Nếu không nắm rõ các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ thì rất dễ nhầm với bệnh lý khác có triệu chứng tương đồng, từ đó dẫn đến điều trị sai cách và gia tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Trong quá trình chăm sóc trẻ, nhiều bậc phụ huynh băn khoăn không biết trẻ bị tay chân miệng có kiêng gió không?
1. Trẻ bị bệnh tay chân miệng có được ra gió không?
Chân tay miệng (hay tay chân miệng) là bệnh truyền nhiễm do virus cấp tính Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em và lây lan mạnh mẽ theo mùa.
Việc kiêng cữ tốt và áp dụng các phương pháp điều trị khoa học sẽ giúp trẻ nhanh khỏi bệnh và không để lại biến chứng. Theo đó bị tay chân miệng có ra gió được không là băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh.
Vậy tay chân tay miệng có phải kiêng gió không? Người lớn, đặc biệt là các thế hệ trước trong gia đình thường tin rằng khi trẻ nhỏ bị bất cứ một căn bệnh nào thì cũng nên kiêng ra ngoài. Vì thế trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng cũng không ngoại lệ, trẻ phải mặc nhiều quần áo và giữ kín ở trong nhà.
Tuy nhiên theo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa Nhi thì tay chân miệng có kiêng gió không? Dưới góc nhìn y học, việc làm này không hoàn toàn đúng. Nếu trẻ bị tay chân miệng được bao bọc quá kín thì các vi khuẩn tồn tại ở các sang thương trên da sẽ càng có cơ hội phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, không bác bỏ quan điểm trên, bố mẹ cũng không được để con ra ngoài lúc trời gió to hoặc để gió từ bất kỳ nguồn nào tạt trực tiếp vào người trẻ trong giai đoạn phát bệnh. Nếu làm như vậy, bệnh tay chân miệng của trẻ dễ trở nên nghiêm trọng hơn, kéo theo những biến chứng khác như hoại tử, nhiễm trùng.
Điều bố mẹ cần làm khi chăm sóc con là giữ vệ sinh cho con sạch sẽ, giữ các vết loét ở trạng thái thoáng khí. Cho trẻ chơi thoải mái trong phòng sạch sẽ, không được để gió mạnh lùa trực tiếp vào phòng, chỉ cần duy trì sự lưu thông không khí vừa phải, giúp căn phòng của trẻ được thông thoáng.
Lưu ý trong thời gian bị bệnh tay chân miệng, bố mẹ nên hạn chế đưa trẻ ra ngoài do lúc này sức đề kháng của bé khá yếu ớt, rất dễ mắc những bệnh lý khác nhau như sốt, cảm cúm. Có thể thấy, bố mẹ không cần giữ con quá kín nhưng cũng nên hạn chế để trẻ tiếp xúc trực tiếp với gió mạnh, đặc biệt là khi tắm cho trẻ.
2. Vậy trẻ bị tay chân miệng có kiêng tiếp xúc với nước không?
Theo diễn tiến của bệnh tay chân miệng, sau khoảng 7 – 10 ngày kể từ ngày xuất hiện triệu chứng của bệnh tay chân miệng, các nốt mụn nước sẽ vỡ ra và dần dần khô lại. Do đó có rất nhiều bậc phụ huynh cho rằng nếu tắm cho trẻ trong giai đoạn mụn nước chưa vỡ sẽ làm các nốt mụn nước vỡ ra, vì vậy bố mẹ đã quyết định kiêng tắm cho con để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Tuy nhiên đây là quan niệm rất sai lầm, vì kiêng tắm sẽ khiến các vi khuẩn có hại trên da trẻ không được loại bỏ, bệnh tay chân miệng sẽ lâu khỏi hơn thậm chí còn gia tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Do đó, bố mẹ nên vệ sinh cơ thể cho con thật sạch sẽ để loại bỏ các vi khuẩn có hại và giảm bớt cảm giác khó chịu trên da bé.
Lưu ý khi tắm cho con, bố mẹ không được chà xát mạnh lên da bé. Bố mẹ có thể lau rửa sạch sẽ cơ thể của con bằng các loại xà phòng sát khuẩn do bác sĩ chuyên khoa Nhi tư vấn và chỉ định sử dụng.
3. Trẻ bị tay chân miệng cần kiêng những gì?
Có thể thấy trẻ bị tay chân miệng không cần kiêng nước, kiêng gió, vậy trẻ cần kiêng cữ những hoạt động nào cho mau khỏi bệnh? Những việc mà trẻ nên tránh khi mắc bệnh tay chân miệng gồm:
- Kiêng tiếp xúc với trẻ khác: tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất nhanh, khi trẻ mắc bệnh bố mẹ cần kiêng cho con tiếp xúc với những trẻ khác. Nếu trẻ đang đi học thì nên cho trẻ nghỉ học khoảng 10 – 14 ngày để tránh lây truyền bệnh. Nếu trẻ chưa đi học, bố mẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi ở nhà, không được tiếp xúc với trẻ khác. Ngoài ra, bố mẹ không được cho con dùng chung các vật dụng cá nhân như thìa, cốc, khăn tắm, đồ chơi... với các thành viên khác ở trong gia đình. Những người trực tiếp chăm sóc trẻ như bố mẹ, ông bà phải thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay bằng bằng xà phòng tiệt khuẩn;
- Kiêng chạm tay hoặc gãi các vết thương trên da: cảm thấy rất khó chịu khiến trẻ có xu hướng muốn sờ những vết mụn nước dẫn đến bội nhiễm. Các nốt phát ban nên được giữ sạch sẽ và không nên che đậy, rửa sạch vùng da bệnh bằng xà phòng và nước ấm sau đó lau khô. Nếu vết ban nổi phồng rộp hãy chấm thuốc mỡ kháng sinh giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và có thể tạm thời băng bó lại bằng một miếng băng nhỏ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Người lớn không được chạm vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi của trẻ dễ khiến trẻ đau, sợ hãi, biếng ăn. Không dùng muối, chanh hoặc các loại thuốc liền da, chống viêm không phải bác sĩ chỉ định. Lưu ý không dùng thuốc xanh để bôi cho trẻ vì khả năng viêm nhiễm rất cao, nếu muốn bôi thuốc cần tham khảo ý kiến bác sĩ về thời điểm nên bôi cũng như loại thuốc phù hợp;
- Không nên cho người trẻ uống quá nhiều loại thuốc bổ hoặc các loại vitamin trong thời gian điều trị bệnh tay chân miệng;
- Không cho trẻ ăn đồ cay nóng, kém vệ sinh và không rõ nguồn gốc sẽ khiến miệng trẻ đau đớn, khó chịu. Các loại thực phẩm chứa nhiều axit như cam, chanh cũng nên hạn chế sử dụng khi trẻ đang mắc tay chân miệng. Nếu quá trình ăn uống khiến trẻ bị đau sẽ gây ra tâm lý sợ hãi, bỏ ăn khiến sức khỏe của trẻ suy giảm. Chỉ nên cho trẻ ăn thức ăn mềm và để nguội trước khi cho con ăn.
- Không ép trẻ ăn: nếu trẻ từ chối bữa ăn, bố mẹ không nên cưỡng ép con, vì hành động đó sẽ khiến bé sợ hãi. Nếu trẻ ăn được ít mẹ có thể cho con uống sữa hoặc ăn sữa chua để bù lại. Chú ý cho con ăn thêm nhiều hoa quả, trái cây thanh mát để tăng cường vitamin. Trẻ đang bú mẹ cần cho bé bú thành nhiều lần trong ngày, cho bú càng nhiều càng tốt.
Qua bài viết này chúng tôi hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của các bậc phụ huynh về việc “Trẻ bị bệnh tay chân miệng có kiêng gió không?”. Để được tư vấn cụ thể hơn về cách điều trị tay chân miệng cũng như những việc cần kiêng cữ, bố mẹ có thể đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ xuất hiện dấu hiệu bệnh đầu tiên.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý ở trẻ, hiện nay khoa Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu ở trẻ. Do đó, nếu trẻ có dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng thì cha mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn từ các bác sĩ và các chuyên gia sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.