Cách thoát khỏi bệnh sán dây ở người

Bệnh sán dây ở người xuất phát từ thói quen ăn thịt bị nhiễm bệnh còn sống hoặc chưa được nấu chín. Điều trị sán dây ở người cần áp dụng nguyên tắc: điều trị từ sớm, dùng đủ liều và sử dụng thuốc đặc hiệu.

1. Tổng quan bệnh sán dây ở người

Một vài loại sán gây ra bệnh sán dây ở người có thể kể đến sán dây bòsán dây lợn. Sán dây có thể ký sinh trong cơ thể người bệnh dưới 2 hình thức:

  • Sán dây trưởng thành: Người bệnh thường có biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, cảm giác khó chịu, bứt dứt do sán dây phát triển trong ruột. Để chẩn đoán xác định, có thể cần xét nghiệm phân để tìm đốt sán và trứng sán dây.
  • Ấu trùng sán dây: Có thể xuất hiện các nốt dưới da cỡ hạt đỗ, hạt lạc, dễ di động, không đau không ngứa, nằm trên vị trí cơ vân, da, mắt và hệ thần kinh trung ương. Ấu trùng sán có khả năng gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Người bệnh có thể bị động kinh, co giật, liệt tay/chân hoặc liệt nửa người, đau đầu dữ dội, rối loạn trí nhớ, nói ngọng, tăng nhãn áp, giảm thị lực (thậm chí có thể mù lòa nếu có nang sán trong mắt).

2. Cơ chế nhiễm bệnh sán dây ở người

Ổ chứa chính của sán dây trưởng thành là ở ruột non của con người. Trong khi đó ấu trùng sán lại sống ký sinh trong tổ chức của người và một số động vật như: lợn, trâu, bò, dê, cừu, ngựa, lạc đà, thỏ, chó, mèo...

  • Thời gian ủ bệnh của sán dây trưởng thành là từ 8-10 tuần, còn ấu trùng sán dây lợn là từ 9-10 tuần.
  • Thời gian truyền nhiễm: Sau 10 tuần tồn tại trong ruột non của con người, những đốt sán già tự rụng ra ngoài hậu môn hoặc theo phân bài tiết ra ngoài. Trong các đốt sán có chứa nang trứng sán dây, khi rữa ra sẽ giải phóng trứng và nếu người vô tình ăn phải sẽ bị mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn.

Bệnh sán dây ở người có thể được điều trị bằng 1 liệu trình ngắn thông qua các thuốc tẩy giun
Bệnh sán dây ở người có thể được điều trị bằng 1 liệu trình ngắn thông qua các thuốc tẩy giun

3. Cách điều trị sán dây ở người

3.1. Điều trị bệnh sán dây ở người

Bệnh sán dây ở người có thể được điều trị bằng 1 liệu trình ngắn thông qua các thuốc tẩy giun như: Albendazole, Praziquantel và Niclosamide. Dưới đây là gợi ý liệu trình điều trị để người bệnh tham khảo:

  • Cách 1: Praziquantel (viên 600mg - liều dùng 15-20mg/kg), uống liều duy nhất sau khi ăn 1 giờ;
  • Cách 2: Niclosamide (viên 500mg - liều dùng 5-6 mg/kg), uống liều duy nhất khi đang đói, sau 2 giờ tẩy Magie sulphat 30mg kèm theo uống thật nhiều nước (khoảng 1,5-2 lít).

Tuy nhiên phác đồ trên chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu như bạn hoặc người thân trong gia đình xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh sau khi ăn thịt sống hoặc thịt chưa nấu chín (tái), hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và kê đơn phù hợp với tình trạng sức khỏe, thể trạng.

3.2. Điều trị ấu trùng sán dây ở người

Riêng với bệnh ấu trùng sán lợn, việc chẩn đoán không dễ dàng bởi cơ chế sản sinh của sán và thời gian từ khi người bệnh ăn thực phẩm nhiễm sán đến khi biểu hiện triệu chứng có thể khác biệt. Định hướng chung trong điều trị bệnh sán dây ở người là:

  • Điều trị từ sớm, áp dụng đủ liều và sử dụng thuốc đặc hiệu;
  • Điều trị hỗ trợ khi cần thiết để nâng cao sức khỏe, thể trạng của người nhiễm sán dây;
  • Chống chỉ định điều trị với các đối tượng: Phụ nữ đang mang thai, những người bị bệnh cấp tính, suy tim, suy thận, suy gan, bệnh tâm thần, cơ địa dị ứng với thuốc cần dùng.

Người bệnh có thể tham khảo phác đồ điều trị dưới đây:

  • Cách 1: Praziquantel (viên 600mg - liều 15mg/kg/lần), ngày chia 2 lần trong 10 ngày. Uống 2,3 đợt, mỗi đợt cách nhau từ 10-20 ngày.
  • Cách 2: Albendazole (liều 7,5mg/kg/lần), ngày chia 2 lần trong 30 ngày. Uống 2,3 đợt, mỗi đợt cách nhau từ 10-20 ngày. Trước đó, người nhiễm sán dây cần tẩy sán trưởng thành bằng liều Praziquantel duy nhất từ 15-20 mg/kg.

Việc điều trị triệt để nang sán thường áp dụng tại các bệnh viện tuyến huyện trở lên, bởi bệnh này đòi hỏi một quá trình điều trị lâu dài, các biện pháp hỗ trợ và thậm chí cả phẫu thuật trong một số trường hợp. Do vậy, nếu thấy bản thân hoặc người thân có những triệu chứng của bệnh ấu trùng sán lợn, hãy thông báo ngay cho bác sĩ để thực hiện xét nghiệm Taenia và có định hướng điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe