Trong thời gian mang thai, các mẹ bầu thường gặp phải tình trạng nghẹt mũi vô cùng khó chịu. Tùy theo tình trạng và nguyên nhân gây ra mà có các cách trị nghẹt mũi cho bà bầu khác nhau. Theo dõi bài viết sau đây để lựa chọn được phương pháp phù hợp nhé!
1. Các nguyên nhân gây ra nghẹt mũi cho bà bầu
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nghẹt mũi cho bà bầu, trong đó cần chú ý đến các nguyên nhân chủ yếu sau:
- Cảm cúm: các mẹ bầu có thể cảm cúm theo mùa hoặc do nhiễm virus. Tình trạng này sẽ khiến các mẹ cảm thấy khó chịu, kèm với nghẹt mũi là các triệu chứng như đau đầu, hắt xì, mệt mỏi,...
- Viêm mũi thai kỳ: biểu hiện là bà bầu bị nghẹt mũi trên 6 tuần. Khi gặp tình trạng này, các mẹ bầu cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
- Cảm lạnh: Nghẹt mũi do nguyên nhân này sẽ sổ mũi trong vài ngày nhất định.
- Viêm xoang: Những mẹ bầu có tiền sử viêm xoang sẽ bị nghẹt mũi khi xoang tái phát do thay đổi thời tiết.
2. Mẹ bầu bị nghẹt mũi ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi
Khi mang thai mà bị nghẹt mũi sẽ khiến cho việc thở bằng mũi của mẹ trở lên khó khăn hơn. Các mẹ phải thở bằng miệng nhiều hơn, do đó việc cung cấp oxy cho cơ thể cũng bị kém đi. Tình trạng thiếu oxy liên tục sẽ gây ra các biến chứng sau:
- Tăng nguy cơ huyết áp thai kỳ cho mẹ bầu.
- Mẹ bầu có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn.
- Thai nhi có nguy cơ chậm phát triển trong tử cung của người mẹ do việc cung cấp oxy không đủ.
- Mẹ bầu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, suy nhược cơ thể do không ngủ đủ giấc, vì nghẹt mũi gây khó chịu.
Nghẹt mũi khi mang thai thường ít ảnh hưởng đến sức khỏe và thường biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến sức khỏe người mẹ suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
3. Các cách chữa nghẹt mũi cho bà bầu
Các mẹ bầu bị nghẹt mũi khi mang thai có thể áp dụng các biện pháp dưới đây để làm giảm khó chịu do các triệu chứng gặp phải, vừa đơn giản lại mang lại hiệu quả.
- Súc miệng bằng nước muối: Muối có tính kháng khuẩn rất tốt. Do đó thường xuyên súc miệng bằng nước muối sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn gây viêm mũi tấn công xuống họng, vừa có tác dụng giúp mũi sạch sẽ hơn vì khi súc miệng một phần nước muối sẽ trở ngược lên mũi.
- Nhỏ nước muối: Sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi 2 - 3 lần mỗi ngày sẽ giúp mũi trở lên sạch hơn, loại bỏ dịch nhầy đọng lại ở mũi giúp mũi được thông thoáng và không còn nghẹt mũi nữa.
- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước sẽ giúp làm lỏng dịch đặc ở mũi và cải thiện tình trạng nghẹt mũi khi mang thai. Mẹ bầu nên uống nước ấm cùng với chanh và mật ong sẽ giúp cải thiện nghẹt mũi hơn nước lọc.
- Sử dụng trà gừng: Do gừng có tác dụng chống viêm rất tốt. Vì vậy, khi mang thai mà bị nghẹt mũi, mẹ bầu có thể pha nước nóng với vài lát gừng tươi và một thìa mật ong, để ấm rồi uống. Trà gừng mật ong có tác dụng làm ấm các cơ quan hô hấp, cải thiện tình trạng nghẹt mũi khi mang thai của mẹ bầu.
- Bổ sung vitamin C: Vitamin C có tác dụng tăng đề kháng, giúp cơ thể khỏe hơn và ngăn ngừa sự tấn công của virus, vi khuẩn. Mẹ bầu nên bổ sung vitamin C để tăng khả năng chống chọi và nhanh hồi phục hơn.
- Xông hơi: Biện pháp này giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi tạm thời, tuy không thể chữa dứt điểm nhưng có thể giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn. Mẹ bầu có thể xông trực tiếp bằng cốc hoặc nồi nước nóng hoặc dùng khăn nhúng vào nước nóng và đắp lên mặt, kết hợp hít thở đều.
- Kê gối cao khi ngủ: Biện pháp này giúp mũi trút hết chất nhầy và hỗ trợ giảm nghẹt mũi tốt, giúp mẹ bầu có giấc ngủ ngon.
- Tập thể dục: Tập thể dục sẽ giúp mẹ bầu tăng sức đề kháng, tăng cường sức khỏe và làm dịu cơn nghẹt mũi. Tuy nhiên, mẹ bầu nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vì sẽ có nguy cơ cao tiếp xúc với không khí ô nhiễm gây kích ứng.
- Sử dụng máy phun sương: Máy phun sương tạo độ ẩm sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn, làm giảm cảm giác khó chịu do nghẹt mũi gây ra. Các mẹ nên sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm trong phòng ngủ để có giấc ngủ ngon và sâu hơn.
- Tránh các đồ ăn cay nóng: Các loại đồ ăn, gia vị cay nóng sẽ làm tăng tiết nước mũi nhiều hơn và làm tình trạng nghẹt mũi thêm trầm trọng. Do đó, mẹ bầu nên hạn chế các loại đồ ăn, thực phẩm, gia vị cay nóng để làm giảm nghẹt mũi khi mang thai.
4. Những điều mẹ bầu cần lưu ý khi chữa nghẹt mũi
Trong quá trình chữa nghẹt mũi khi mang thai, mẹ bầu cần lưu ý những điều sau:
- Không tự ý dùng thuốc để điều trị: Giai đoạn mang thai cực kỳ nhạy cảm, mẹ bầu không nên tự ý dùng thuốc để điều trị, vì có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ bầu chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ dẫn của bác sĩ.
- Sử dụng thuốc xịt mũi phù hợp: Mẹ bầu chỉ nên sử dụng thuốc xịt mũi được bác sĩ chỉ định để đảm bảo an toàn, đặc biệt với mẹ bầu mắc viêm xoang.
- Khám thai định kỳ: Mẹ bầu cần tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên chọn những địa chỉ uy tín để theo dõi, đánh giá và giải quyết kịp thời các vấn đề có thể xảy ra.
Hi vọng rằng qua các thông tin bài viết cung cấp sẽ giúp các mẹ bầu có những thông tin bổ ích về cách chữa nghẹt mũi tại nhà. Mẹ bầu có thể áp dụng khi bị nghẹt mũi để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu nên thăm khám bác sĩ khi bị nghẹt mũi để được tư vấn và có hướng điều trị tích cực khi tình trạng nghẹt mũi có dấu hiệu nặng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.