Cảnh giác trẻ thở rít do mềm sụn thanh quản

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ Tiến đã có hơn 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội nhi - sơ sinh.

Thở rít là một dấu hiệu quan trọng chỉ điểm bệnh mềm sụn thanh quản ở trẻ. Chúng ta có thể nhận thấy được tiếng thở rít này từ những tuần đến những tháng đầu tiên của trẻ, nhất là khi trẻ ăn, nằm ngửa hoặc khóc lớn. Tuy hầu hết các trường hợp đều tự khỏi khi trẻ lớn lên nhưng phụ huynh vẫn cần cảnh giác khi phát hiện trẻ có biểu hiện thở rít.

1. Mềm sụn thanh quản ở trẻ là gì?

Mềm sụn thanh quản là bất thường bẩm sinh ở thanh quản dùng để mô tả tình trạng mềm của mô thanh quản và cấu trúc thượng thanh môn xẹp lại vào trong, dẫn đến hiện tượng tắc nghẽn đường hô trên, khi hít vào xuất hiện tiếng thở rít ở trẻ.

Trong những bệnh được xếp vào nhóm bất thường bẩm sinh ở thanh quản, mềm sụn thanh quản chiếm tới 60% số lượng ca mắc. Thường khi trẻ ở khoảng 4-6 tuần tuổi, bệnh sẽ được phát hiện, đôi khi cũng có thể muộn hơn 2 tháng. Mềm sụn thanh quản ở trẻ gây nên tiếng thở rít trên lâm sàng, trẻ nam gấp 2 lần trẻ nữ.


Mềm sụn thanh quản gây tắc đường hô hấp trên ở trẻ
Mềm sụn thanh quản gây tắc đường hô hấp trên ở trẻ

2. Nguyên nhân dẫn đến mềm sụn thanh quản ở trẻ

Cho đến hiện tại, nền y học thế giới vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây mềm sụn thanh quản ở trẻ em. Tuy nhiên, vẫn có một số giả thuyết về cơ chế sinh bệnh được nêu ra như:

  • Sự phát triển bất thường của sụn thanh quản
  • Thần kinh cơ chưa trưởng thành dẫn đến các bộ phận đường hô hấp ở trẻ có khả năng phối hợp kém, theo đó đường dẫn khí dễ bị phồng xẹp.

3. Biểu hiện của mềm sụn thanh quản ở trẻ

Triệu chứng của mềm sụn thanh quản là tình trạng thở rít, thở khò khè kéo dài ở trẻ. Đây chính là dấu hiệu chỉ điểm của mềm sụn thanh quản, không chỉ vậy, người lớn sẽ dễ dàng nhận thấy khi trẻ nằm ngửa hoặc khóc thì tiếng thở sẽ to hơn.

Bên cạnh đó, cũng không thể không đề cao cảnh giác khi trẻ xuất hiện những biểu hiện sau đây:

  • Trẻ gặp khó khăn trong quá trình ăn hoặc bú sữa mẹ;
  • Khó nuốt khi ăn, xuất hiện tình trạng nghẹn;
  • Thời gian bú mẹ kéo dài, có biểu hiện sụt cân hoặc tăng cân chậm;
  • Sặc, ho hoặc thường xuyên nôn mửa;
  • Do nồng độ oxy trong máu thấp dẫn đến tình trạng trẻ bị tím tái;
  • Đột ngột ngừng thở vài giây.

Ngoài ra, trường hợp bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) sẽ đi kèm theo đó chiếm đến 80%. Nếu trẻ có các biểu hiện trên, đặc biệt là tình trạng trẻ thở rít thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và có phương hướng điều trị kịp thời.


Trẻ mềm sụn thanh quản thường xuyên bị nôn trớ
Trẻ mềm sụn thanh quản thường xuyên bị nôn trớ

4. Phân loại mềm sụn thanh quản

Thông qua triệu chứng hoặc nội soi thanh quản ống mềm, bác sĩ chia bệnh mềm sụn thanh quản ở trẻ thành 3 mức độ: nhẹ, trung bình và nặng.

4.1. Mềm sụn thanh quản mức độ nhẹ

Ở mức độ này, trẻ sẽ chỉ xuất hiện triệu chứng thở khò khè và không có triệu chứng khác đi kèm. Tuy vậy, nó cũng sẽ không ảnh hưởng đến quá trình ăn uống của trẻ và bệnh thường tự khỏi sau 12-18 tháng tuổi.

4.2. Mềm sụn thanh quản mức độ trung bình

Ở mức độ trung bình, trẻ không chỉ thở rít mỗi khi hít khí vào mà thường gặp khó khăn trong quá trình ăn hoặc bú sữa mẹ. Đây cũng là giai đoạn trẻ dễ bị trớ sữa, trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) và co thắt lồng ngực nhẹ hoặc trung bình.


Mềm sụn thanh quản mức độ trung bình trẻ dễ bị trào ngược dạ dày
Mềm sụn thanh quản mức độ trung bình trẻ dễ bị trào ngược dạ dày

4.3. Mềm sụn thanh quản mức độ nặng

Đây là trường hợp rất hiếm gặp bởi khoảng 99% trẻ bị mềm sụn thanh quản bẩm sinh sẽ phân vào nhóm mức độ nhẹ hoặc trung bình. Nếu trẻ không may rơi vào mức độ này sẽ xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, khó ăn uống, sụt cân hoặc tăng cân chậm, ngừng thở vài giây hay có tình trạng cơ thể tím tái.

5. Quá trình chẩn đoán mềm sụn thanh quản ở trẻ như thế nào?

Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng thở rít cùng các triệu chứng bệnh ở trẻ để chẩn đoán mềm sụn thanh quản cũng như mức độ bệnh.

  • Trong trường hợp trẻ ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ kiến nghị cha mẹ nên tiếp tục theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bệnh. Về cơ bản, đa số các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi khi trẻ lớn dần lên.
  • Trong trường hợp trẻ ở mức độ nặng hơn, bác sĩ sẽ yêu cầu cha mẹ cho trẻ thực hiện một số các xét nghiệm để xác định chính xác tình trạng mà trẻ đang mắc phải.

Soi mũi - hầu - thanh quản chính là xét nghiệm chính được sử dụng để chẩn đoán mềm sụn thanh quản ở trẻ. Bác sĩ sẽ thực hiện nội soi thanh quản và dựa vào các hình ảnh thu thập được qua camera để có cái nhìn tổng thể hơn cả về sức khỏe lẫn cấu trúc thanh quản của người bệnh.

Ngay khi có những nghi ngờ trẻ mắc mềm sụn thanh quản, bác sĩ có thể yêu cầu gia đình để bé làm thêm các xét nghiệm khác như chụp X-quang cổ và ngực nhằm đưa ra đánh giá chính xác nhất về tình trạng của thanh quản.


Soi mũi - hầu - thanh quản là một trong những biện pháp chẩn đoán mềm sụn thanh quản
Soi mũi - hầu - thanh quản là một trong những biện pháp chẩn đoán mềm sụn thanh quản

6. Điều trị mềm sụn thanh quản ở trẻ

Điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa là hai phương pháp dùng để điều trị mềm sụn thanh quản ở trẻ.

  • Điều trị nội khoa: Vì hầu hết các trường hợp mắc mềm sụn thanh quản đều có thể tự cải thiện mà không cần điều trị.
  • Điều trị ngoại khoa: Áp dụng đối với những trường hợp nặng, tuy nhiên rất hiếm khi phải áp dụng phẫu thuật để điều trị mềm sụn thanh quản ở trẻ.

Trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) và mềm sụn thanh quản ở trẻ là hai bệnh lý có liên quan đến nhau, để tránh bệnh này trở nặng gây ảnh hưởng đến tình trạng bệnh kia, các bác sĩ sẽ điều trị trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) khi cần thiết.


Mềm sụn thanh quản tự cải thiện mà không cần điều trị.
Mềm sụn thanh quản tự cải thiện mà không cần điều trị.

7. Các biện pháp khắc phục tại nhà

Với các trường hợp mắc mềm sụn thanh quản có thể về nhà theo dõi và không cần can thiệp phẫu, gia đình bạn và trẻ vẫn có thể tiếp tục các sinh hoạt bình thường. Tuy vậy, người lớn cũng cần cẩn thận theo dõi xem bé có gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng nào khác không để kịp thời đưa đi thăm khám.

Khi chăm sóc trẻ tại nhà, bạn có thể lưu ý những điểm sau đây:

  • Hạn chế cho trẻ nằm ngửa: Nâng nhẹ đầu con lên và cho bé nằm nghiêng khi ngủ. Điều này sẽ giúp trẻ bớt thở khò khè bởi đường thở ít bị lớp mô sụn thanh quản sa vào.
  • Vệ sinh mũi họng cho trẻ trước khi ngủ: Trước giờ đi ngủ, bạn cần dùng dung dịch nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể thoa kem dưỡng môi để tránh môi bé bị khô và nứt nẻ do thường xuyên thở bằng miệng.
  • Có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày nếu việc cho ăn hoặc bú gặp trở ngại.
  • Xây dựng một chế độ ăn dặm thật hợp lý và đầy đủ dinh dưỡng. Điều này sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng cũng như đảm bảo cân nặng cho bé.
  • Cần tái khám định kỳ đúng theo yêu cầu của bác sĩ cho đến khi hoàn toàn khỏi bệnh.
  • Cho con bú đúng cách: Bởi khi mắc mềm sụn thanh quản thì trẻ sẽ xuất hiện khó khăn trong việc bú mẹ.

Có thể thấy, trẻ mắc mềm sụn thanh quản trong hầu hết mọi trường hợp sẽ tự khỏi khi lớn lên. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ phải luôn đặc biệt chú ý đến trường hợp của con, nhất là biểu hiện thở rít để có thể đưa trẻ đi khám và có hướng điều trị phù hợp. Để đảm bảo trẻ được khám và chẩn đoán mềm sụn thanh quản chính xác nhất, phụ huynh cần chọn lựa các cơ sở y tế uy tín.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý ở trẻ, hiện nay khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu ở trẻ. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu thở rít, thở khò khè kéo dài thì rất có thể trẻ đã mắc chứng mềm sụn thanh quản. Trong trường hợp này, cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe