Một bệnh nhân A (43 tuổi), vào tháng 3 năm 2024 đã đi khám sức khỏe định kỳ tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội và được chẩn đoán phát hiện khối tổn thương ở vú trái kích thước 12x5 mm, được phân loại theo thuật ngữ chuyên môn là BIRADS 4a. Sau khi được tư vấn, bệnh nhân đã tiến hành phẫu thuật bóc u tại cơ sở y tế thăm khám. Khối u sau phẫu thuật được gửi đi giải phẫu bệnh nhằm giúp các bác sĩ xác định khối u là lành tính hay ác tính. Kết quả cho thấy bệnh nhân mắc ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS).
Chưa hết lo lắng, bệnh nhân quyết định sang Singapore để thực hiện thêm PET-CT (một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư) và MRI (chụp cộng hưởng từ) nhằm đánh giá kỹ càng hơn tình trạng tổn thương (mặc dù PET-CT là không cần thiết đối với bệnh lý DCIS). Tuy nhiên, kết quả cho thấy bệnh nhân vẫn còn phần u sót lại sau cuộc phẫu thuật trước đó và một lần nữa, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lại để cắt rộng giường khối u (khu vực có khối u).
Bệnh nhân quyết định trở về bệnh viện ban đầu để thực hiện phẫu thuật bảo tồn (phẫu thuật loại bỏ khối u nhưng vẫn bảo tồn mô tuyến vú). Tuy nhiên, tại đây, bệnh nhân không được các bác sĩ chỉ định đánh giá diện cắt trong mổ nhằm đảm bảo loại bỏ hoàn toàn tổn thương, giảm thiểu nguy cơ tái phát và di căn. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng như không được tư vấn đầy đủ về chỉ định cũng như hiệu quả của phương pháp xạ trị bổ trợ và bệnh nhân chỉ được điều trị Nội tiết Nolvadex 20mg/ngày trong 4 tháng tiếp theo.
Nhận thấy sự thiếu sót này, bệnh nhân lo lắng và quyết định tìm đến Trung tâm Vú tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để nhận tư vấn đầy đủ hơn.
Tại đây, bệnh nhân được chỉ định chụp MRI để đánh giá tổng quan về khu vực phẫu thuật cũng như toàn bộ mô vú còn lại. Kết quả MRI cho thấy, bệnh nhân có những ổ tổn thương ngấm thuốc bất thường ở vú trái, gần vị trí phẫu thuật, nghi ngờ cao vẫn còn ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS). Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tổn thương này hoàn toàn không quan sát được trên siêu âm nên muốn điều trị, các bác sĩ cần thực hiện dưới sự hướng dẫn của MRI.
Trước tình huống này, thông thường có hai phương án được đưa ra:
1. Bệnh nhân có thể ra nước ngoài để thực hiện sinh thiết dưới hướng dẫn của MRI, nhưng phương án này tương đối tốn kém và mất nhiều công sức đi lại.
2. Theo dõi sát tổn thương bằng MRI mỗi 6 tháng, tuy nhiên bệnh nhân sẽ phải sống trong lo lắng vì có một tổn thương nghi ngờ trong người.
Tuy nhiên, đội ngũ bác sĩ của Trung tâm Vú đã lựa chọn một hướng đi khác. TS.BS Nguyễn Thu Hương - Trưởng đơn nguyên Vú, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã dành nhiều giờ thảo luận, tìm cách đánh giá tương quan giữa hình ảnh tổn thương trên MRI và siêu âm cũng như xác định mối liên quan của tổn thương với các đặc điểm giải phẫu như núm vú, cơ ngực và vết sẹo mổ.
Sáng hôm sau, một đội ngũ gồm 5 bác sĩ, bao gồm chuyên gia chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ ung thư nội khoa và bác sĩ can thiệp, đã có mặt từ sớm để thực hiện chụp lại tổn thương bằng MRI không tiêm thuốc, đánh dấu vị trí và xác định lại tổn thương trên siêu âm. Sau khi xác định chính xác vị trí, các bác sĩ đã tiến hành sinh thiết hút chân không dưới hướng dẫn của siêu âm trong gần 3 tiếng đồng hồ.
Kết quả giải phẫu bệnh cuối cùng đã khẳng định những nghi ngờ ban đầu: bệnh nhân vẫn còn ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS) sót lại sau hai cuộc phẫu thuật trước đó. Với tình hình như vậy, chắc chắn bệnh nhân sẽ cần phải chuẩn bị cho cuộc mổ thứ 3 trong vòng vài tháng ngắn ngủi.
Việc thăm khám để chẩn đoán ung thư vú là một quá trình đòi hỏi nhiều yếu tố từ trang thiết bị, máy móc tới chuyên môn của các bác sĩ. Nếu bệnh nhân đến Trung tâm Vú ngay từ đầu, quá trình chẩn đoán và điều trị có thể đã được tối ưu hóa, từ đó giảm bớt những khó khăn và rủi ro như bệnh nhân này đã phải đối mặt.
Khi đến với Trung tâm Vú - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, người bệnh sẽ được:
- Chẩn đoán chính xác bằng phương pháp ít xâm lấn hơn: Ngay ban đầu, bệnh nhân sẽ được đánh giá mô bệnh học của tổn thương bằng Phương pháp sinh thiết kim lõi hoặc sinh thiết hút chân không – những phương pháp ít xâm lấn. Nhờ đó, người bệnh sẽ tránh được một cuộc mổ đầu tiên không cần thiết.
- Lập kế hoạch điều trị tối ưu từ ban đầu: Thay vì trải qua nhiều lần phẫu thuật và phải ra nước ngoài để kiểm tra, bệnh nhân sẽ được tư vấn, giải thích chi tiết về tình trạng bệnh và các phương pháp điều trị. Bên cạnh đó, thông qua hội chẩn giữa các bác sĩ chuyên gia đầu ngành, bệnh nhân có thể được chỉ định phương pháp phẫu thuật tối ưu ngay từ đầu, như cắt rộng giường u kèm theo đánh giá diện cắt để đảm bảo toàn bộ khối u đã được loại bỏ.
- Giảm căng thẳng và chi phí điều trị: Nếu bệnh nhân được điều trị đầy đủ và chính xác ngay từ đầu thì sẽ tránh được các lo âu không cần thiết, các chuyến đi phức tạp ra nước ngoài và chi phí cao cho các chỉ định không phù hợp (như chụp PET-CT) hay các cuộc phẫu thuật hay sinh thiết bổ sung.
Qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của việc lựa chọn đúng cơ sở y tế chuyên sâu ngay từ ban đầu để đảm bảo nhận được chẩn đoán và phác đồ điều trị ung thư chính xác, kịp thời. Tại Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City, sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa và sử dụng những công nghệ tiên tiến luôn được ưu tiên, giúp bệnh nhân xác định chính xác tình trạng bệnh và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả, tránh những biến chứng không mong muốn. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy sự tận tâm và chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ đóng vai trò then chốt trong quá trình hồi phục của người bệnh, giúp họ có cơ hội cao hơn để chiến thắng bệnh tật.