Cách sử dụng thuốc lợi tiểu quai

Các thuốc lợi tiểu quai có tác dụng làm tăng thải nước và muối ra khỏi cơ thể bằng đường nước tiểu. Loại thuốc này chủ yếu thường được chỉ định trong điều trị cao huyết áp và một số loại bệnh khác.

1. Cơ chế tác dụng của thuốc lợi tiểu quai

Thành phần Natri trong cơ thể được lọc phần lớn (98% – 99%) thông qua cầu thận và được tái hấp thu tại ống thận, đặc biệt là tại ống lượn gần (60 – 65%) và tại quai Henle (20%). NaCl được vận chuyển tại các tế bào của nhánh lên của quai Henle thông qua quá trình đồng vận chuyển Na-K-2Cl.

Các thuốc lợi tiểu quai gây ức chế trực tiếp quá trình tái hấp thu natri, kali và clo bằng cách cạnh tranh với kênh clo của quá trình đồng vận chuyển tại đoạn phình to của ngành lên quai Henle, làm tăng thải trừ các ion Natri, Clo và ion Kali. Do đó, có đến 20 – 25% lượng Natri thải ra được lọc qua cầu thận. Các thuốc lợi tiểu quai còn có hoạt tính gây tăng thải Calci và Magne nhờ sự ức chế tái hấp thu NaCl gây ra ức chế sự tái hấp thu các cation hoá trị II như Calci và Magne.

Ở bệnh nhân không bị phù, thuốc lợi tiểu quai vẫn được chỉ định trong trường hợp tăng huyết áp nhờ làm giảm nồng độ ion Natri ngoại bào và thành mạch sẽ làm tăng tác dụng điều hòa huyết áp và làm giảm tác dụng của các hormon gây co mạch (như ADH).

2. Uống thuốc lợi tiểu có tác dụng gì?

  • Cơ thể sẽ tăng thải Natri mạnh trong những giờ đầu sau khi sử dụng thuốc. Sau đó, tác dụng này yếu đi do sự phối hợp giữa tình trạng giảm thể tích và sự kích thích các cơ chế nhằm giữ Natri.
  • Tác dụng trực tiếp của các thuốc lợi tiểu quai là làm giảm thể tích huyết tương nên gây ra tình trạng giảm lưu lượng tim. Khi đó, cơ chế bù trừ không hoàn toàn là sự tăng trở kháng ngoại vi toàn bộ.
  • Các cơ chế bù trừ có tác dụng chống lại sự thải natri sau khi một lượng natri bị đào thải qua nước tiểu bao gồm hoạt hoá hệ thần kinh giao cảm và hoạt hoá hệ renine – angiotensine – aldosterone (hệ RAA) và. Các hormone noradrenaline, angiotensine và aldosterone gây kích thích quá trình tái hấp thu natri tại ống thận.
  • Cho đến hiện nay, hiệu quả của việc dùng thuốc lợi tiểu trong thời gian dài vẫn gây nhiều tranh cãi. Thể tích tuần hoàn trở nên không tiếp tục giảm và kém hơn lúc dùng thời kỳ đầu. Dừng điều trị sẽ làm thể tích tuần hoàn tăng trở lại.

Một số thuốc lợi tiểu quai thường được sử dụng bao gồm Torsemide, Furosemide, Bumetanid, Axit ethacrynic.

3. Chỉ định sử dụng thuốc lợi tiểu quai

Chỉ định sử dụng của thuốc lợi tiểu quai gồm có:

  • Bệnh nhân có tình trạng phù các do các nguyên nhân như tim (suy tim), gan (xơ gan) và thận (suy thận, hội chứng thận hư, viêm cầu thận).
  • Đối với bệnh nhân suy thận mạn tính, việc sử dụng nhóm lợi tiểu thiazide ít hiệu quả còn lợi tiểu giữ kali trở lên nguy hiểm do nguy cơ làm tăng kali máu. Do đó, các thuốc lợi tiểu quai là lựa chọn hàng đầu với liều đáp ứng tuỳ vào mức độ suy thận.
  • Nhóm thuốc lợi tiểu quai có thể dùng riêng rẽ hoặc phối hợp các nhóm thuốc điều trị cao huyết áp khác nhờ vào tác dụng hiệp đồng. Tuy nhiên, nhóm thuốc lợi tiểu quai không được ưu tiên hàng đầu trong điều trị tăng huyết áp, trừ khi bệnh nhân có suy giảm chức năng chức năng thận. Thuốc có thể được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân suy tim và cũng thường được chỉ định trong các trường hợp có chẩn đoán suy tim.
  • Một số trường hợp cấp cứu có thể chỉ định thuốc lợi tiểu quai bao gồm: phù phổi cấp giúp giãn mạch nhanh và sớm trước khi có tác dụng lợi tiểu), tăng huyết áp cấp tính, tăng calci máu ở người bị ung thư di căn xương, đa u tủy xương).

4. Chống chỉ định sử dụng thuốc lợi tiểu quai

Nhóm thuốc lợi tiểu quai có chống chỉ định khi bệnh nhân mắc phải một trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân đang trong tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn đường tiết niệu như bí tiểu do phì đại tiền liệt tuyến, sỏi niệu đạo, sỏi niệu quản gây ứ nước thận,... Trước khi chỉ định thuốc lợi tiểu cần giải quyết triệt để tình trạng tắc nghẽn bằng các cách như đặt sonde tiểu, dẫn lưu bể thận qua da, mở thông bàng quang, can thiệp hoặc mổ lấy sỏi,...).
  • Bệnh nhân có huyết động không ổn định, huyết áp thấp.
  • Bệnh nhân có các dấu hiệu mất nước hay thiếu dịch như da khô, niêm mạc khô, có nếp véo da, khát nước. Cần thực hiện bù thể tích tuần hoàn trước.
  • Bệnh nhân bị cô đặc máu. Cần thực hiện xét nghiệm kiểm tra công thức máu, bù đủ thể tích tuần hoàn trước, bù áp lực keo trong trường hợp hội chứng thận hư.

5. Một số tác dụng phụ của thuốc lợi tiểu quai

Nhóm thuốc lợi tiểu quai có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau trong quá trình sử dụng thuốc:

  • Gây mất nước và điện giải với các biểu hiện mệt mỏi, chuột rút, hạ huyết áp.
  • Lượng acid uric trong máu tăng lên.
  • Nếu sử dụng kéo dài có thể dẫn đến tăng thải trừ các ion Clo, Kali và H+. Điều này có thể gây nhiễm kiềm giảm Clo hoặc nhiễm kiềm giảm Kali.
  • Dùng trong một thời gian dài có thể gây hạ Magie máu với biểu hiện loạn nhịp tim và hạ Calci máu.
  • Khi sử dụng cùng với Digitalis (Digoxin) có thể làm tăng tác dụng gây độc do hạ Magie và hạ Kali huyết thanh.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách cách sử dụng thuốc lợi tiểu quai. Nếu có bất kỳ băn khoăn thắc mắc nào hãy liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe