Cắt tử cung là phương pháp phẫu thuật được chỉ định trong một số trường hợp nhằm điều trị dứt điểm các bệnh lý ở phụ nữ. Dù đây là phương pháp an toàn nhưng bệnh nhân cần cân nhắc trước khi thực hiện vì một số biến chứng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống bệnh nhân. Sau đây là 11 nguyên nhân phải loại bỏ tử cung và những điều cần cân nhắc.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BSCK II Phùng Thị Lý - Bác sĩ Sản phụ khoa, Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ - Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec Times City.
1. 11 bệnh lý mà người bệnh nên cắt tử cung
1.1 U xơ tử cung
U xơ tử cung - những khối u lành tính phát triển trong tử cung, là một trong những nguyên nhân phổ biến được chỉ định phẫu thuật cắt tử cung. Những khối u này có thể dẫn đến những biến chứng: rong kinh, băng kinh, thiếu máu do chảy máu quá mức, khó chịu do u xơ to chèn ép niệu quản, trực tràng hoặc chướng bụng, gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nếu các phương pháp điều trị khác như sử dụng thuốc điều trị nội khoa và phẫu thuật bóc u xơ tử cung (myomectomy) không hiệu quả hoặc nếu u xơ tiếp tục tái phát gây ra các biến chứng, cắt tử cung có thể được xem xét là một lựa chọn phù hợp.
1.2 Ung thư
10% các ca phẫu thuật cắt tử cung là do ung thư. Bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật cắt tử cung nếu bệnh nhân gặp phải các loại ung thư sau:
- Ung thư tử cung
- Ung thư buồng trứng
- Ung thư cổ tử cung
- Ung thư nội mạc tử cung
Kế hoạch điều trị bệnh sẽ được điều chỉnh dựa trên loại ung thư cụ thể, giai đoạn tiến triển của khối u và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị thông thường có thể kể đến là hóa trị và xạ trị.
Đôi khi, phương pháp cắt tử cung sẽ được bác sĩ đề nghị nếu bệnh nhân có các dấu hiệu tiền ung thư hoặc nghi ngờ ung thư. Trong một số trường hợp, phẫu thuật cắt tử cung được xem là phương pháp chẩn đoán ung thư an toàn hơn sinh thiết trên tử cung còn nguyên vẹn.
Phương pháp này cũng có thể được xem xét như một biện pháp ngăn ngừa phát triển ung thư trong tương lai, đặc biệt là với những bệnh nhân mắc hội chứng Lynch - một tình trạng di truyền tăng nguy cơ ung thư đại tràng, tử cung và các loại ung thư khác.
Nếu bệnh nhân kiểm tra dương tính với đột biến gen BRCA, phẫu thuật cắt tử cung có thể không cần thiết. Thay vào đó, các bác sĩ có thể đề xuất loại bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng vì bệnh nhân đột biến gen này có nguy cơ cao mắc phải ung thư buồng trứng, ung thư vú.
1.3 Bệnh lạc nội mạc tử cung
Bệnh lạc nội mạc tử cung (endometriosis) - một dạng rối loạn, là tình trạng mô lót bên trong niêm mạc tử cung phát triển không bình thường, lan rộng ra các khu vực bên ngoài. Tình trạng này thường gây đau dữ dội và kinh nguyệt không đều, có thể dẫn đến vô sinh.
Thông thường, các bác sĩ khuyến nghị điều trị hormone bằng phương pháp nội khoa hoặc các biện pháp y tế khác nhằm loại bỏ mô nội mạc tử cung trước khi xem xét thực hiện phẫu thuật cắt tử cung.
Phẫu thuật cắt tử cung có thể giúp bệnh nhân giảm hoặc loại bỏ các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung nhưng bệnh vẫn có khả năng tái phát sau phẫu thuật. Bệnh nhân nên thảo luận về các lợi ích và tác hại của phương pháp điều trị với bác sĩ trước khi quyết định phẫu thuật.
1.4 Bệnh cơ tuyến tử cung
Bệnh cơ tuyến tử cung (adenomyosis) xảy ra khi niêm mạc trong tử cung phát triển vào trong cơ tử cung. Kết quả là thành tử cung dày hơn, gây đau bụng kinh và chảy máu nhiều. Thường thì bệnh sẽ biến mất sau mãn kinh, nhưng nếu triệu chứng tiếp tục tiếp diễn và nặng hơn gây thiếu máu, điều trị sớm là điều cần thiết.
Ban đầu, bệnh nhân sẽ được áp dụng các liệu pháp hormone và thuốc giảm đau. Nếu các liệu pháp này không hiệu quả, cắt tử cung sẽ được xem xét như một giải pháp tiềm năng.
1.5 Bệnh nhiễm trùng đường sinh dục
Bệnh viêm vùng chậu (PID) là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, khiến bệnh nhân đau dữ dội ở vùng bụng dưới. Nếu phát hiện sớm, PID thường có thể được điều trị bằng kháng sinh.
Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển lan rộng có thể gây tổn thương tử cung. Trong trường hợp viêm vùng chậu nặng, bác sĩ có thể khuyến nghị phẫu thuật loại bỏ tử cung hoàn toàn để đảm bảo an toàn.
1.6 Quá sản nội mạc tử cung
Quá sản (hyperplasia) là tình trạng lớp niêm mạc tử cung quá dày, có thể xuất phát từ sự dư thừa hormone estrogen. Ở một số trường hợp, quá sản nội mạc tử cung có thể dẫn đến ung thư niêm mạc tử cung. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây băng kinh, chảy máu kinh nguyệt nhiều và không đều.
Thông thường, các phương pháp điều trị gồm các loại liệu pháp hormone khác nhau. Tuy nhiên, nếu quá sản nặng điều trị nội thất bại hoặc có lo ngại về sự tiến triển thành ung thư, bác sĩ có thể khuyến nghị phẫu thuật cắt tử cung.
1.7 Chảy máu bất bình thường
Chảy máu bất thường từ tử cung phát sinh do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, nhiễm trùng, thay đổi hormone, ung thư hoặc các tình trạng khác. Tình trạng có thể đi kèm với triệu chứng đau bụng và khó chịu.
Trong một số trường hợp, phẫu thuật cắt tử cung có thể là phương pháp duy nhất để giảm tình trạng chảy máu nghiêm trọng.
1.8 Sa sinh dục
Sa sinh dục xảy ra khi tử cung, cổ tử cung, thành âm đạo trượt từ vị trí bình thường vào trong âm đạo hay sa ra khỏi ngoài âm đạo. Tình trạng này thường xuất hiện phần lớn ở phụ nữ đã trải qua nhiều lần sinh con qua đường âm đạo. Bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến người béo phì hoặc đã vào giai đoạn mãn kinh.
Các phương pháp điều trị thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sa sinh dục. Nếu những biện pháp can thiệp này không hiệu quả hoặc không phù hợp, bệnh nhân sẽ được khuyến nghị phẫu thuật cắt tử cung.
1.9 Biến chứng sau khi sinh
Đôi khi, phẫu thuật cắt tử cung được thực hiện trong vòng 24 giờ sau khi sinh thường hoặc sinh mổ. Các biến chứng như băng huyết, đờ tử cung chảy máu quá mức là một trong các nguyên nhân khiến bác sĩ phải phẫu thuật cắt tử cung nhưng tình huống này rất hiếm xảy ra.
1.10 Nhau cài răng lược (placenta accreta)
Nhau cài răng lược (placenta accreta) xảy ra khi nhau thai gắn quá sâu vào tử cung, bàng quang. Mặc dù tình trạng này nghiêm trọng nhưng thường không gây ra triệu chứng rõ ràng.
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ thực hiện mổ lấy thai, sau đó cắt tử cung để ngăn ngừa mất máu xảy ra khi nhau thai tách ra.
1.11 Phẫu thuật chuyển giới tính
Người chuyển giới có thể quyết định thực hiện phẫu thuật cắt tử cung, tuỳ theo nhu cầu mà có thể loại bỏ một phần (chỉ tử cung) hoặc toàn bộ (tử cung và buồng trứng). Bác sĩ sẽ giúp người thực hiện hiểu rõ các quy trình khác nhau và biến chứng có thể xảy ra.
2. Biến chứng có thể xảy ra khi cắt tử cung
Mặc dù phẫu thuật cắt tử cung thường được coi là một phương pháp phẫu thuật an toàn nhưng phương pháp này có một số nguy cơ rủi ro nhất định.
Các tác dụng phụ hoặc biến chứng tiềm ẩn gồm:
- Nhiễm trùng
- Chảy máu quá mức trong hoặc sau khi thực hiện phẫu thuật
- Tổn thương cho các cơ quan lân cận
- Hình thành cục máu
- Vấn đề hô hấp hoặc tim mạch liên quan đến gây mê
- Tắc ruột
- Bí tiểu, tiểu khó
- Tử vong
Các biến chứng nghiêm trọng thường gặp trong các ca cắt tử cung qua bụng hơn so với phương pháp ít xâm lấn. Bệnh nhân cần lưu ý rằng, chu kỳ kinh nguyệt sẽ dừng hoàn toàn sau khi phẫu thuật cắt tử cung.
3. Những điều cần cân nhắc trước khi thực hiện cắt tử cung
Phẫu thuật cắt tử cung là một quyết định lớn vì điều này sẽ thay đổi cơ thể hoàn toàn. Bệnh nhân không thể mang thai sau khi cắt tử cung và mãn kinh sớm. Trước khi tiến hành phẫu thuật cắt tử cung, bệnh nhân cần cân nhắc và tham vấn ý kiến bác sĩ những điều sau:
- Liệu cắt tử cung có cần thiết cho tình trạng bệnh này?
- Ưu và nhược điểm của việc thực hiện phẫu thuật cắt tử cung.
- Có phương pháp điều trị thay thế nào khác không?
- Nếu không cắt tử cung, điều gì sẽ xảy ra?
- Phẫu thuật cắt tử cung giảm bớt các triệu chứng như thế nào?
- Loại phẫu thuật cắt tử cung nào sẽ được thực hiện?
- Các triệu chứng điển hình?
- Có cần dùng thuốc sau khi phẫu thuật?
- Phẫu thuật ảnh hưởng đến tâm trạng như thế nào?
- Quá trình hồi phục như thế nào?
Nếu bệnh nhân đang xem xét phẫu thuật cắt tử cung nhưng vẫn muốn có con, thảo luận với chuyên gia y tế là điều quan trọng. Nhận con nuôi và mang thai hộ là hai lựa chọn tiềm năng mà bệnh nhân có thể xem xét.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.