Trong cuộc sống nếu chẳng may phải đối diện với những chuyện như: ly dị, làm ăn phá sản hoặc người thân qua đời... chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thậm chí nhiều người còn rơi vào trạng thái trầm cảm, kiệt quệ tinh thần bởi những cú sốc về mặt tinh thần. Vậy trong trường hợp này chúng ta cần làm gì?
1. Suy sụp tinh thần là gì?
Suy sụp tinh thần hay khủng hoảng tinh thần chính là một tình trạng rối loạn lo âu dùng để miêu tả những người không có khả năng quản lý những cảm xúc căng thẳng, âu lo hoặc bất an, để cho những triệu chứng này vượt ngoài tầm kiểm soát của chính mình.
Đa phần những tình trạng suy sụp tinh thần xảy ra khi một người phải đối mặt với những hoàn cảnh, biến cố trong cuộc sống. Bên cạnh đó, suy sụp tinh thần cũng có thể là vấn đề của sự dồn nén, tích tụ quá nhiều những cảm giác căng thẳng, áp lực, mệt mỏi trong cả cuộc sống lẫn công việc mà họ không được giải tỏa được trong một thời gian dài.
Suy sụp tinh thần cũng được chia ở nhiều mức độ, có người ở thể nhẹ là vẫn có thể sinh hoạt như người bình thường nhưng họ không còn cảm xúc với mọi việc xung quanh, lúc nào cũng trong trạng thái chán nản. Còn trường hợp nặng hơn là họ mất tập trung nghiêm trọng trong công việc và không còn có thể sinh hoạt một cách bình thường.
2. Những biểu hiện của suy sụp tinh thần
Để có thể đánh giá một người họ có đang kiệt quệ tinh thần hay không, bạn có thể dựa vào một vài đặc điểm bên ngoài và cả những biểu hiện, thay đổi về tính cách, lối sống và suy nghĩ bên trong. Trong đó, một vài dấu hiệu dễ nhận biết nhất của người đang bị kiệt quệ tinh thần như:
- Cảm giác cô đơn: Những người bị bị căng thẳng kéo dài hay họ đang gặp về vấn đề tinh thần họ sẽ cảm thấy chán nản, không mấy hứng thú với những buổi gặp gỡ, vui chơi cùng bạn bè. Họ dần tự tách mình ra khỏi thế giới và thu mình lại 1 góc.
- Khả năng tập trung kém: Tinh thần đang mệt mỏi khiến họ không thể tập trung tốt vào công việc, học tập. Họ luôn có cảm giác chán nản và dễ bị phân tán. Bên cạnh đó họ cũng thường xuyên có những cảm xúc tiêu cực như buồn rầu, khóc lóc, chán nản và hay nghĩ đến cái chết.
- Luôn tự ti về bản thân: Người mắc bệnh cảm thấy bản thân mình thật vô dụng và họ chán ghét chính mình. Chính vì suy nghĩ này nên họ thường tìm những cách làm đau bản thân hoặc giày vò chính mình.
- Thường xuyên bị ảo giác: Người suy sụp tinh thần hiếm khi có được một giấc ngủ ngon mà thường xuyên bị ảo giác, ngủ không sâu giấc, thậm chí thường xuyên phải dùng đến thuốc ngủ, thuốc an thần để hỗ trợ nhằm có được giấc ngủ ngon hơn.
- Thường xuyên ốm vặt: Khi tinh thần đã không khỏe mạnh, họ cũng rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, bệnh truyền nhiễm, bởi lúc này cơ thể thật sự đang không khỏe mạnh để có đủ sức đề kháng.
Đây được coi là những dấu hiệu phổ biến của người bị suy sụp tinh thần. Khi có những biểu hiện của vấn đề sức khỏe này, bạn cần tìm cách để thoát ra được những cảm xúc tiêu cực trên một cách sớm nhất có thể.
3. Làm thế nào để vượt qua khủng hoảng tinh thần?
Suy sụp tinh thần hay kiệt quệ tinh thần vốn là một vấn đề sức khỏe khá nghiêm trọng, cần được can thiệp và điều trị sớm bởi các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. Vấn đề này cũng có thể được khắc phục và chữa khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm, đúng cách và có sự hợp tác giữa người bệnh và bác sĩ.
Thông thường việc điều trị cho người suy sụp tinh thần thường bao gồm: tư vấn tâm lý, thay đổi lối sống, dùng thuốc... và một số thay đổi về vấn đề ăn uống để giúp cải thiện tình trạng sức khỏe một cách từ từ.
Người bệnh thường được khuyến cáo nên có một chế độ ăn lành mạnh, đúng và đủ bữa với nhiều trái cây tươi, rau quả, cùng các loại hạt và vitamin cùng khoáng chất. Bên cạnh đó, người bệnh cũng được khuyên nên tập thể dục điều đó, kết hợp đi bộ, đạp xe, ngồi thiền, yoga để có được sức khỏe tốt về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Khi người bệnh có một lối sống khoa học cùng một chế độ dinh dưỡng hợp lý thì sức khỏe tinh thần và thể chất sẽ từng bước được cải thiện đáng kể, từ đó có thể vượt qua cơn khủng hoảng về tinh thần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.