Căng thẳng công việc làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do bệnh tim

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ cao cấp, Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Từ trước đến nay mọi người đều biết rằng căng thẳng có thể gây ra cơn đau tim ở những người đã mắc bệnh tim. Nghiên cứu mới từ Phần Lan cho thấy căng thẳng trong công việc còn làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong vì bệnh tim. Như vậy, stress kéo dài cũng được xem là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tử vong do bệnh tim ở bất kỳ ai.

1. Số liệu từ nghiên cứu

Nghiên cứu đã theo dõi hơn 800 công nhân (cả nam và nữ) tại một nhà máy gia công kim loại ở Phần Lan trong 25 năm nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa công việc và căng thẳng. Không ai trong số những người tham gia bị bệnh tim khi nghiên cứu bắt đầu, nhưng vào thời điểm kết thúc nghiên cứu đã có 73 người đã chết vì bệnh tim.

Sau khi tính đến các yếu tố nguy cơ rõ ràng như tuổi tác, hút thuốc, huyết áp cao, thừa cân và lối sống ít vận động, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những nhân viên bị căng thẳng trong công việc có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao gấp đôi so với những người không cảm thấy căng thẳng khi làm việc. Những người lao động cảm thấy yêu cầu công việc quá cao, tính bấp bênh và không ổn định, ít cơ hội thăng tiến và cảm thấy công việc của mình không bổ ích cũng có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao gấp đôi.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những người cho biết cảm thấy stress kéo dài khi làm việc có cùng nguy cơ tử vong vì bệnh tim như những người hút thuốc và không tập thể dục. Căng thẳng trong công việc cũng liên quan đến tình trạng thừa cân và lượng cholesterol cao.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu, không rõ liệu nguy cơ tử vong do bệnh tim gia tăng là do những thay đổi sinh lý trong cơ thể xuất hiện để phản ứng với căng thẳng mãn tính hay do căng thẳng là một yếu tố khiến sức khỏe tổng thể kém hơn.

Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới và Lao động Quốc tế báo cáo làm việc quá sức dẫn đến 745.000 ca tử vong do đột quỵ và bệnh tim trong năm 2016 (tăng 29% kể từ năm 2000). Nghiên cứu của WHO cho thấy làm việc nhiều hơn 55 giờ/ tuần có liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ khoảng 35% và nguy cơ tử vong do thiếu máu cục bộ cao hơn 17% so với chế độ làm việc 35 - 40 giờ/ tuần. Tổ chức này cũng chỉ ra tác động xấu này đặc biệt nổi bật đối với nam giới, bởi có tới 72% trường hợp tử vong liên quan đến làm việc quá sức xảy ra ở phái mạnh.


Người bị căng thẳng trong công việc có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao
Người bị căng thẳng trong công việc có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao

2. Ý kiến của các chuyên gia

Mặc dù kiểm soát tình trạng stress kéo dài sẽ có lợi cho sức khỏe tổng thể, nhưng Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho biết có rất ít bằng chứng trực tiếp cho thấy việc giảm căng thẳng có hiệu quả phòng ngừa hoặc điều trị bệnh tim.

Mức tăng gấp đôi số ca tử vong do bệnh tim được báo cáo trong nghiên cứu trên vẫn ít hơn sự gia tăng nguy cơ bệnh tim liên quan đến 3 yếu tố chính: Hút thuốc, huyết áp cao và cholesterol cao. Nghiên cứu cho thấy những người có cả 3 yếu tố nguy cơ này thì nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao gấp 16 lần so với những người không có.

Chuyên gia y tế dự phòng cho biết rất có thể căng thẳng trong công việc góp phần gây ra bệnh tim, nhưng nếu không có 3 yếu tố nguy cơ chính trên thì tác động không thực sự lớn. Do đó mọi người không nên chỉ tìm cách đối phó với căng thẳng trong công việc, mà bỏ qua những yếu tố rủi ro khác quan trọng hơn.

3. Dấu hiệu căng thẳng trong công việc

Số giờ làm việc nhất định (ít/ nhiều hơn 8 giờ/ ngày, 5 ngày/ tuần) không phải lúc nào cũng có thể dùng để chỉ ra bạn có đang làm việc quá sức hay không. Thay vào đó, những dấu hiệu cho thấy công việc đang khiến bạn mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe mà bạn nên chú ý là:

  • Tâm lý: Cảm thấy đầu óc mơ hồ, khó giải quyết vấn đề, mắc lỗi bất cẩn, nóng nảy hoặc khả năng chịu đựng các vấn đề xảy ra trong công việc thấp hơn.
  • Thể chất: Cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, căng thẳng hoặc không thể thư giãn, buồn nôn hoặc đau bụng.
  • Tình cảm: Hay lo lắng, có tâm lý sợ hãi, sợ đi làm hoặc cảm thấy bơ vơ.
  • Giữa các cá nhân: Tránh đồng nghiệp dù không có mâu thuẫn gì, xung đột nhiều hơn với những người ở công ty hoặc người thân ở nhà, “chuyện bé xé ra to”.
  • Hành vi: Thường nói rằng mình ốm, phạm lỗi nhiều, ngủ ít, uống rượu hoặc sử dụng thuốc kích thích nhiều hơn.

Căng thẳng trong công việc cũng liên quan đến tình trạng thừa cân và lượng cholesterol cao
Căng thẳng trong công việc cũng liên quan đến tình trạng thừa cân và lượng cholesterol cao

4. Cách bảo vệ sức khỏe khi làm việc

Ngay cả khi biết mình đang làm việc quá sức và bị stress kéo dài, nhiều người vẫn không thể rời bỏ công việc của mình. Theo chuyên gia trị liệu tâm lý, điều quan trọng là phải đối phó với căng thẳng hoặc kiệt sức để tránh dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Bạn có thể bắt đầu chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình ngay cả trong giờ làm việc bằng cách:

  • Dành thời gian để ăn trưa, đi dạo hoặc thậm chí thiền để thư giãn. Những bước nhỏ này không chỉ giúp bạn giảm căng thẳng mà còn tăng năng suất về lâu dài.
  • Thiết lập ranh giới trong công việc. Hãy rõ ràng về phạm vi công việc mà bạn có thể đảm nhận và nói không với những thứ ngoài trách nhiệm. Nếu bạn có thể chủ động sắp xếp lịch trình của mình, hãy thêm thời gian nghỉ giữa các cuộc hẹn hoặc cuộc họp (dù chỉ 5 phút cũng có giá trị).
  • Dành thời gian trong lúc di chuyển đến cơ quan hoặc vào cuối ngày để đọc sách, nghe nhạc hoặc thực hiện một số hoạt động thể chất - bất cứ điều gì giúp giải tỏa căng thẳng tích tụ và gây hại cho sức khỏe. Đây là thời gian để bạn ngừng suy nghĩ, lo toan về điều gì khác mà chỉ chăm sóc bản thân.
  • Tránh làm việc thêm giờ thường xuyên và kéo dài

Tóm lại, căng thẳng công việc làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do bệnh tim. Vì vậy, khi nhận thấy bản thân đang làm việc quá sức và stress kéo dài, điều quan trọng là bạn phải đối phó với căng thẳng và chăm sóc sức khỏe tinh thần đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe