Tắc ruột có thể xảy ra khi tình trạng táo bón kéo dài. Đây là một trong những trường hợp cấp cứu ngoại khoa phổ biến trong lĩnh vực cấp cứu ổ bụng. Nếu không được chữa trị kịp thời, tình trạng này sẽ gây tử vong. Vì vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu táo bón, người bệnh nên lập tức đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tắc ruột là gì?
Tình trạng tắc ruột xảy ra khi sự lưu thông các chất như phân, dịch, hơi, dịch tiêu hóa,... bên trong ruột bị ngưng trệ. Những chất này bị tích tụ và tạo áp lực lớn sẽ dẫn đến thủng ruột và rò rỉ các thành phần từ dạ dày vào khoang ổ bụng. Đây là một tình huống cấp cứu ngoại khoa phổ biến trong cấp cứu ổ bụng, chỉ đứng sau viêm ruột thừa.
Người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng của tắc ruột, như:
- Đầy bụng.
- Đau bụng, thậm chí co thắt dữ dội.
- Giảm vị giác.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Táo bón hoặc tiêu chảy.
- Bụng sưng phù.
Tùy vào vị trí tắc ruột mà triệu chứng bệnh sẽ khác nhau. Ví dụ, nôn thường là biểu hiện đầu tiên nếu ruột non bị tắc. Tuy nhiên, ở ruột già, triệu chứng này lại xuất hiện muộn hơn. Khi tắc ruột một phần, người bệnh sẽ gặp tình trạng tiêu chảy; ngược lại, tắc hoàn toàn có xu hướng gây táo bón tắc ruột.
2. Tại sao táo bón gây tắc ruột?
Tắc ruột có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm tắc nghẽn cơ học hoặc liệt ruột. Trong đó, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là táo bón kéo dài.
Táo bón được hiểu là khi đi đại tiện dưới 3 lần mỗi tuần và ở mức nghiêm trọng hơn là dưới một lần mỗi tuần. Tình trạng phân ứ đọng lâu ngày trong trực tràng khiến phân trở nên cứng và rắn hơn.
Hơn nữa, táo bón kéo dài lâu ngày có khả năng gây ra tắc ruột bán phần hoặc tắc ruột toàn phần, biểu hiện qua các cơn đau bụng xảy ra liên tiếp kèm theo bụng chướng, không thể đánh hơi hay đi đại tiện.

3. Chẩn đoán và điều trị bệnh
Để chẩn đoán tắc ruột, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng việc hỏi về tiền sử bệnh lý và thực hiện khám lâm sàng bằng cách khám ổ bụng. Một số dấu hiệu lâm sàng dễ nhận thấy bao gồm tình trạng sưng phù ở vùng bụng, chướng bụng hoặc có bướu.
Hơn nữa, nhằm tìm ra vị trí cụ thể của tắc ruột, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp CT hoặc chụp X-quang ổ bụng. Trong trường hợp tắc nghẽn ở ruột già, người bệnh sẽ cần thực hiện nội soi hoặc chụp cản quang nhằm quan sát ruột.
Trong số các trường hợp cấp cứu ngoại khoa, đây là một trong những trường hợp cần được điều trị kịp thời và nhanh chóng, không nên tự ý xử lý tại nhà. Khi đó, nhân viên y tế sẽ tiến hành đặt một ống mềm qua miệng hoặc mũi để giảm thiểu khí và dịch trong khoang bụng.
Thông thường, phẫu thuật là cần thiết cho hầu hết các trường hợp tắc ruột do táo bón. Người bệnh sẽ được truyền dịch liên tục trong khoảng từ 6 đến 8 giờ để tránh tình trạng mất nước, phục hồi điện giải và ngăn ngừa sốc trong quá trình phẫu thuật. Nếu có mô ruột bị hoại tử tại vị trí tắc, việc cắt bỏ là cần thiết. Một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh bao gồm:
- Kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng.
- Thuốc chống nôn.
- Thuốc giảm đau.

4. Cách phòng ngừa bệnh
Người bệnh nên lưu ý những điều sau để phòng ngừa tắc ruột:
- Uống đủ nước.
- Tập thể dục thể thao thường xuyên.
- Xây dựng thói quen ăn uống từ từ, nhai kỹ, chia thức ăn thành những miếng nhỏ và nghiền nát trước khi nuốt.
- Thay vì chỉ ăn ba bữa chính, người bệnh hãy chia thành nhiều bữa nhỏ trong suốt cả ngày.
- Tiêu thụ đủ lượng chất xơ theo nhu cầu cơ thể.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để đảm bảo sức khỏe.
Tình trạng tắc ruột xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là táo bón. Đây được coi là một tình huống cấp cứu ngoại khoa và nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử một phần của ruột, thậm chí là thủng ruột gây ra nhiễm trùng nặng và sốc. Do đó, việc điều trị táo bón ngay lập tức là rất quan trọng nhằm ngăn ngừa tình trạng kéo dài. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt để phòng tránh táo bón và tắc ruột.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.