Loạn sản cổ tử cung là bệnh gì, có thể dẫn tới ung thư không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Loạn sản cổ tử cung là sự tăng trưởng bất thường của tế bào bề mặt cổ tử cung. Các triệu chứng của loạn sản cổ tử cung nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.

1. Loạn sản cổ tử cung là gì?

Loạn sản cổ tử cung là quá trình tế bào tại cổ tử cung bị biến đổi, dưới tác động của một tác nhân viêm nhiễm, sự thay đổi môi trường âm đạo hoặc do nhiễm virus HPV. Sự biến đổi của các tế bào tại cổ tử cung này có thể lành tính hoặc biến đổi sang giai đoạn nghịch sản hay giai đoạn tiền ung thư. Những người có đời sống quan hệ tình dục không an toàn, có nhiều bạn tình hoặc thực hiện việc yêu quá sớm trước khi đủ 18 tuổi, phụ nữ sinh con trước tuổi 16, có bệnh suy giảm miễn dịch, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch... là những đối tượng có nguy cơ cao mắc căn bệnh loạn sản cổ tử cung.

2. Nguyên nhân gây loạn sản cổ tử cung

Theo kết quả nghiên cứu từ rất nhiều phụ nữ mắc chứng loạn sản cổ tử cung, người ta đã tìm thấy virus HPV tại đây. Trên thực tế, tình trạng nhiễm HPV rất phổ biến ở phụ nữ và nam giới, tuy nhiên virus này thường ảnh hưởng đến những phụ nữ phát sinh quan hệ tình dục dưới 20 tuổi. Hầu hết trường hợp, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ loại bỏ HPV và làm sạch tình trạng nhiễm trùng một cách tự nhiên. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ thì tình trạng nhiễm trùng vẫn tồn tại và dẫn đến chứng loạn sản cổ tử cung. Virus HPV thường lây truyền từ người sang người khi quan hệ tình dục. Việc quan hệ tình dục theo đường hậu môn hoặc đường miệng đều có thể bị lây bệnh. Ngoài ra, virus cũng có thể lây truyền qua đường tiếp xúc da, niêm mạc với người mang virus.

Thêm vào đó, những phụ nữ nhiễm virus HPV mạn tính, phụ nữ nghiện hút thuốc lá có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung và tử vong cao gấp hai lần do hút thuốc gây suy yếu hệ thống miễn dịch. Nhiễm HPV mạn tính và loạn sản cổ tử cung cũng có thể liên quan đến các yếu tố làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể như: sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, sau khi thực hiện cấy ghép cơ quan hoặc nhiễm HIV/AIDS.


Virus HPV dược tìm thấy ở nhiều bệnh nhân mắc chứng loạn sản cổ tử cung
Virus HPV dược tìm thấy ở nhiều bệnh nhân mắc chứng loạn sản cổ tử cung

3. Triệu chứng loạn sản cổ tử cung là gì?

Giai đoạn sớm của loạn sản cổ tử cung không gây ra triệu chứng rõ rệt. Vào giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có xuất hiện một vài triệu chứng nhưng rất mơ hồ, biểu hiện chủ yếu là ra máu âm đạo bất thường như: ra máu giữa chu kỳ kinh, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu sau thụt rửa âm đạo, ra máu sau một thời gian mãn kinh. Một số dấu hiệu khác có thể thấy như: đau bụng vùng tiểu khung, đau trong khi giao hợp, ra nhiều khí hư màu trắng và hôi...

Loạn sản thường được phát hiện thông qua xét nghiệm PAP, do đó phụ nữ cần thực hiện thường xuyên để phát hiện ra những thay đổi trong tế bào cổ tử cung trong những lần khám phụ khoa định kỳ.

4. Loạn sản cổ tử cung có dẫn tới ung thư không?

Thực tế, các tế bào bị loạn sản trông rất giống với tế bào ung thư, nhưng lại không được xem là tế bào ác tính. Do các tế bào loạn sản này vẫn nằm trong lớp biểu mô ở bề mặt cổ tử cung, không xâm nhập vào các tổ chức khỏe mạnh khác ở cổ tử cung.

Tuy nhiên, loạn sản tế bào cổ tử cung chính là giai đoạn phát triển sớm nhất của các tế bào bất thường, chúng có khả năng tiến triển trở thành tế bào ung thư ác tính. Diễn tiến từ loạn sản cổ tử cung đến ung thư cần mất một khoảng thời gian từ 10 - 15 năm.

5. Điều trị loạn sản cổ tử cung có chữa khỏi được không?


Loạn sản cổ tử cung
Loạn sản cổ tử cung

Thông thường, bệnh loạn sản cổ tử cung được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn loạn sản nhẹ (CIN I)

Các tế bào bất bình thường được giới hạn nằm ở 1/3 ngoài lớp tế bào cổ tử cung, bao gồm các tế bào đã bị biến đổi do bị nhiễm virus u nhú ở người HPV. Giai đoạn CIN I thường gặp ở phụ nữ độ tuổi từ 25 đến 35 tuổi. Khoảng 45% các trường hợp bị loạn sản nhẹ không cần điều trị và các tế bào bất thường sẽ dần trở lại bình thường sau đó.

Giai đoạn loạn sản mức độ vừa phải (CIN II)

Các tế bào bất thường đã chiếm một nửa lớp tế bào cổ tử cung. Ở giai đoạn này thường áp dụng phương pháp phá hủy các tế bào bất thường bằng tia laser hay áp lạnh. Ngoài ra cũng có thể được phẫu thuật để cắt bỏ các tế bào loạn sản bất thường.

Giai đoạn loạn sản nặng (CIN III)

Toàn bộ lớp tế bào biểu mô cổ tử cung đều là tế bào loạn sản, nhưng những tế bào này chưa xuyên qua lớp tế bào đáy để xâm nhập vào các tổ chức dưới biểu mô của cổ tử cung. Loại tổn thương này còn được gọi là ung thư tại chỗ. Giai đoạn CIN III thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 40 tuổi. Ở giai đoạn này, nếu không điều trị kịp thời, các tế bào loạn sản nặng có khả năng cao sẽ xuyên qua lớp tế bào đáy của cổ tử cung và lan sang các cơ quan và tổ chức khác tại cổ tử cung. Quá trình lan sang các tổ chức, cơ quan khác thường phải trải qua nhiều tháng hoặc nhiều năm và được gọi là ung thư cổ tử cung xâm lấn.

Trong trường hợp loạn sản nặng và kéo dài, tiến hành điều trị nhằm phá hủy hoặc cắt bỏ đi các tế bào bất thường là hết sức cần thiết, vì nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung trong trường hợp loạn sản nặng là rất cao. Để tiến hành điều trị, một vùng mô nhỏ hình nón chứa các tế bào bất thường sẽ được cắt bỏ khỏi cổ tử cung. Phương pháp phẫu thuật này được tiến hành qua âm đạo và dưới tác dụng của thuốc gây tê tại chỗ, thời gian tiến hành phẫu thuật từ 5 - 10 phút. Trong trường hợp nặng hơn, các tế bào bất thường bị méo mó dữ dội, một vùng hình nón lớn hơn của cổ tử cung sẽ bị cắt bỏ dưới tác dụng của thuốc gây mê. Đối với phụ nữ lớn tuổi với tổn thương loạn ắsản ở giai đoạn III (CIN III) thì nên cắt tử cung hoàn toàn và hai phần phụ (2 buồng trứng, vòi trứng).

Sau khi điều trị, bệnh nhân có thể gặp tình trạng tiết dịch có lẫn máu trong vài tuần, nhưng các tế bào cổ tử cung sẽ dần dần trở lại bình thường. Ba tháng sau khi điều trị, bệnh nhân phải tiến hành phẫu thuật kính phết và soi âm đạo để đảm bảo không xảy ra bất thường gì sau khi điều trị. Sau đó là các xét nghiệm kính phết 6 tháng một lần, dài hơn là phết hàng năm cho đến khi có ý kiến chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe