Nhóm thuốc Corticoid có nhiều tác dụng và được sử dụng rất rộng rãi trên lâm sàng, tuy nhiên đây cũng là nhóm thuốc có nhiều tác dụng phụ. Để hạn chế tác dụng phụ của thuốc corticoid, cần sự cẩn trọng từ thầy thuốc lẫn người sử dụng.
1. Thuốc corticoid có tác dụng gì?
Nhóm thuốc corticoid (corticosteroid) bao gồm nhiều loại thuốc như cortisone, hydrocortisone, prednisolon, methylprednisolon... Các thuốc này có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch tương tự như hormone cortisol do cơ thể sản xuất bởi tuyến thượng thận.
Thuốc corticoid có tác dụng gì? Thuốc corticoid được sử dụng rộng rãi trong hỗ trợ điều trị các bệnh như:
- Hen suyễn, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Viêm khớp, bệnh đa xơ cứng
- Các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus, bệnh Crohn,...
- Các phản ứng dị ứng nặng
- Ức chế hệ thống miễn dịch để ngăn ngừa thải ghép tạng
- Các bệnh lý ngoài da như phát ban, vảy nến, eczema, kích ứng do côn trùng đốt,...
- Thay thế hormon cortisol khi tuyến thượng thận bị suy yếu (như bệnh Addison), không sản xuất đủ các hormon này.
Các thuốc corticoid có nhiều dạng bào chế, tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định dùng đường toàn thân hoặc tại chỗ. Thuốc dùng tại chỗ gồm các loại thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ tai, thuốc bôi da, thuốc dạng phun hoặc xịt để tác dụng tại phổi,... Thuốc tác dụng toàn thân có dạng tiêm hoặc dạng uống. Khác với dạng thuốc tác dụng tại chỗ, dạng thuốc tác dụng toàn thân hấp thu vào máu và tác động đến nhiều bộ phận trong cơ thể.
2. Các tác dụng phụ của thuốc Corticoid
Tuy là một nhóm thuốc quan trọng có nhiều vai trò trong điều trị, nhưng các thuốc corticoid có rất nhiều tác dụng phụ. Nếu sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng, thuốc sẽ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
2.1. Các tác dụng phụ khi dùng corticoid đường uống
Các thuốc corticoid dùng đường uống là dạng thuốc tác dụng toàn thân, do được dùng phổ biến nên dạng thuốc này có nguy cơ gây tác dụng phụ cao nhất. Nguy cơ tác dụng phụ tỷ lệ với liều lượng thuốc mà người bệnh sử dụng. Các tác dụng phụ thường gặp gồm:
- Tăng nhãn áp
- Giữ nước, gây phù chân
- Tăng huyết áp
- Thay đổi trạng thái tâm thần, giảm trí nhớ, nhầm lẫn, mê sảng,...
- Tăng cân, tích trữ mỡ ở bụng, mặt và sau gáy
Nếu sử dụng thuốc corticoid đường uống thời gian dài, người bệnh có thể gặp những tình trạng gồm:
- Đục thủy tinh thể ở một mắt hoặc hai mắt
- Tăng lượng đường trong máu, có thể gây ra bệnh tiểu đường hoặc làm nặng thêm bệnh tiểu đường sẵn có.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương
- Suy tuyến thượng thận dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, yếu cơ.
- Da mỏng, bầm tím, vết thương chậm lành
2.2. Các tác dụng phụ của thuốc corticoid dạng hít
Khi sử dụng thuốc corticoid dạng hít để điều trị các bệnh lý đường hô hấp như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,... thuốc có thể lắng đọng trong miệng hoặc cổ họng thay vì đến đích tác dụng là phổi, tình trạng này sẽ gây ra:
- Nhiễm nấm trong miệng
- Khàn tiếng
- Ho, đau họng
- Chảy máu cam nhẹ
Súc miệng bằng nước muối sau khi dùng thuốc corticoid dạng hít có thể giảm nguy cơ kích ứng miệng và cổ họng. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn chỉ ra, thuốc corticoid dạng hít có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng ở trẻ em khi dùng thuốc để điều trị bệnh hen suyễn.
2.3. Các tác dụng phụ của thuốc corticoid dùng tại chỗ
Thuốc corticoid dùng dạng bôi có thể gây mỏng da, teo da, đỏ da, giảm sắc tố da, ngứa, nổi mụn, rậm lông,...
XEM THÊM: Lưu ý tác dụng phụ của thuốc mỡ bôi ngoài da có chứa Corticoid
2.4. Các tác dụng phụ của corticoid dạng tiêm
Sử dụng thuốc corticoid đường tiêm có thể gây các tác dụng phụ tại vị trí tiêm, bao gồm teo da, nhạt màu da, chảy máu tại chỗ, đau vết tiêm,... Các tác dụng phụ khác gồm làm đỏ bừng mặt, mất ngủ, tăng đường huyết, tăng nguy cơ nhiễm trùng,...
3. Cách hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc corticoid
Để giảm tối đa nguy cơ xảy ra tác dụng phụ khi dùng thuốc corticoid cho bệnh nhân, người thầy thuốc cần chú ý các yếu tố sau khi kê đơn:
- Cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi sử dụng thuốc corticoid cho người bệnh. Nếu chỉ định dùng thuốc, hãy dùng thuốc corticoid với liều thấp nhất có hiệu quả và tránh dùng thuốc trong thời gian dài. Tác dụng phụ của thuốc corticoid sẽ tỷ lệ thuận với liều dùng và độ dài của đợt điều trị. Do đó, những người bệnh dùng thuốc với liều cao và thời gian càng dài thì nguy cơ gặp tai biến sẽ nhiều hơn.
- Ưu tiên sử dụng các dạng bào chế tác dụng tại chỗ để giảm các tác dụng phụ toàn thân.
- Lựa chọn các loại thuốc corticoid có thời gian bán thải ngắn hoặc vừa, hạn chế dùng các loại thuốc có tác dụng kéo dài vì nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc corticoid sẽ cao hơn.
- Khi dùng thuốc trong thời gian dài, tuyến thượng thận sẽ sản xuất ít hormone cortisol hơn. Tuyến thượng thận cần nhiều thời gian để hồi phục, do đó không được ngừng thuốc đột ngột để tránh nguy cơ suy thượng thận cấp. Bác sĩ sẽ có chế độ dùng thuốc cách ngày và giảm liều trước khi ngừng thuốc hẳn. Suy thượng thận do dùng corticoid cũng thường gặp ở người cao tuổi, do đó cần theo dõi chặt chẽ những đối tượng bệnh nhân này.
- Sau khi ngừng sử dụng thuốc corticoid, người bệnh có thể gặp hiện tượng chán ăn, mệt mỏi, trầm cảm. Những hiện tượng này sẽ phục hồi sau một thời gian. Nếu cần hãy cho người bệnh dùng các thuốc điều trị triệu chứng nhưng hạn chế cho dùng lại thuốc corticoid.
XEM THÊM: Viêm da do sử dụng thuốc corticoid có thể điều trị không?
Về phía bệnh nhân, hãy nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không được tự ý ngừng thuốc khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ. Trong thời gian điều trị bằng thuốc, hãy thực hiện chế độ ăn lành mạnh, tăng protein, hạn chế glucid, đường, hạn chế chất béo; tăng cường ăn các thực phẩm giàu vitamin D và canxi để hạn chế nguy cơ loãng xương. Hãy nhờ bác sĩ tư vấn về việc bổ sung canxi và vitamin D dạng viên uống để giúp bảo vệ xương. Hạn chế sử dụng muối nếu dùng thuốc liều cao hoặc khi gặp các hiện tượng như phù, tăng huyết áp, tăng cân bất thường. Tái khám bác sĩ thường xuyên để phát hiện sớm các tác dụng phụ của thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: .mayoclinic.org, healthline.com