Hội chứng chèn ép tủy gây ra những cơn đau nhức kéo dài, nóng rát nhiều vị trí, tê, yếu các chi làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của người bệnh. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị kịp thời sẽ còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Chèn ép tủy sống là gì?
Tủy sống là bó dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu qua lại từ não đến cơ bắp và các mô mềm khác. Ở lưng, tủy sống được đốt sống bảo vệ. Các dây thần kinh của tủy sống sẽ chạy qua các khe hở giữa các đốt sống và đến các cơ bắp.
Chèn ép tủy sống là xuất hiện những khối phát triển trong ống sống, đè ép trực tiếp lên ống sống và rễ thần kinh, mạch máu ở trong ống sống, dẫn đến tắc nghẽn đám rối tĩnh mạch ngoài bao cứng và những hậu quả do sự xâm lấn của khối bệnh lý phát triển này. Chèn ép tủy sống có thể xảy ra bất cứ nơi nào từ cổ (cột sống cổ) xuống lưng dưới (cột sống thắt lưng).
2. Nguyên nhân gây chèn ép tủy sống
Những tác động chấn thương từ bên ngoài gây áp lực lên tủy sống cũng sẽ dẫn đến hội chứng chèn ép tủy. Chèn ép tủy sống phân thành 3 cấp độ:
2.1. Chèn ép tủy sống cấp tính
Phát triển trong vòng vài phút tới vài giờ. Nguyên nhân:
- Chấn thương: như gãy xương đốt sống với các mảnh gãy lệch ra khỏi vị trí, thoát vị đĩa đệm cấp tính, chấn thương xương hoặc dây chằng nghiêm trọng gây ra tụ máu, thoái hóa đốt sống hoặc trật khớp
- Khối u di căn
- Áp xe hoặc tụ máu ngoài màng cứng tự phát cũng có thể gây ra tình trạng này
2.2. Chèn ép tủy sống bán cấp
Phát triển sau vài ngày tới vài tuần. Nguyên nhân:
- Khối u di căn
- Áp xe dưới màng cứng hoặc ngoài màng cứng
- Khối máu tụ
- Thoát vị đĩa đệm cổ hoặc lồng ngực (hiếm xảy ra)
2.3. Chèn ép tủy sống mãn tính
Phát triển qua nhiều tháng hoặc nhiều năm. Nguyên nhân:
- Xương nhô vào ống tủy sống ở cổ, lồng ngực hoặc thắt lưng (có thể do loãng xương, thoái hóa cột sống, ống sống bị hẹp xảy ra trong hẹp ống sống)
- Tình trạng chèn ép có thể nặng thêm do thoát vị đĩa đệm và phì đại dây chằng vòng (các dây chằng hỗ trợ xương sống).
- Các nguyên nhân ít phổ biến hơn gây chèn ép tủy mạn tính bao gồm dị dạng động mạch và khối u ngoài tủy xương phát triển chậm.
Ngoài ra, trật đốt đội trục và các bất thường ở phần dưới xương sọ và 2 đốt sống cổ đầu tiên có thể gây chèn ép tủy sống cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính.
Các tổn thương chèn ép tủy sống cũng có thể đè nén rễ thần kinh hoặc làm tắc nghẽn tủy sống cung cấp máu, gây nhồi máu tủy sống (trong những trường hợp hiếm).
3. Dấu hiệu, triệu chứng khi bị chèn ép tủy sống
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây chèn ép, các triệu chứng có thể phát triển đột ngột hoặc dần dần. Các triệu chứng bao gồm:
- Đau và cứng ở cổ, lưng hoặc thắt lưng
- Đau rát lan ra cánh tay, mông hoặc xuống chân (đau thần kinh tọa)
- Tê, chuột rút hoặc yếu ở cánh tay, bàn tay hoặc chân
- Mất cảm giác ở bàn chân
- Gặp khó khăn với sự phối hợp tay hoặc chân
- Yếu ở một bàn chân, khiến người bệnh đi khập khiễng
- Không còn ham muốn tình dục.
Tình trạng chèn ép các dây thần kinh ở vùng thắt lưng (lưng dưới) cũng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn được gọi là hội chứng chùm đuôi ngựa. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng dưới đây, cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế gần nhất:
- Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang
- Tê nghiêm trọng hơn giữa hai chân, đùi trong và mặt sau của chân
- Đau dữ dội và yếu ở một hoặc cả hai chân, khiến bạn khó đi lại hoặc đứng dậy khi ngồi.
4. Đối tượng có nguy cơ bị chèn ép tủy sống
Theo thống kê, cứ 100 người bị ung thư thì có 3-5 người xuất hiện hội chứng chèn ép tủy. Bởi gần như các loại ung thư đề sẽ di căn tới xương.
5. Kỹ thuật chẩn đoán chèn ép tủy xương
Quá trình chẩn đoán bệnh kết hợp việc thăm khám, kiểm tra thể chất và kết quả các xét nghiệm chuyên sâu. Theo đó, đầu tiên các bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về những triệu chứng bất thường xuất hiện trên cơ thể trong thời gian gần đây. Sau đó, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu như:
- Chụp X-quang cột sống để phát hiện sự chèn ép bất thường lên các dây thần kinh. X-quang cũng có thể cho thấy một sự liên kết bất thường ở cột sống.
- Chụp MRI hoặc CT giúp đánh giá cấu trúc tủy sống
- Quét xương, điện cơ đồ EMG nhằm phân tích và đánh giá hoạt động hệ thống cơ.
Dựa theo kết quả từ những xét nghiệm chuyên sâu trên, các bác sĩ sẽ đưa ra nguyên nhân gây bệnh và kết luận phù hợp cùng với một phác đồ điều trị hiệu quả.
6. Phương pháp điều trị chèn ép tủy sống
Các phương pháp chính trong việc điều trị hội chứng tủy bị chèn ép hiện nay bao gồm:
- Sử dụng thuốc Tây y: Với những trường hợp mắc bệnh do ảnh hưởng các vấn đề xương khớp hoặc chấn thương thì các loại thuốc Tây y thường sử dụng cho người bệnh là thuốc chống viêm không chứa steroid, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do khối u hoặc áp xe thì sẽ sử dụng loại thuốc đặc trị khác.
- Thực hiện xạ trị để thu nhỏ các khối u đang chèn ép tủy sống.
- Áp dụng các bài vật lý trị liệu: Song song với việc sử dụng thuốc Tây y, người bệnh nên áp dụng thêm các bài tập vật lý trị liệu tại nhà như massage, xoa bóp vùng lưng đau nhức, châm cứu thần kinh cột sống, chườm nóng/ lạnh,.. Phương pháp này để hỗ trợ giảm triệu chứng của bệnh.
- Phẫu thuật: Nếu bệnh không đáp ứng những biện pháp trên thì cần tiến hành phẫu thuật, bằng cách loại bỏ các gai xương và mở rộng không gian giữa các đốt sống. Các thủ thuật khác có thể được thực hiện để giảm áp lực lên cột sống hoặc sửa chữa đốt sống bị gãy.
7. Biện pháp phòng ngừa nguy cơ tủy sống bị chèn ép
Có thể ngăn ngừa các triệu chứng chèn ép tủy từ từ bằng cách giữ cho lưng luôn khỏe mạnh nhất có thể, như:
- Điều chỉnh tư thế làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tập thể dục thường xuyên. Nên dành ra 30 – 40 phút mỗi ngày để tập luyện thể thao, nâng cao sức đề kháng, tăng cường cơ bắp hỗ trợ lưng, xương khớp dẻo dai và giúp giữ cho cột sống linh hoạt.
- Duy trì tư thế tốt và học cách nâng vật nặng một cách an toàn.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân quá nhiều có thể gây áp lực nhiều hơn lên lưng. Nó có thể góp phần phát triển các triệu chứng chèn ép cột sống.
Hội chứng chèn ép tủy sống gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh. Do đó nên thăm khám định kỳ để kịp thời phát hiện và có những biện pháp điều trị trong thời gian sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.