Cách giảm mệt mỏi vì thay đổi thời tiết

Mỗi khi thời tiết thay đổi người mệt mỏi là tình trạng rất phổ biến, kèm theo đó là những cơn đau nhức khắp cơ thể, đặc biệt là vị trí các khớp ở tay, chân, vai hoặc lưng. Vậy nguyên nhân nào khiến người mệt mỏi khi thay đổi thời tiết và cần khắc phục như thế nào?

1. Người mệt mỏi khi thay đổi thời tiết do đâu?

Theo các chuyên gia, các bệnh lý xương khớp phổ biến ở người lớn tuổi như thoái hóa xương khớp, loãng xương, viêm khớp dạng thấp hay các chứng đau mạn tính... là nguyên nhân phổ biến khiến chúng ta mệt mỏi và đau nhức cơ thể khi tiết trời thay đổi, đặc biệt khi nhiệt độ đang nóng chuyển sang lạnh đột ngột. Đối với người bị thoái hóa xương khớp, cơn đau nhức và mệt mỏi cơ thể sẽ biểu hiện rõ rệt hơn khi thay đổi thời tiết đột ngột. Với bệnh nhân mắc các bệnh lý xương khớp mạn tính, thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để bệnh tái phát, các gân cơ bị co rút gây nên các cơn đau nhức khớp và gây mệt mỏi dữ dội.

Nguyên nhân thứ hai khiến người mệt mỏi khi thay đổi thời tiết được cho là có liên quan đến sự suy giảm sức đề kháng, qua đó tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus tấn công vào cơ thể. Hệ quả là các bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm siêu vi với các triệu chứng như ho, đau họng, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi và tất cả đều khiến bệnh nhân mệt mỏi liên tục.

Một nguyên nhân khác gây mệt mỏi có vẻ không liên quan đến thời tiết là cơ thể thiếu một số khoáng chất như magie, canxi, sắt, kẽm... Tuy nhiên tình trạng mệt mỏi do thiếu vi chất sẽ nặng hơn khi kết hợp với yếu tố thay đổi thời tiết. Chúng ta có thể sơ bộ dựa vào dấu hiệu nhức mỏi của cơ thể để đoán được mình đang đang thiếu chất gì, ví dụ đau nhức xương về đêm, cảm giác khó chịu muốn trở mình kèm theo tâm trạng buồn bực có thể do thiếu canxi. Nếu cơ hay bị kích thích, chuột rút kèm đau có thể thiếu magie, còn những người thường xuyên mệt mỏi, dễ bị táo bón và da xanh xao có thể đang bị thiếu chất sắt.

Bên cạnh yếu tố thay đổi thời tiết, một số người thường xuyên mệt mỏi có thể do làm việc quá sức và tâm trạng luôn trong trạng thái căng thẳng, đặc biệt những người làm việc thụ động cơ bắp như nhân viên văn phòng phải ngồi lâu trước máy vi tính, làm việc bàn giấy hay trực điện thoại... sẽ khiến lượng acid lactic trong tế bào cơ tăng cao, kết hợp thất thoát ion kali ra ngoài tế bào sẽ dẫn ra tình trạng đau nhức, mỏi mệt và uể oải, đặc biệt khi nhiệt độ môi trường quá lạnh.

Một số thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng là nguyên nhân gây nhức mỏi như tư thế ngồi học không đúng, tư thế làm việc sai sẽ dẫn đến đau lưng, đau cổ, đau gối, chân tay nhức mỏi.

2. Một số bệnh lý hay gặp khi thời tiết thay đổi

Tình trạng mệt mỏi vì thay đổi thời tiết có thể là triệu chứng của những bệnh lý sau đây:

2.1. Đau đầu

Mùa hè với đặc điểm ngày dài hơn đêm nên con người phải tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều hơn sẽ kéo theo nguy cơ xảy ra chứng đau nửa đầu cao hơn. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi người mệt mỏi liên quan đến chứng đau đầu được giải thích là do áp suất khí quyển và nhiệt độ không khí thay đổi đã ảnh hưởng và làm giảm lượng máu lưu thông lên não.

2.2. Đau khớp

Thời điểm chuyển mùa từ ấm nóng sang lạnh làm áp suất khí quyển và nhiệt độ môi trường giảm đột ngột, và độ ẩm không khí lại tăng sẽ dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp. Theo các chuyên gia, khi áp suất khí quyển giảm, các mô sẽ nở ra và tạo áp lực lên khớp. Đồng thời nhiệt độ thấp làm các mạch máu co lại, khiến quá trình lưu thông máu trong cơ thể kém đi sẽ càng làm chân tay đau buốt, tê cứng hơn. Tất cả các yếu tố trên sẽ gây nên tình trạng mệt mỏi vì thay đổi thời tiết.

2.3. Bệnh lý xoang

Khi áp suất khí quyển và nhiệt độ thay đổi sẽ tác động ngay đến các xoang vốn đã mắc bệnh trước đó, qua đó dẫn đến các triệu chứng khó chịu gây mệt mỏi như ngạt mũi, đau đầu, khó thở...

2.4. Cảm lạnh và cúm

Thời tiết thay đổi người mệt mỏi có mối liên quan mật thiết đến các bệnh cảm lạnh hoặc cảm cúm. Nguyên nhân được cho là do hệ miễn dịch suy yếu đã tạo điều kiện cho các loại virus tấn công gây bệnh.

2.5. Hen suyễn và dị ứng

Thời tiết chuyển mùa từ lạnh sang nóng và ngược lại sẽ khiến những người gặp các vấn đề về hô hấp mạn tính như hen suyễn, dị ứng diễn biến trầm trọng thêm. Ngoài ra, mùa xuân với thời tiết ấm áp ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của các loài hoa hay các loại côn trùng, khi đó phấn hoa phân bố rất nhiều trong không khí và khiến người có cơ địa dị ứng gặp nguy hiểm.

2.6. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Thời tiết ẩm ướt khiến bệnh nhân COPD hít thở khó khăn hơn. Hoặc khi thời tiết thay đổi nhiệt độ từ nóng sang lạnh và độ ẩm cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các tác nhân gây bệnh đường hô hấp, qua đó tăng nguy cơ xảy ra các đợt cấp bội nhiễm của COPD.

3. Làm gì khi mệt mỏi vì thay đổi thời tiết?

3.1. Tăng cường vận động cơ thể

Để khắc phục chứng đau nhức và mệt mỏi vì thay đổi thời tiết, chúng ta cần gia tăng tuần hoàn máu của cơ thể bằng cách tăng cường vận động, đặc biệt sau khoảng thời gian dài làm việc thụ động. Luyện tập được xem là một liều thuốc quý, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người và đặc biệt cực kỳ hiệu quả trong việc giảm đau nhức, mệt mỏi.

Có rất nhiều hình thức luyện tập mà người mệt mỏi khi thay đổi thời tiết có thể lựa chọn, tùy theo độ tuổi, sức lực và sở thích, ví như những môn thể thao bơi lội, thể dục dụng cụ hay chỉ đơn giản là hình thức đi bộ.

3.2. Xoa bóp

Những người phải lao động nặng nhọc cần thư giãn cơ bắp bằng cách xoa bóp. Người bị đau, mỏi vai thì xoa bóp vùng cổ gáy, các đốt sống cổ, bả vai nhằm mục đích tăng lưu thông máu và thư giãn cơ. Ngoài ra, người bị chứng mệt mỏi vì thay đổi thời tiết cũng có thể kết hợp xoa bóp với bấm huyệt. Động tác day ấn các huyệt dọc theo hai bên cột sống, từ đốt sống cổ đến tận vùng thắt lưng, khoảng 10 – 15 phút mỗi ngày được đánh giá là rất hiệu quả trong việc cải thiện đau nhức, mệt mỏi.

3.3. Chế độ ăn cân bằng

Chế độ dinh dưỡng khoa học cũng góp phần tích cực trong việc giảm đau nhức xương khớp và mệt mỏi khi thay đổi thời tiết. Một chế độ dinh dưỡng được xem là hiệu ích bao gồm phải đảm bảo cân bằng và đa dạng hóa các loại vitamin, khoáng chất, các chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng cần thiết khác...

Bên cạnh đó, người thừa cân, béo phì có thể theo đuổi chế độ ăn kiêng phù hợp vì cân nặng dư thừa cũng là một yếu tố khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi. Lưu ý nên hạn chế các chất béo nguồn gốc động vật, thay vào đó hãy sử dụng dầu thực vật và dầu cá.

Ưu tiên chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh và trái cây tươi, kết hợp món ăn cung cấp các khoáng chất cần thiết như canxi, magie.

Một vấn đề cần lưu ý là tuyệt đối không tự ý điều trị bằng cách thuốc giảm đau, chống mệt mỏi khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng đau nhức và mệt mỏi vì thay đổi thời tiết chuyển biến xấu hoặc không cải thiện thì cần đến gặp bác sĩ để có biện pháp can thiệp phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe