Corticoid là nhóm thuốc được chỉ định sử dụng trong nhiều bệnh lý nhờ khả năng giảm nhanh các triệu chứng bệnh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây tình trạng lạm dụng corticoid có xu hướng gia tăng gây ra rất nhiều tác dụng phụ cho người sử dụng. Cùng tìm hiểu chi tiết về loại thuốc này để biết cách sử dụng sao cho phù hợp.
1. Thuốc chống viêm corticoid là loại thuốc gì?
Thuốc kháng viêm corticoid có tên đầy đủ là Glucocorticoid, được biết đến là thuốc kháng viêm có tác dụng tương tự như hormone được sản sinh ra bởi tuyến thượng thận trong cơ thể (bao gồm hai tuyến nhỏ nằm phía trên thận) nên được sử dụng trong nhiều loại bệnh lý khác nhau.
Hiện nay, các loại Corticoid thường dùng trên thị trường chủ yếu có chứa các thành phần như hydrocortisone, prednisolone, methylprednisolone, triamcinolone, dexamethasone, fluticasone, beclomethasone, betamethasone, clobetasone, budesonide,...
Thuốc được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như dạng viên sử dụng qua đường uống, dạng tiêm trực tiếp vào trong mạch máu, khớp, cơ, dạng hít qua miệng, dạng xịt mũi, dung dịch dùng với máy khí dung. Ngoài ra, thuốc còn được bào chế dưới dạng kem, gel, thuốc mỡ, dung dịch dùng tại chỗ như bôi ngoài da, nhỏ mắt, mũi, tai....
2. Thuốc kháng viêm Corticoid thường được sử dụng trong trường hợp nào?
Với khả năng kháng viêm hiệu quả, từ đây thuốc được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như:
- Bệnh nhân mắc các bệnh tự miễn bao gồm viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, lupus ban đỏ....
- Người được chẩn đoán mắc hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Bệnh nhân mắc bệnh gout.
- Sử dụng với mục đích thay thế hormone tuyến thượng thận khi cơ thể không tự sản xuất đủ các hormone này.
- Kết hợp với một số loại thuốc trong điều trị dự phòng hệ miễn dịch tấn công các cơ quan vừa được ghép như gan, thận,...
- Dùng trong thời gian ngắn để làm giảm các phản ứng dị ứng nặng của cơ thể.
- Điều trị một số bệnh lý ngoài da bao gồm Eczema, vảy nến, phát ban, kích ứng nhẹ do côn trùng đốt,...
3. Một số tác dụng phụ của corticoid
Corticoid tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều tác dụng phụ cho người sử dụng, tùy thuộc vào đường dùng thuốc, liều lượng, thời gian sử dụng.
3.1. Tác dụng phụ khi dùng thuốc corticoid ngắn hạn
Người bệnh có thể gặp phải một số vấn đề khi dùng corticoid như:
- Kích ứng dạ dày, đôi khi có thể gây ra tình trạng viêm loét dạ dày
- Tăng cảm giác ăn uống ngon miệng trong thời gian dùng thuốc.
- Khó ngủ hoặc gây mất ngủ.
- Rối loạn chuyển hóa đường.
- Tăng nguy cơ mụn trứng cá, rậm lông, các nốt xuất huyết và bầm tím trên da.
- Giảm chú ý, nóng tính, một số trường hợp nặng hơn có thể xuất hiện cơn hưng phấn hoặc trầm cảm.
- Hạ kali máu, tăng huyết áp, một số người bị yếu cơ gốc chi.
3.2. Tác dụng phụ khi dùng thuốc corticoid trên 14 ngày
Việc sử dụng thuốc trong thời gian dài trên 14 ngày có thể gây ra một số vấn đề như:
- Suy tuyến thượng thận, ức chế tăng trưởng, tăng huyết áp, tăng đường huyết.
- Loãng xương, hoại tử đầu xương vô trùng, loét dạ dày, gan nhiễm mỡ.
- Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp glaucoma, tăng đông máu, rối loạn mỡ máu.
- Chậm lành vết thương, da teo mỏng, dễ bị bầm tím, lắng đọng mỡ ở vùng cổ, lưng trong khi chân tay teo nhỏ.
4. Những đối tượng cần thận trọng khi dùng corticoid
Corticosteroid đường uống thường gây ra nhiều tác dụng phụ hơn cả, do đó cần thận trọng hoặc không nên dùng thuốc trong một số trường hợp, cụ thể như sau:
- Bệnh nhân đang bị nhiễm trùng lan rộng
- Người đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc hành vi như trầm cảm hoặc nghiện rượu.
- Mắc một số bệnh lý liên quan đến gan, suy tim, tăng huyết áp và tiểu đường.
- Sử dụng một số loại thuốc có khả năng tương tác với corticosteroid.
- Người đang cho con bú, trẻ em chậm lớn và người cao tuổi.
- Trong khi đó, thuốc corticoid đường tiêm hoặc dạng hít được các chuyên gia đánh giá là an toàn cho cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp này, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
5. Một số lưu ý để giảm tác dụng phụ khi dùng corticoid
Để giảm nguy cơ tác dụng phụ khi sử dụng corticoid, bạn cần tuân thủ việc dùng thuốc theo những chỉ dẫn của bác sĩ và đặc biệt lưu ý thêm một số vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng corticoid liều thấp và dùng với liều ngắt quãng.
- Ưu tiên dùng corticoid tại chỗ để giảm tác dụng phụ.
- Cân đối chế độ ăn hàng ngày, cần hạn chế muối và tăng các thực phẩm giàu kali.
- Khi dùng thuốc cần giảm liều từ từ để tuyến thượng thận của bạn có đủ thời gian để điều chỉnh.
- Dùng thuốc corticoid đường uống sau khi ăn no để giảm kích ứng dạ dày.
- Đối với các loại thuốc corticoid bôi ngoài da, nên dùng với một lượng vừa phải, thoa lớp mỏng lên da và tránh vùng bị trầy xước, có vết thương hở.
Theo các chuyên gia, corticoid là nhóm thuốc kháng viêm mạnh, phát huy tốt hiệu quả trong điều trị các bệnh về rối loạn miễn dịch và chống viêm hiệu quả bao gồm hen suyễn, viêm khớp và lupus,... Tuy nhiên, người bệnh chỉ sử dụng những loại thuốc này theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh gặp phải những tác dụng không mong muốn do lạm dụng thuốc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.