Trẻ bị hăm cổ là tình trạng bệnh lý ngoài da thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là giai đoạn sơ sinh. Mặc dù trẻ bị hăm cổ nổi mụn thường không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị đúng cách thì có thể dẫn đến tình trạng viêm da, loét da khiến bé khó chịu.
1. Trẻ bị hăm cổ là do đâu?
Cổ là một trong những vùng da thường hay bị hăm nhất trên cơ thể của trẻ sơ sinh, nếu không được giữ vệ sinh hằng ngày tại những khu vực da có nhiều nếp gấp thì sẽ dẫn đến hăm, khiến cho trẻ có cảm giác ngứa, khó chịu và đau rát trong những trường hợp tiến triển nặng hơn.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị hăm ở cổ như là:
- Trẻ không được lau và vệ sinh vùng cổ sau khi bú sữa nên bị đọng sữa ở khu vực này;
- Mồ hôi đổ ra nhiều ở cổ và không được lau khô;
- Dùng quá nhiều phấn rôm khiến da của bé bị bít tắc lỗ chân lông nên dẫn đến hăm;
- Nguyên nhân do nấm ở da cổ;
- Áo quần của trẻ gây ra những cọ xát với bề mặt da khiến trẻ bị hăm cổ.
Đặc điểm có thể quan sát được ở vết hăm cổ đó là bề mặt thường bằng phẳng, màu sắc vết hăm đỏ nhẹ, có thể có triệu chứng trẻ bị hăm cổ nổi mụn... Vì da của trẻ sơ sinh rất mỏng, nhạy cảm nên dễ bị kích ứng với những tác nhân ở môi trường xung quanh gây ra hăm da, dị ứng và viêm loét da.
2. Cách trị hăm cổ ở trẻ
Một số phương pháp có thể giúp cải thiện tình trạng trẻ bị hăm ở cổ cũng như lưu ý trong quá trình chăm sóc da cho trẻ đó là:
- Tắm cho trẻ đều đặn mỗi ngày, sau đó lau khô và mặc những loại áo quần thoáng mát;
- Không nên quấn khăn cho trẻ quá nhiều vì thân nhiệt của bé cao hơn so với người lớn;
- Cho trẻ vui chơi, sinh hoạt ở những khu vực thoáng mát;
- Tắm lá cũng là phương pháp được một số bậc cha mẹ áp dụng, một số loại lá thường được sử dụng đó là lá trầu không, lá búp ổi non, lá khổ qua, lá chè xanh... với đặc tính kháng khuẩn nên giúp da vùng cổ của trẻ dịu và mát lên rất nhiều. Tuy nhiên, vì da của trẻ rất nhạy cảm nên trước khi tắm cho trẻ thì cần phải tìm hiểu rõ nguồn gốc của lá, rửa những loại lá này thật sạch, loại đi tất cả những bụi bẩn có trên lá, đun với nước sôi, để nguội và khi tắm thì pha thêm với nước lạnh;
- Kem bôi hăm ngoài da mà cha mẹ có thể sử dụng để trị hăm cho bé đó là Sudocrem. Cách sử dụng thuốc này đó là sau khi tắm rửa sạch sẽ, lau khô cho bé thì bôi một lớp mỏng thuốc này lên vùng da bị hăm của bé, lưu ý là chỉ lấy một lượng nhỏ để có hiệu quả với vết hăm. Ngoài ra, vì trẻ có thể bị dị ứng với thuốc nên trước khi bôi thuốc lên vùng da bị hăm thì có thể bôi lên da tay trước để xem có dấu hiệu của dị ứng hay không;
- Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đều đặn, nếu trong thời gian ăn dặm thì tăng cường uống nước cho trẻ;
- Không được dùng những thuốc bôi ngoài da dành cho người lớn lên da của trẻ.
Một số trường hợp cha mẹ cần lưu ý để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời đó là:
- Trẻ bị hăm cổ ngày càng nặng hơn sau khoảng 10 ngày điều trị;
- Trẻ bị hăm cổ kèm theo sốt;
- Trẻ bị mọc những hạt mụn nước, phồng rộp cũng như có mủ trên da;
- Vùng da bị hăm của trẻ bị chảy máu hay rỉ máu;
- Vùng da cổ bị hăm trở nên chai và cứng hơn so với những vùng da xung quanh.
Trẻ bị hăm cổ tưởng chừng là một tình trạng ngoài da không nặng nề nhưng nếu xử lý không đúng cách thì có thể gây ra những tình trạng bệnh lý nặng hơn. Vì vậy, khi có những biểu hiện bất thường về da cổ của trẻ thì cha mẹ nên chú ý hơn về việc giữ vệ sinh, đồng thời cho trẻ đến những cơ sở y tế có chuyên môn để được khám, chẩn đoán và điều trị trong những trường hợp tiến triển nặng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.