Trẻ bị hăm tã do nhiễm trùng nấm men

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Mặc dù các vết phát ban do hăm tã gây ra là vì da trẻ nhạy cảm, thường xuyên bị ẩm ướt, kém vệ sinh thì tình trạng hăm tã cũng có thể phát triển do quá nhiều nấm men tại chỗ. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt được hăm tã do nhiễm trùng nấm men. Do đó, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường trên vùng da của trẻ, phụ huynh cần đưa bé đến cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị chuyên biệt.

1. Hăm tã do nhiễm trùng nấm men là gì?

Hầu hết các vết hăm tã xảy ra có liên quan đến sự suy giảm tính toàn vẹn của da chứ không phải do bất kỳ bệnh nhiễm trùng cụ thể nào. Độ axit của nước tiểu và phân cũng như tình trạng ẩm ướt mãn tính là tất cả các yếu tố gây ra hăm tã ở trẻ em. Tuy nhiên, đôi khi nhiễm trùng bề mặt da là một yếu tố gây ra hăm tã. Nguyên nhân lây nhiễm phổ biến nhất của chứng hăm tã do nhiễm trùng nấm men chính là nấm Candida albicans gây nên.

Loại nấm này phát triển tốt nhất ở những nơi ẩm ướt, chẳng hạn như dưới tã ướt hoặc bẩn. Trẻ sơ sinh hoặc có mẹ đang dùng thuốc kháng sinh khi đang cho con bú cũng sẽ có nhiều khả năng bị hăm tã do nhiễm trùng nấm men.

Tình trạng phát ban tã do nấm có thể bắt đầu bằng dấu hiệu các mô xung quanh hậu môn bị mềm và vỡ ra. Vùng nhiễm trùng có màu đỏ, nhô cao, có thể nhìn thấy chất dịch dưới da. Các mụn đỏ bị nhiễm trùng nhỏ, nổi lên là mụn mủ vệ tinh xuất hiện ở ngoại vi của phát ban. Những mụn mủ vệ tinh này là đặc điểm của chứng hăm tã do nấm Candida và cho phép phân biệt dễ dàng chứng hăm tã do nhiễm trùng nấm men với các loại hăm tã khác như phát ban do tiếp xúc (gây kích ứng). Vị trí thường gặp của hăm tã do nhiễm trùng nấm men có thể xuất hiện trên đùi, nếp nhăn ở bộ phận sinh dục, bụng và ngay tại bộ phận sinh dục. Trong khi đó, hăm tã do tiếp xúc không liên quan đến những vùng này vì đây là các lớp da chồng lên nhau, "bảo vệ" vùng da đó khỏi tiếp xúc với các chất kích ứng độc hại.

Ngoài ra, nấm da ở trẻ em do Candida có thể đến từ đường tiêu hóa trên, đường tiêu hóa dưới hoặc tiếp xúc từ người chăm sóc. Phát ban tã do Candida có thể đi kèm với nhiễm nấm Candida ở miệng (tưa miệng). Trẻ sơ sinh bú mẹ bị tưa miệng có thể vô tình lây nhiễm sang vùng núm vú/quầng vú của người mẹ.

2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây hăm tã do nhiễm trùng nấm men là gì?

Nhu cầu mặc tã là yếu tố góp phần chính của hăm tã, bao gồm cả hăm tã do nhiễm trùng nấm men. Đồ lót bằng vải cotton phù hợp hơn nhiều để da có thể thở và ngăn ngừa môi trường mà nấm men phát triển, trong khi tã vải và tã dùng một lần không thấm hút đều sẽ góp phần thuận lợi cho nấm men phát triển.

Song song đó, nhiều bác sĩ nhi khoa tin rằng nhiễm trùng nấm men trong miệng trẻ sơ sinh (tưa miệng) là một yếu tố nguy cơ phát triển bệnh viêm da tã lót do nấm men. Cuối cùng, việc sử dụng kháng sinh uống gần đây cũng có thể khuyến khích sự phát triển quá mức của nấm men đường ruột.


Nấm Candida albicans là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hăm tã do nhiễm trùng nấm men
Nấm Candida albicans là nguyên nhân chính gây ra tình trạng hăm tã do nhiễm trùng nấm men

3. Các triệu chứng phát ban trong hăm tã do nhiễm trùng nấm men

Các triệu chứng tại chỗ khi trẻ hăm tã do nhiễm trùng nấm men bao gồm:

  • Phát ban đỏ đậm có trong đường viền hơi nhô lên.
  • Mụn nhọt, mụn nước, vết loét hoặc vết loét chứa đầy mủ.
  • Chỉ phát ban dưới tã, không lây lan sang các vùng khác.
  • Vùng da đỏ hoặc có vảy (đối với trẻ trai trên tinh hoàn và dương vật, đối với trẻ gái trên môi âm hộ và âm đạo).
  • Có các tổn thương vệ tinh hoặc các mảng đỏ nhỏ hơn kết nối với các mảng khác.

Nếu các triệu chứng của bé vẫn tiếp diễn sau một vài ngày dù đã tích cực thay tã kịp thời, làm sạch và khô vùng quấn tã cũng như sử dụng kem bôi hăm tã không kê đơn thì đó là một dấu hiệu có thể góp phần khẳng định cho thấy nấm men là thủ phạm gây hăm tã.

4. Điều trị hăm tã do nhiễm trùng nấm men cho trẻ như thế nào?

Cha mẹ hay người chăm sóc có thể không cần đưa con mình đến bác sĩ để điều trị chứng hăm tã do nhiễm trùng nấm men. Tuy nhiên, tốt nhất là nên liên hệ với bác sĩ nhi khoa nếu có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào để chắc chắn rằng trẻ có bị nhiễm trùng nấm men hay không.

Trong đa số các trường hợp, những bệnh nhiễm trùng như vậy có thể thuyên giảm bằng cách làm sạch tại chỗ kết hợp với các thuốc bôi ngoài da không kê đơn. Cụ thể là có ba loại kem chống nấm dễ tìm, gồm Mycostatin (nystatin), Lotrimin (clotrimazole) và Monistat-Derm (miconazole micatin). Việc sử dụng loại nào nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa nếu không chắc chắn.

Nếu tình trạng nhiễm trùng da không thuyên giảm sau 4 đến 7 ngày điều trị như trên, trẻ cần phải được thăm khám và đánh giá. Kem hydrocortisone 1% cũng có thể được chỉ định cho các trường hợp phát ban da do hăm tã nghiêm trọng.

Song song với việc dùng các loại kem chống nấm, cha mẹ và người chăm sóc cũng cần giữ cho khu vực này luôn sạch sẽ, khô ráo cũng như cố gắng dành một khoảng thời gian có thể không mặc tã trong ngày.

Các cách chăm sóc trẻ tại nhà sau đây có thể giúp điều trị, ngăn ngừa hăm tã do nhiễm trùng nấm men và cả các nguyên nhân khác cho trẻ:

  • Thay tã thường xuyên.
  • Giữ cho da sạch và khô.
  • Dùng khăn lau không có cồn và không có mùi.
  • Vệ sinh với xà phòng nhẹ nhàng và nước ấm.
  • Xem xét sử dụng một miếng dán hàng rào để giúp bảo vệ da.
  • Lựa chọn sử dụng các sản phẩm không mùi cho da của trẻ.

Tốt nhất nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ biện pháp điều trị tại nhà nào trên da của trẻ sơ sinh, ngay cả các sản phẩm tự nhiên, chẳng hạn như tinh dầu, đều có thể gây hại.


Hăm tã do nhiễm trùng nấm men điều trị bằng cách giữ vệ sinh và kết hợp với các thuốc bôi
Hăm tã do nhiễm trùng nấm men điều trị bằng cách giữ vệ sinh và kết hợp với các thuốc bôi

5. Khi nào trẻ bị hăm tã cần phải đi khám?

Hãy đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế nếu trẻ sơ sinh bị sốt hoặc phát ban bắt đầu chảy mủ, có vết loét hở, mụn nhọt hoặc mụn nước. Điều này có thể cho thấy tình trạng hăm tã có nhiễm trùng do vi khuẩn và cần được chăm sóc y tế chuyên bệt.

Nếu em bé dưới 6 tuần tuổi, tốt nhất là vẫn nên tham khảo với bác sĩ để đảm bảo rằng cha mẹ hay người chăm sóc đang điều trị hăm tã đúng cách.

6. Làm cách nào để ngăn ngừa hăm tã do nhiễm trùng nấm men?

Giữ cho mông của bé luôn sạch sẽ và khô ráo là cách phòng ngừa và điều trị tốt nhất đối với chứng hăm tã do nhiễm trùng nấm men. Đồng thời, những lời khuyên sau đây cũng có thể giúp trẻ tránh được vấn đề này trong tương lai:

  • Tránh dùng khăn lau cho em bé có nước hoa hoặc cồn.
  • Đảm bảo rằng tã vải được giặt hai đến ba lần trong máy giặt và không sử dụng chất làm mềm vải hoặc nước hoa.
  • Thay tã cho trẻ ngay khi trẻ đi tiểu hoặc đi ngoài phân sống.
  • Làm sạch vùng quấn tã nhẹ nhàng bằng nước ấm mỗi lần thay tã.
  • Để trẻ có cơ hội thoáng khí cho làn da bằng cách hạn chế mặc tã trong nửa giờ nhiều lần một ngày.
  • Vỗ nhẹ vùng da cho khô hoặc để khô trong không khí trước khi mặc tã mới
  • Tránh đóng tã quá chật, vì có thể gây kích ứng da.
  • Sử dụng tã thấm hút tốt, thoáng khí để tránh giữ ẩm trên da của bé.
  • Rửa tay trước và sau khi thay tã.

Nếu cha mẹ, người chăm sóc hay bản thân trẻ đang cần dùng thuốc kháng sinh, hãy tích cực áp dụng các biện pháp phòng ngừa này.

Tóm lại, da trẻ phát ban, nổi mẩn đỏ vì hăm tã luôn khiến cha mẹ rất lo lắng. Mặc dù tình trạng này khá thường gặp, hăm tã do nhiễm trùng nấm men sẽ nhanh chóng cải thiện nếu phát hiện sớm, bôi kem chống nấm kết hợp với vệ sinh da cẩn thận tại chỗ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe