Giai đoạn cao tuổi được xác định từ 65 tuổi. Khi những tác nhân tiêu cực ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống người cao tuổi sẽ gây ra bệnh trầm cảm. Trầm cảm ở người cao tuổi thường phối hợp với nhiều bệnh khác nên phức tạp và khó điều trị hơn.
1. Nguyên nhân trầm cảm ở người cao tuổi
Trầm cảm không chỉ phổ biến ở đối tượng trẻ nhỏ mà còn gặp nhiều ở người lớn tuổi. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ bị trầm cảm nhiều hơn nam giới gấp hai lần. Nguy cơ mắc trầm cảm cũng tăng với các bệnh lý thần kinh, tim mạch kèm theo như đột quỵ, Parkinson...
Đối với người vừa về hưu, có nhiều thay đổi gây ảnh hưởng, thậm chí đảo lộn cuộc sống của họ như:
- Thời gian trống quá nhiều: Đây chính là thay đổi, thậm chí là cú sốc lớn nhất khi bước vào giai đoạn nghỉ hưu, đặc biệt là đối với một người lao động chuyên cần, dành nhiều tâm huyết cho công việc. Khi đó, cơ thể và lối sống chưa kịp làm quen với việc được nghỉ ngơi toàn thời gian. Cảm giác nhớ công việc, nhớ các mối quan hệ công sở khiến cho người lớn tuổi không thoải mái, thậm chí có phần bức bối, dễ nóng giận vì mỗi ngày đều nhàn rỗi. Một số trường hợp về hưu trở lại làm việc vì nhiều lý do: Không cảm thấy thoải mái, cảm thấy cảm thấy vô dụng, cô đơn...
- Lo lắng về tài chính: Bước vào tuổi hưu đồng nghĩa với thu nhập giảm sút phần nào. Điều này cũng tạo cho người lớn tuổi cảm giác bất an, stress, lo lắng thiếu tự tin khi suy nghĩ về các rủi ro, nhất là về sức khỏe cho dù trước đó họ đã chuẩn bị các kế hoạch tích lũy kỹ càng cho việc nghỉ hưu. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, lo lắng tài chính ở tuổi nghỉ hưu sẽ làm tăng hormon Cortisol - gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ và tuổi thọ.
- Cảm giác là người thừa trong gia đình: Thời gian nhàn rỗi kéo dài còn gây cho người lớn tuổi cảm giác yếu thế, không có tiếng nói trong gia đình do ở nhà, ít tiếp xúc với thế giới sôi động bên ngoài. Cảm giác lạc hậu dần. Nếu không được chia sẻ và quan tâm đúng cách, suy nghĩ “mình là người thừa, gánh nặng cho con cháu” sẽ ngày càng trầm trọng, dẫn đến trạng thái cáu gắt, mệt mỏi, thậm chí trầm cảm.
- Hoạt động tình dục: Khoảng 70% nam và 20% nữ > 60 tuổi vẫn còn hoạt động tình dục. Nhiều nghiên cứu tiền cứu cho thấy xung động tình dục đa phần không giảm theo tuổi tác ở cả nam và nữ. Thuốc men có thể có tác dụng phụ ảnh hưởng lên hoạt động tình dục.
- Nhạy cảm hơn: Khi về hưu, hoạt động xã hội của người lớn tuổi sẽ giảm đi ít nhiều. Do đó, chỉ cần có mâu thuẫn nhỏ thôi với các thành viên trong gia đình cũng đủ làm người già cảm thấy tủi thân, cô đơn.
- Một người cao tuổi, thường phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, sự lão hóa, và cả cô độc. Tác động tiêu cực của bệnh lý mãn tính và cái chết của những người thân cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của người cao tuổi.
2. Một số dấu hiệu cảnh báo trầm cảm ở người cao tuổi
- Cảm giác buồn chán, trống rỗng.
- Khó tập trung suy nghĩ, hay quên.
- Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì.
- Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng, không đáng sống
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
- Hay cáu gắt, giận dữ.
- Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hằng ngày.
- Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều.
- Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
- Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa...
3. Một số chú ý về trầm cảm ở người cao tuổi
Phần lớn các trường hợp trầm cảm có xu hướng trở thành mạn tính, tỷ lệ tái diễn cao, phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn. 15% người cao tuổi trong cộng đồng và trong nhà nuôi dưỡng có triệu chứng trầm cảm. Bản thân tuổi tác không phải là yếu tố nguy cơ của trầm cảm nhưng tình trạng góa bụa và bệnh lý đa khoa mãn tính là yếu tố thúc đẩy trầm cảm xuất hiện.
Triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của rối loạn trầm cảm bao gồm giảm năng lượng và sự tập trung, vấn đề về giấc ngủ (đặc biệt là dậy sớm buổi sáng và thức giấc nhiều lần trong đêm), giảm ngon miệng, sụt cân và các than phiền về cơ thể.
So với người trẻ trầm cảm thì người cao tuổi trầm cảm thường chú ý đến các than phiền về cơ thể hơn. Họ đặc biệt dễ bị trầm cảm chủ yếu với những nét sầu uất thể hiện qua trầm cảm, sự nghi bệnh, giảm lòng tự tin, cảm giác vô giá trị và khuynh hướng tự buộc tội bản thân (đặc biệt là về tình dục và tội lỗi) kèm theo hoang tưởng paranoid và ý tưởng tự tử.
Sự suy giảm nhận thức ở bệnh nhân trầm cảm cao tuổi thường được gọi là hội chứng sa sút tâm thần của trầm cảm (giả sa sút tâm thần) và có thể dễ dàng lầm lẫn với sa sút tâm thần thật sự, chúng xuất hiện trong khoảng 15% bệnh nhân trầm cảm cao tuổi. Ngược lại có 25 - 50% bệnh nhân sa sút tâm thần bị trầm cảm.
Trầm cảm có thể kết hợp với các bệnh lý cơ thể và với những thuốc dùng để điều trị chúng nên cần phải cảnh giác về những dược phẩm có thể gây trầm cảm.
Bệnh trầm cảm ở người cao tuổi gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe tinh thần của người bệnh, kèm theo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Do đó, khi người lớn tuổi vừa về hưu, phải đối mặt với nhiều thay đổi về thời gian, sinh hoạt hay hoạt động hằng ngày, người thân, gia đình và con cháu nên quan tâm nhiều hơn đến tâm lý của người lớn mới về hưu.
Do đó, khi phát hiện ra người thân có những biểu hiện tâm lý hay trầm cảm, người nhà cũng nên đưa bệnh nhân đi khám ngay để có phương pháp điều trị cũng như các biện pháp tâm lý cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.