Tay chân miệng là bệnh xảy ra quanh năm, đặc biệt là từ tháng 4 - 6 và tháng 9 - 12. Trẻ đã từng mắc bệnh tay chân miệng vẫn có thể tái nhiễm nhiều lần, vì vậy các bậc phụ huynh không nên chủ quan với các triệu chứng bệnh. Đặc biệt, cần cảnh giác loét miệng trong tay chân miệng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
1. Tay chân miệng có thể nhiễm nhiều lần trong đời
Những trẻ đã từng mắc bệnh tay chân miệng sẽ có miễn dịch tự nhiên đối với virus gây bệnh, tuy nhiên miễn dịch này nhìn chung yếu và không có khả năng chống lại virus sau này. Siêu vi trùng đường ruột gây bệnh tay chân miệng có rất nhiều loại. Do đó có khả năng đợt này trẻ mắc loại virus này, đợt sau có thể mắc loại khác, vì vậy phụ huynh không được chủ quan lơ là và cho rằng tay chân miệng chỉ mắc 1 lần trong đời.
Trên lâm sàng, có khoảng 90% các trường hợp bệnh tay chân miệng ở trẻ em đều ở thể nhẹ và có thể tự điều trị tại nhà, trong vòng 7 – 10 ngày bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng như vậy, phụ huynh luôn luôn phải chú ý đến một số điều khi điều trị tay chân miệng tại nhà giúp trẻ nhanh khỏi, tránh được các biến chứng nặng có thể xảy ra.
2. Cảnh giác loét miệng trong tay chân miệng ở trẻ
Viêm loét miệng và bệnh tay chân miệng là 2 bệnh lý có triệu chứng khá giống nhau, đều có sự xuất hiện của các vết loét đỏ gây tổn thương ở khoang miệng. Tuy nhiên, 2 căn bệnh này cũng có những dấu hiệu riêng biệt giúp các bậc cho phụ huynh có thể dễ dàng nhận biết.
Loét miệng hay còn gọi là đẹn miệng khá giống với triệu chứng loét miệng trong tay chân miệng. Khi loét miệng xảy ra, vết loét thường chỉ có một vết duy nhất, trẻ vẫn có thể có triệu chứng đau miệng, chảy nước miếng và sốt nhẹ kèm theo. Đối với loét miệng trong tay chân miệng, ngoài một vết loét sẽ có thêm những vết chấm loét xung quanh.
Vì vậy, các bậc phụ huynh cần hết sức cảnh giác, khi thấy trẻ xuất hiện các nốt loét miệng điển hình theo mô tả nêu trên, bố mẹ cần cần tìm kỹ ở lòng bàn tay, bàn chân, mông của trẻ để phát hiện thêm những vết loét khác nếu có.
Nhiều trường hợp trẻ nổi bóng nước ở các vị trí đặc biệt và kín đáo như rìa ngón tay, kẽ ngón do đó phụ huynh cần quan sát thật kỹ, đồng thời kiểm tra bé có dấu hiệu sốt, giật mình hay không. Ngoài ra, hiện tượng sốt, biếng ăn, chảy nước miếng của bệnh tay chân miệng cũng rất dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu mọc răng ở trẻ.
3. Cảnh giác 2 dấu hiệu vô cùng quan trọng trong bệnh tay chân miệng
Khi nhận thấy trẻ sốt đột ngột, sốt kéo dài từ ngày thứ 2 trở lên, sốt cao không hạ được, uống thuốc hạ sốt có thể cải thiện nhưng hết thuốc lại tái sốt, kèm theo dấu hiệu chảy nước miếng nhiều, lúc này phụ huynh cần chú ý trẻ sốt có khả năng là do bệnh tay chân miệng, thậm chí bệnh tay chân miệng của trẻ lúc này có thể đang trở nặng lên hơn.
Một dấu hiệu đáng chú ý thứ hai là tình trạng giật mình, khi trẻ bắt đầu bước vào giấc ngủ, đang thiu thiu ngủ thì trẻ giật mình, hốt hoảng, sau đó chới với bắn cả tay chân lên, đây là dấu hiệu giật mình của bệnh tay chân miệng (một số bé khi bệnh sẽ luôn ôm mẹ, muốn mẹ ở bên cạnh, không rời mẹ, khi rời mẹ trẻ sẽ hốt hoảng và cảm thấy chới với).
4. Phụ huynh cần làm gì khi trẻ bị bệnh tay chân miệng?
Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng và được cho phép điều trị tại nhà, lúc này các bậc cha mẹ nên chú ý chăm sóc bé thật tốt để con mau khỏi bệnh:
- Cho trẻ uống thuốc theo toa bác sĩ, thường là các thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất. Do bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó phương pháp điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ sốt > 38 độ, thường dùng Paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần (uống), có thể lặp lại mỗi 4 - 6 giờ khi trẻ sốt lại;
- Cần cung cấp dinh dưỡng đầy đủ theo độ tuổi của trẻ, cho trẻ ăn nhưng thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa, tránh thức ăn chua, cay, nồng... Nếu trẻ vẫn còn bú mẹ, người mẹ hãy tích cực cho trẻ bú thật nhiều để đảm bảo dinh dưỡng giúp con chống lại bệnh tật;
- Đối với các vết loét miệng trong tay chân miệng, phụ huynh có thể sử dụng các gói thuốc tráng niêm mạc dạ dày được bào chế dưới dạng sữa nhũ dịch (như phosphalugel, varogel hoặc trimafort...), sau đó cho trẻ ngậm nuốt 1-2ml/lần họa bôi nhẹ nhàng vào các vết loét, thuốc có tác dụng làm dịu cơn đau, sử dụng trước khi đến bữa ăn giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn khi vết loét miệng trong tay chân miệng tiếp xúc với thức ăn và trẻ cũng ăn được nhiều hơn;
- Đảm bảo vệ sinh răng miệng cho trẻ thật sạch sẽ;
- Cho trẻ nghỉ học tại trường, chỉ nghỉ ngơi tại nhà, tránh kích thích vào các vết loét, ban trên da và cần cách ly nghiêm ngặt với trẻ khác để tránh lây nhiễm bệnh;
- Đưa trẻ đi tái khám mỗi 1 - 2 ngày/lần, liên tục trong 8 - 10 ngày đầu của bệnh. Nếu trẻ sốt cần cho trẻ đi tái khám bác sĩ mỗi ngày cho đến khi trẻ hết sốt, ít nhất 48 giờ. Cần theo dõi và cách ly trẻ đủ 10 ngày tại nhà để hạn chế lây lan cho bạn bè trong lớp;
Trường hợp trẻ có biểu hiện một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng sau đây phụ huynh cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay, kể cả trong đêm:
- Thở bất thường;
- Quấy khóc liên tục;
- Khó ngủ hoặc ngủ li bì, ngủ gà;
- Giật mình, hốt hoảng, chới với;
- Ngồi không vững, đi loạng choạng;
- Run tay, run chân, co giật
- Vã mồ hôi nhiều;
- Nôn ói, bỏ ăn, bỏ bú trầm trọng;
- Yếu tay, yếu chân;
- Da nổi bông, da nổi vân tím hoặc chuyển sang màu xanh tái.
Khi trẻ hết sốt, các bóng nước và các nốt ban da trên lòng bàn tay, bàn chân của trẻ sẽ mờ dần và mất đi, tay chân miệng thường không để lại sẹo, lúc này trẻ được xem là đã khỏi bệnh.
Bệnh tay chân miệng là căn bệnh phổ biến thường gặp ở trẻ, nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Khi trẻ được chẩn đoán mắc bệnh, cha mẹ cần chú ý chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng và đặc biệt chú ý đến các vết loét miệng của trẻ. Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.