dùng sống tuyệt đối, không được nấu chín hoặc dùng lửa. Nguyên nhân được giải thích là do dưới tác động của lửa, nhiệt độ sẽ làm biến đổi muối thủy ngân thành thủy ngân có thể bay hơi và gây độc.
Cùng với đó, vị thuốc Chu sa không được khuyến cáo dùng trong điều trị thời gian dài. Người bệnh có chức năng thận, gan kém cần thận trọng khi dùng vì có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Như vậy, Chu sa là vị thuốc có nhiều công dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên cũng như các vị thuốc khác, Chu sa có thể gây ra một số tác dụng phụ. Vì vậy, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo độ an toàn và hiệu quả trong điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.