Các cơn đau vùng thắt lưng ảnh hưởng đến hàng triệu người mỗi năm. Phần lớn bệnh nhân sẽ cải thiện mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu đau lưng dữ dội thì đó có thể là triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng hơn nhưng ít được biết đến và thường bị chẩn đoán nhầm, đó chính là hội chứng chùm đuôi ngựa (CES).
1. Hội chứng chùm đuôi ngựa là gì?
Tủy sống nằm trong ống sống, kết thúc ở phần trên của cột sống thắt lưng. Các rễ thần kinh riêng rẽ ở đoạn cuối của tủy sống lại tiếp tục đi dọc bên trong ống sống. Những dây thần kinh này có chức năng gửi, nhận tín hiệu thần kinh từ hai chân và các cơ quan vùng chậu như bàng quang, trực tràng. Do đó, chúng chi phối vận động, cảm giác cho đôi chân và bàng quang, trực tràng. Vì có hình dạng như đuôi ngựa nên được gọi với tên đám rối thần kinh đuôi ngựa.
Hội chứng chùm đuôi ngựa (CES) là tình trạng các rễ của đám rối thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép, làm ảnh hưởng đến chức năng vận động, cảm giác, đến hai chi dưới và bàng quang, trực tràng. Biến chứng nặng nề nhất của CES là tình trạng tiểu không tự chủ và tê liệt hai chân vĩnh viễn. Bệnh nhân bị hội chứng này thường nhập viện trong tình trạng cấp cứu.
2. Nguyên nhân hội chứng chùm đuôi ngựa
- Thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng: đây là nguyên nhân hay gặp nhất của CES. Đĩa đệm sẽ thoái hóa tự nhiên theo tuổi, các dây chằng cố định nó bắt đầu yếu đi. Do đó nếu kéo căng quá mức hoặc chấn thương vùng cột sống thắt lưng có thể gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm và biến chứng hội chứng chùm đuôi ngựa.
- Các khối u hoặc tổn thương cột sống.
- Nhiễm trùng tại cột sống.
- Hẹp ống sống bẩm sinh hoặc mắc phải do chấn thương.
- Chấn thương trực tiếp cột sống thắt lưng (hỏa khí, té ngã, tai nạn ô tô).
- Bất thường bẩm sinh như dị dạng động tĩnh mạch cột sống (AVM).
- Xuất huyết tủy sống.
- Các biến chứng sau phẫu thuật cột sống thắt lưng hoặc gây tê tủy sống.
3. Các dấu hiệu của hội chứng chùm đuôi ngựa
Bệnh nhân bị đau lưng kèm với các triệu chứng gợi ý sau đây nên cảnh giác với CES:
- Đau dữ dội thắt lưng, kém đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường.
- Yếu liệt cơ, rối loạn hoặc mất cảm giác kèm theo đau một hoặc thường gặp hơn là đau cả hai chân.
- Có thể mất cảm giác vùng chậu.
- Rối loạn chức năng bàng quang mới xuất hiện gần đây (như bí tiểu hoặc tiểu khó).
- Mất tự chủ trong đại tiểu tiện mới xuất hiện.
- Rối loạn cảm giác của bàng quang hoặc trực tràng.
- Rối loạn chức năng sinh dục mới xuất hiện.
- Mất phản xạ ở chân.
Các yếu tố gợi ý kèm theo:
- Chấn thương vùng thắt lưng gần đây.
- Phẫu thuật cột sống thắt lưng hoặc gây tê tủy sống gần đây.
- Nhiễm trùng nặng gần đây.
- Tiền sử ung thư.
Các triệu chứng và mức độ nặng của CES phụ thuộc vào mức độ chèn ép và các rễ thần kinh nào đang bị ảnh hưởng. Các triệu chứng này có thể tiến triển chậm theo thời gian và thay đổi liên tục.
Các bệnh thường dễ chẩn đoán nhầm với CES là: bệnh thần kinh ngoại biên, chèn ép tủy và bệnh đám rối thắt lưng cùng do sự kích thích hoặc chèn ép các dây thần kinh sau khi chúng đi ra khỏi cột sống và đi vào vùng chậu.
Xét nghiệm giúp chẩn đoán hội chứng chùm đuôi ngựa:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) dựng hình ảnh ba chiều, sử dụng từ trường và công nghệ máy tính. MRI cho hình ảnh của tủy sống, rễ thần kinh và các khu vực xung quanh.
- Chụp X quang ống sống sau khi tiêm chất cản quang vào khoang dịch não tủy (còn gọi là Myelogram) cho thấy hình ảnh tủy sống hoặc các dây thần kinh trong ống sống bị đẩy lệch do thoát vị nhân đệm, gai xương, khối u...
4. Điều trị Hội chứng chùm đuôi ngựa CES
Bệnh nhân khi có các triệu chứng và dấu hiệu gợi ý như trên nên đến bệnh viện khám ngoại thần kinh càng nhanh càng tốt.
Khi CES được chẩn đoán, nguyên nhân được xác định, phẫu thuật khẩn cấp là điều trị thường được lựa chọn để cứu vãn các bất thường trong chức năng thần kinh do CES gây ra, tránh các biến chứng nguy hiểm như: liệt 2 chân và đại tiểu tiện không tự chủ.
Phẫu thuật trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng của hội chứng chùm đuôi ngựa giúp cải thiện đáng kể các khiếm khuyết cảm giác, vận động hai chi dưới và chức năng bàng quang, trực tràng. Nhưng ngay cả sau 48 giờ thì bệnh nhân cũng có thể hồi phục đáng kể hơn là các trường hợp không được phẫu thuật.
Sự phục hồi chức năng của bàng quang và trực tràng thường sẽ chậm hơn chức năng vận động hai chi dưới, có khi quá trình này mất nhiều năm sau khi điều trị và còn phụ thuộc vào mức độ chèn ép các rễ thần kinh trước đó.
Các điều trị khác kèm theo tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, ví dụ liều cao corticosteroid giúp giảm phù nề sau phẫu thuật, kháng sinh nếu nguyên nhân do nhiễm trùng và dự phòng nhiễm trùng sau mổ.
Nếu nguyên nhân do một khối u thì xạ trị hoặc hóa trị sẽ được cân nhắc sau phẫu thuật.
5. Chăm sóc sau phẫu thuật CES
Mất kiểm soát tự chủ trong đại tiểu tiện là vô cùng khổ sở cho bệnh nhân, gây tác động không nhỏ đến cuộc sống, công việc và các mối quan hệ của bệnh nhân. Đồng thời, rối loạn chức năng tình dục tác động rất nhiều đến tâm lý của bệnh nhân cũng như bạn tình, dẫn đến trục trặc trong mối quan hệ và trầm cảm. Tùy thuộc vào những hạn chế của mình, người bệnh có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ:
- Vật lý trị liệu.
- Nhân viên tư vấn xã hội.
- Chuyên gia tư vấn việc kiểm soát đại tiểu tiện.
- Bác sĩ chuyên khoa tình dục.
Chuyên khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ điều trị CES nói riêng cũng như các bệnh lý liên quan đến yếu tố thần kinh nói riêng. Người bệnh được khám và điều trị bằng các phương pháp ngoại khoa bao gồm: Phẫu thuật nội soi, vi phẫu thuật, can thiệp nội mạch, phẫu thuật tạo hình, mổ và cấy ghép... thực hiện bởi các bác sĩ, nhân viên y tế chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại, mang lại hiệu quả khám chữa bệnh tối ưu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.