Chứng cuồng ăn vô độ tâm thần là tình trạng rối loạn ăn uống không kiểm soát, sau đó tìm cách để tránh tăng cân, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ. Vậy ăn vô độ tâm thần có chữa được không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc giúp bạn.
1. Khái niệm về chứng cuồng ăn vô độ tâm thần
Chứng cuồng ăn vô độ tâm thần hay còn gọi là bệnh ăn vô độ tâm thần. Đây là tình trạng được đặc trưng bởi các giai đoạn ăn uống vô độ, không kiểm soát, lặp đi lặp lại, theo sau đó là các hành vi để tránh tăng cân như tự đào thải thức ăn bằng cách gây nôn mửa, dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu, tập thể dục quá mức.
Bệnh ăn vô độ tâm thần ảnh hưởng đến khoảng 1,6% trẻ vị thành niên nữ, phụ nữ trẻ và 0,5% nam giới trong độ tuổi tương đương. Không giống như đa số trường hợp chán ăn thần kinh, những người mắc chứng cuồng ăn vô độ tâm thần thường có cân nặng bình thường hoặc cao hơn bình thường.
Những người có nguy cơ bị bệnh ăn vô độ tâm thần như:
- Thanh thiếu niên hoặc tuổi mới trưởng thành;
- Chịu sức ép của xã hội cũng như xu hướng nhận định về cái đẹp.
- Vấn đề về tâm thần, không có khả năng kiềm chế cảm xúc, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu, trầm cảm.
- Người mẫu, diễn viên hoặc vũ công phải chịu sức ép từ nghề nghiệp.
- Vận động viên thi đấu thể thao phải chịu áp lực về cân nặng.
2. Triệu chứng của chứng cuồng ăn vô độ tâm thần
- Các cơn cuồng ăn mất kiểm soát, ăn nhiều đồ ngọt, chất béo. Cơn cuồng ăn thường bị khởi phát bởi những căng thẳng.
- Theo sau là hành động cố gắng đào thải thức ăn như tự gây nôn, dùng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu, tập thể dục quá mức hoặc nhịn ăn sau đó.
- Đa số người bệnh có trọng lượng bình thường, một số thừa cân hay béo phì. Người bệnh quan tâm quá nhiều đến trọng lượng và hình dáng cơ thể; không hài lòng về vóc dáng bản thân.
- Các triệu chứng và biến chứng về thể chất như mòn men răng cửa, tăng kích thước tuyến nước bọt, viêm thực quản.
- Các rối loạn lo âu.
3. Chẩn đoán chứng cuồng ăn vô độ tâm thần
Tiêu chuẩn lâm sàng để chẩn đoán chứng cuồng ăn vô độ tâm thần bao gồm:
- Các giai đoạn cuồng ăn lặp đi lặp lại kèm theo mất khả năng kiểm soát ăn, xảy ra ít nhất một lần một tuần trong 3 tháng.
- Các hành vi bù trừ không thích hợp, lặp đi lặp lại, ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể xảy ra ít nhất một lần mỗi tuần trong 3 tháng.
- Quan tâm quá mức về cân nặng và hình dáng cơ thể làm ảnh hưởng tới việc tự đánh giá sai bản thân.
4. Ăn vô độ tâm thần có chữa được không?
4.1. Ngưng chế độ ăn kiêng
Chế độ ăn kiêng quá nghiêm ngặt có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và khởi phát bệnh ăn vô độ tâm thần. Do đó hãy thực hiện cách ăn uống lành mạnh như sau:
- Ăn nhiều thực phẩm nguyên chất như trái cây, rau, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
- Ăn nhiều chất xơ trong bữa ăn giúp tăng cảm giác no.
- Bổ sung thêm thực phẩm giàu protein như thịt, trứng, đậu,... có thể giúp tăng cường trao đổi chất, thúc đẩy cảm thấy no lâu và tăng nồng độ hormone giảm thèm ăn GLP-1, từ đó kiểm soát sự thèm ăn tốt hơn.
- Không ăn các thực phẩm giàu năng lượng như khoai tây chiên, kẹo và thực phẩm chế biến sẵn.
- Điều chỉnh lượng thức ăn cân đối các thành phần dinh dưỡng.
4.2. Luôn uống đủ nước
Uống nhiều nước là cách đơn giản nhưng hiệu quả giúp giảm đói, kiềm chế cảm giác thèm ăn, từ đó tránh tình trạng ăn uống vô độ.
4.3. Tránh bỏ bữa ăn
Việc bỏ bữa ăn có thể làm tăng cảm giác thèm ăn và tăng nguy cơ ăn thức ăn quá nhiều cùng một lúc. Do đó, để kiểm soát bệnh ăn vô độ tâm thần, người bệnh phải ăn uống đủ, đúng bữa và điều độ.
4.4. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc sẽ làm tăng nồng độ hormone giúp no lâu leptin và giảm nồng độ hormone gây đói ghrelin.
4.5. Tập thể dục thể thao
Các hình thức tập thể dục thể thao thường xuyên như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, yoga,... giúp giảm căng thẳng, ngăn ngừa việc ăn uống theo cảm xúc.
4.6. Gặp bác sĩ để tư vấn điều trị
- Liệu pháp nhận thức-hành vi
- Liệu pháp tâm lý trị liệu liên cá nhân
- Thuốc chống trầm cảm, ví dụ như các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin.
Tóm lại, chứng cuồng ăn vô độ tâm thần có thể là bệnh chứ không đơn thuần là việc ăn uống mất kiểm soát. Tình trạng này liên quan đến những giai đoạn cuồng ăn lặp đi lặp lại và theo sau bởi hành động tránh tăng cân không phù hợp như tự gây nôn, lạm dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu, tập thể dục quá mức, nhịn ăn. Điều trị chứng cuồng ăn vô độ tâm thần cần kết hợp các liệu pháp tâm lý, chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh và tập luyện thể dục thường xuyên. Đôi khi, cần dùng thuốc chống trầm cảm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.