Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Sốc giảm thể tích tuần hoàn là một tình trạng cấp cứu khi cơ thể người bệnh mất một lượng lớn máu hay dịch, chiếm khoảng 20% trong tổng lượng dịch cơ thể. Giảm thể tích tuần hoàn gây ra tình trạng những hệ cơ quan trong cơ thể không được nuôi dưỡng, đe dọa đến tính mạng bệnh nhân nên những phương pháp cấp cứu sốc giảm thể tích tuần hoàn cần được thực hiện kịp thời để cứu sống bệnh nhân.
1. Sốc giảm thể tích tuần hoàn
Sốc được định nghĩa là hiện tượng dòng máu cung cấp oxy cho các tổ chức trong cơ thể bị suy giảm, khiến cho những phản ứng chuyển hóa tại những cơ quan này không thể thực hiện, ảnh hưởng đến chức năng của rất nhiều hệ cơ quan quan trọng trong cơ thể người bệnh.
Sốc giảm thể tích tuần hoàn là sốc với nguyên nhân là giảm thể tích dịch hay máu trong hệ tuần hoàn một cách đột ngột gây ra nhiều hệ quả nghiêm trọng đối với sức khỏe bệnh nhân, có thể kể đến như giảm tưới máu cho những tổ chức trong cơ thể vì thiếu oxy cung cấp cho máu, rối loạn quá trình chuyển hóa của các tế bào trong cơ thể, tổn thương hệ cơ quan do thiếu oxy nuôi dưỡng trong thời gian dài, và nghiêm trọng nhất đó là tử vong do sốc.
Nguyên nhân thường gặp nhất của sốc giảm thể tích tuần hoàn đó là chảy máu nặng, một số nguyên nhân khác có thể là giảm hay mất một lượng lớn thể tích huyết tương và nước do một số bệnh lý từ đường tiêu hóa, bệnh lý thận hoặc bệnh lý về da. Giảm thể tích tuần hoàn gây sốc có thể tiến triển nặng hơn nếu trên bệnh nhân có một số bệnh nền như đái tháo đường, bệnh lý liên quan đến thận hoặc bệnh lý về hệ tuần hoàn tim mạch. Vì gây ra những biến chứng rất nặng nề và nguy hiểm đến sự sống nên giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến sốc cần được phát hiện sớm để xử trí kịp thời nhằm bù lại phần thể tích đã mất một cách đúng và an toàn nhất.
Có rất nhiều cách để phân loại sốc giảm thể tích tuần hoàn bao gồm:
Phân loại theo nguyên nhân gây sốc: Gồm sốc mất máu xuất phát từ hoàn cảnh chấn thương hay xuất huyết đường tiêu hóa và sốc do giảm thể tích không kèm theo mất máu đến từ nhóm triệu chứng hệ tiêu hóa như nôn mửa, đi lỏng, tắc ruột hay bệnh nhân được thực hiện thủ thuật hút dạ dày, hoặc những bệnh như đái tháo nhạt, đa niệu thẩm thấu...
Phân loại theo mức độ: Gồm mức độ nhẹ (thể tích mất máu toàn phần < 20%), mức độ vừa (thể tích mất máu toàn phần trong khoảng 20% - 40%) và mức độ nặng (thể tích mất máu toàn phần > 40%).
Tùy vào mức độ mất thể tích tuần hoàn cũng như tốc độ mất thể tích, các chỉ số huyết động của bệnh nhân trước đó mà khả năng cũng như cường độ phục hồi sau giảm thể tích tuần hoàn là rất khác nhau trong từng trường hợp cụ thể. Nếu bình thường, bệnh nhân có sức khỏe tốt, huyết động ổn định thì nếu giảm thể tích tuần hoàn xảy ra chỉ rơi vào khoảng 20% - 30%. Ngược lại, với những bệnh nhân bình thường đã gặp một số vấn đề về giảm khối lượng lưu hành hoặc bệnh lý thiếu máu mãn tính, bệnh lý liên quan đến tổn thương tim và phổi thì sốc giảm thể tích tuần hoàn có thể xảy ra khi cơ thể mất một lượng dịch rất ít.
Các triệu chứng lâm sàng điển hình của giảm thể tích tuần hoàn bao gồm:
- Triệu chứng co mạch ngoại vi như da, đầu chi, môi, tai lạnh, tím, ấn móng tay thấy nhạt màu nhưng rất chậm đỏ lại như bình thường vì giảm tái đổ đầy máu.
- Mạch nhanh, nhẹ, khó bắt hay không bắt được.
- Huyết áp tâm thu tụt < 90mmHg hoặc kẹt.
- Nhịp thở nhanh
- Thiểu niệu
- Vật vã, lú lẫn, mê sảng sau đó chuyển sang trạng thái tâm thần lơ mơ và cuối cùng là hôn mê.
- Những triệu chứng của nhiễm toan chuyển hóa như thời gian đầu bệnh nhân thường nhiễm kiềm hô hấp, sau đó sẽ chuyển sang nhiễm toan chuyển hóa.
Triệu chứng cận lâm sàng có giá trị chẩn đoán trong sốc giảm thể tích tuần hoàn đó là:
- Nồng độ Natri máu tăng, nồng độ Kali máu giảm
- pH, PaCO2, PaO2 và Bicarbonate trong khí máu động mạch
- Hồng cầu và Hematocrit thường giảm nếu bệnh nhân sốc giảm thể tích tuần hoàn do mất máu
2. Cấp cứu giảm thể tích tuần hoàn
Trong cấp cứu giảm thể tích tuần hoàn thì những biện pháp xử trí được thực hiện nhằm 2 mục đích chính đó là hồi sức cho bệnh nhân và điều trị nguyên nhân dẫn đến giảm thể tích tuần hoàn.
Một số nguyên tắc chính trong xử trí cấp cứu giảm thể tích tuần hoàn đó là:
- Đánh giá sinh hiệu của bệnh nhân
- Xác định nguyên nhân giảm thể tích tuần hoàn một cách nhanh chóng
- Thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cơ bản, làm xét nghiệm tìm nhóm máu trong trường hợp bệnh nhân bị sốc mất máu.
- Truyền dịch thay thế nhanh nhất có thể.
Đối với hồi sức cho bệnh nhân thì cần lưu ý một số vấn đề như sau:
- Thực hiện những động tác hồi sức thiết yếu trên bệnh nhân như đặt tư thế bệnh nhân nằm đầu thấp, lưu ý nguy cơ sặc phổi, cho bệnh nhân thở Oxy đường mũi tần số 2 – 6 lần/phút, nếu bệnh nhân trào ngược vào phổi hay suy hô hấp và rối loạn về ý thức thì chỉ định đặt nội khí quản, tiến hành đặt 2 đường truyền tĩnh mạch chắc chắn và lớn, đặt Catheter tĩnh mạch trung tâm, đo CVP trên những bệnh nhân suy tim, giữ ấm, đặt sonde tiểu, lấy máu xét nghiệm, đo điện tim.
- Ưu tiên bù dịch và tái hồi phục huyết động cho bệnh nhân bằng cách truyền dịch Natri Clorua 0.9%, Ringer lactat truyền nhanh 500ml/15 phút cho đến khi huyết áp phục hồi 70mmHg – 80mmHg thì bắt đầu giảm tốc độ truyền dịch. Truyền dịch keo sau khi truyền dịch muối đẳng trương đạt 50ml/kg nhưng bệnh nhân vẫn còn những dấu hiệu của sốc giảm thể tích tuần hoàn. Một điều hết sức quan trọng trong vấn đề truyền dịch đó là cần phải theo dõi thật sát những chỉ số sinh tồn của bệnh nhân trong quá trình truyền. Những bệnh nhân sốc mất máu thì sẽ có chỉ định truyền máu khẩn cấp.
Đối với điều trị nguyên nhân dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn thì cần thực hiện cầm máu, tiêm xơ cầm máu đối với nguyên nhân giãn tĩnh mạch thực quản. Ngoài ra, còn có thể áp dụng cắt dạ dày, đặt ống thông Blakemore để truyền dung dịch Terlipressin Vasopressin, cắt lách hay cắt tử cung.
Tóm lại, sốc giảm thể tích tuần hoàn là một trong những bệnh lý thuộc lĩnh vực hồi sức tích cực nội khoa thường gặp, với nguyên nhân đa dạng và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Bên cạnh việc phát hiện sớm và cấp cứu sốc giảm thể tích tuần hoàn kịp thời thì việc phòng chống sốc xảy ra cũng cần được thực hiện để giảm nguy cơ tử vong nếu có sốc xảy ra. Do vậy, người bệnh cần đến bệnh viện uy tín để tiến hành thăm khám và điều trị ngay khi có dấu hiệu của sốc giảm thể tích tuần hoàn.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện uy tín hàng đầu cả nước, được đông đảo người bệnh tin tưởng thăm khám và điều trị bệnh, không chỉ được trang bị những thiết bị hiện đại và tiên tiến nhất trong nước cũng như trong khu vực.
Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu tại Khoa được đào tạo chuyên sâu, bài bản, có thể tiếp nhận và xử lý khẩn cấp các trường hợp bệnh nhân nặng. Tiếp tục phối hợp theo dõi và điều trị tại khoa hồi tích cực với những máy móc hiện đại như: Máy thăm dò huyết động xâm nhập PiCCO, máy lọc máu liên tục Prismaflex, máy thở GE Carescape R860...
Khoa có 6 phòng siêu âm, 4 phòng chụp X- quang DR (1 máy chụp toàn trục, 1 máy tăng sáng, 1 máy tổng hợp và 1 máy chụp nhũ ảnh), 2 máy chụp Xquang di động DR, 2 phòng chụp cắt lớp vi tính đa dãy đầu thu (1 máy 128 dãy và 1 máy 16 dãy), 2 phòng chụp Cộng hưởng từ (1 máy 3 Tesla và 1 máy 1.5 Tesla), 1 phòng chụp mạch máu can thiệp 2 bình diện và 1 phòng đo mật độ khoáng xương....Vinmec còn là nơi quy tụ đội ngũ các y, bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ hỗ trợ phần nhiều trong việc chẩn đoán và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của cơ thể người bệnh. Không gian được thiết kế theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.