Vi khuẩn Hp gây viêm loét dạ dày là vấn đề khá nhiều nhiều người mắc phải. Nhiễm khuẩn HP dù không quá nguy hiểm nhưng lại rất phổ biến và dễ lây lan. Nếu bệnh không được chữa trị dứt điểm có thể dẫn đến các biến chứng như xuất huyết, viêm teo niêm mạc và thậm chí là ung thư dạ dày. Vậy, làm cách nào để phát hiện vi khuẩn này?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tìm hiểu chung về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng
Viêm loét dạ dày tá tràng là một trong những căn bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất. Trong số các bệnh nhân mắc các bệnh về đường tiêu hoá, tỉ lệ người mắc viêm loét dạ dày tá tràng lên tới 35%. Trong đó, có khoảng 30% số người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng sẽ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như:
- Xuất huyết.
- Thủng dạ dày.
- Viêm teo niêm mạc.
- Ung thư dạ dày.
Bệnh có thể xuất hiện ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, thường gặp nhất ở các bệnh nhân từ 30 đến 35 tuổi.
Dấu hiệu nhận biết rõ rệt nhất của bệnh là triệu chứng đau vùng thượng vị (vùng phía trên rốn), các cơn đau có thể dữ dội hoặc âm ỉ tuỳ vào trường hợp cụ thể. Nếu người bệnh bị viêm loét dạ dày bình thường, các cơn đau sẽ xuất hiện sau khi ăn no. Nếu bị loét tá tràng, bệnh nhân sẽ thường bị đau khi đói.
Ngoài tình trạng đau vùng thượng vị, bệnh nhân có thể xuất hiện thêm các biểu hiện khác đi kèm như ợ hơi, ợ chua, khó tiêu, táo bón và buồn nôn.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Theo một số nghiên cứu cho biết, 90% trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng xuất phát từ tình trạng nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP). Ngoài ra, một số yếu tố khác góp phần làm tăng nguy mắc bệnh, có thể kể đến:
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt của người bệnh thiếu khoa học.
- Tình trạng căng thẳng kéo dài.
- Ăn thực phẩm chứa nhiều gia vị.
- Thường xuyên hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia.
- Lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm.
- Sử dụng các loại thuốc điều trị nhức khớp có chứa Aspirin, Ibuprofen hay Corticoid.
3. Cách phát hiện vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày tá tràng
Để xét nghiệm phát hiện vi khuẩn HP, bệnh nhân cần phải tránh sử dụng thuốc kháng sinh trong 4 tuần và thuốc ức chế tiết acid trong 2 tuần trước khi tiến hành xét nghiệm.
Các bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định nhiều loại xét nghiệm khác nhau nhằm phát hiện vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày. Có 4 loại xét nghiệm khác nhau được sử dụng, bao gồm:
3.1 Xét nghiệm hơi thở
Xét nghiệm hơi thở để chẩn đoán nhiễm khuẩn HP được tiến hành như sau: Người bệnh uống một lượng chất lỏng vô hại hoặc một viên thuốc chuyên dụng. Sau 1 giờ, bác sĩ sẽ lấy mẫu hơi thở để tiến hành xét nghiệm nhằm phát hiện vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày.
3.2. Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP
Đối với xét nghiệm này, người bệnh có thể tự lấy mẫu phân tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, người bệnh cần sử dụng túi nilon chuyên dụng để đựng mẫu phân xét nghiệm. Điều này sẽ tránh tình trạng mẫu phân của người bệnh bị nhiễm khuẩn từ môi trường xung quanh. Cùng với đó, bệnh nhân cần tránh để mẫu phân lẫn với nước tiểu khi thu thập.
Ngoài ra, để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất, người bệnh nên mang mẫu phân tới cơ sở xét nghiệm ngay sau khi thu thập. Nếu không, các mẫu phân cần được bảo quản trong nhiệt độ lạnh. Bệnh nhân cũng có thể tới các cơ sở y tế để bác sĩ lấy mẫu phân trực tiếp từ trực tràng.
Các mẫu phân này sau đó được cho vào một số hoá chất và chất tạo màu. Nếu phân chuyển sang màu xanh dương thì chứng tỏ bệnh nhân đã nhiễm khuẩn HP. Xét nghiệm này thường trả kết quả sau khoảng 1-4 ngày.
3.3. Xét nghiệm nội soi
Các bác sĩ sẽ dùng một ống mềm, nhỏ có gắn camera ở một đầu và luồn vào dạ dày thông qua đường miệng. Quá trình này sẽ giúp nội soi dạ dày và xác định các vị trí bị loét nếu có.
Trong quá trình thực hiện nội soi, một số mẫu bệnh sẽ được lấy ra để tiến hành xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày tá tràng.
3.4. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu cũng có thể cho biết liệu có vi khuẩn HP hay không. Phương pháp này được tiến hành bằng cách xét nghiệm huyết thanh đo kháng thể kháng HP đặc hiệu để xác định xem bệnh nhân có bị nhiễm khuẩn HP hay không.
Tuy nhiên, không nên sử dụng kết quả của xét nghiệm này để kiểm tra hiệu quả điều trị vi khuẩn Hp. Bởi lẽ, kháng thể đặc hiệu vẫn còn tồn tại trong cơ thể nhiều năm sau khi điều trị thành công.
4. Vi khuẩn HP nguy hiểm ra sao?
Người bệnh có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm nếu nhiễm khuẩn HP, trong đó có thể kể đến như rối loạn tiêu hoá, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày. Nguy hiểm hơn, nhiễm khuẩn Hp có thể phát triển thành ung thư dạ dày.
Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, nhiễm khuẩn HP và bệnh ung thư dạ dày có mối quan hệ mật thiết với nhau. Theo thống kê, ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 2 trên thế giới hiện nay. Vì thế, việc phát hiện và điều trị sớm tình trạng nhiễm khuẩn Hp là điều vô cùng quan trọng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.