Bài viết được viết bởi: Bác sĩ chuyên khoa II Phan Phi Tuấn - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc
Túi mật là nơi dự trữ mật do gan bài tiết ra. Những lắng đọng bất thường của các thành phần chính trong dịch mật sẽ hình thành nên bùn mật, sỏi mật. Sỏi mật thường gây ra đau bụng, viêm túi mật và viêm tụy.
1. Triệu chứng của sỏi túi mật biểu hiện như thế nào?
Khoảng 30% trường hợp có sỏi túi mật là có triệu chứng, triệu chứng của sỏi túi mật thường gặp nhất là cơn đau quặn mật (86%), với các đặc điểm sau:
Thường bệnh nhân đa ở hạ sườn phải hay thượng vị nên có thể nhầm với viêm dạ dày, đau từng cơn, khi có biến chứng có thể đau liên tục, đau thường sau bữa ăn hay về đêm. Tuy nhiên, sỏi túi mật được chẩn đoán chủ yếu dựa vào siêu âm.
2. Chỉ định mổ sỏi túi mật
Chỉ định phẫu thuật cắt túi mật khi:
- Sỏi mật có triệu chứng
- Bệnh túi mật phức tạp: Viêm tụy do sỏi mật, Hội chứng Mirizzi , lỗ rò túi mật tá tràng, viêm túi mật, ung thư túi mật.
- Sỏi mật không triệu chứng được chỉ định phẫu thuật rất hạn chế vì chỉ (2-3)% các trường hợp này trở thành có triệu chứng mỗi năm.
- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch, đang chờ cấy ghép nội tạng, mắc bệnh hồng cầu hình liềm.
- Đường kính sỏi lớn hơn 3 cm, đặc biệt ở vùng địa lý có tỷ lệ mắc ung thư túi mật cao
- Ống dẫn mật bị tắc nghẽn mãn tính
- Túi mật không hoạt động
- Vôi hóa túi mật
- Polyp túi mật lớn hơn 10mm hoặc cho thấy kích thước tăng nhanh
- Kênh chung mật - tuỵ bất thường.
- Bệnh nhân tiểu đường: Không phải là chỉ định tuyệt đối, tuy nhiên nên cân nhắc phẫu thuật cắt túi mật vì khi để viêm túi mật sẽ rất nguy hiểm.
Phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ nên được phẫu thuật nội soi cắt túi mật vì nguy cơ khó khăn cho phẫu thuật khi sỏi túi mật có biến chứng viêm khi mang thai. Trong trường hợp này, 3 tháng giữa thai kỳ được cho là thời gian phẫu thuật an toàn hơn cả vì tránh nguy cơ gây dị tật thai nhi hay sinh non.
3. Diễn tiến tự nhiên của sỏi túi mật
Hàng năm, chỉ có 1- 2% bệnh nhân có sỏi túi mật không triệu chứng tiến triển thành có triệu chứng. Có một số (< 0,5% mỗi năm) diễn tiến từ sỏi túi mật không triệu chứng đến giai đoạn biến chứng mà không trải qua giai đoạn có triệu chứng.
Các biến chứng của sỏi túi mật bao gồm:
- Viêm túi mật cấp
- Viêm đường mật
- Viêm tụy cấp
- Ung thư túi mật
4. Cắt bỏ túi mật có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không ?
Sau phẫu thuật, cũng có khoảng 10 – 15% người bệnh gặp phải hội chứng sau cắt túi mật, với các triệu chứng tương tự sỏi mật như đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, vàng da, vàng mắt, sốt cao.... Các triệu chứng này có thể thoáng qua và biến mất sau một vài tuần, nhưng cũng có nhiều trường hợp kéo dài dai dẳng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây trong vài tuần sau phẫu thuật, hãy báo ngay cho bác sĩ:
- Sốt hay rét run
- Sưng hay tấy đỏ xung quanh vết cắt phẫu thuật
- Buồn nôn hoặc nôn
- Co rút hoặc đau bụng nghiêm trọng
- Chướng bụng
- Vàng da, vàng mắt
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.