Tụ máu dưới da là tình trạng tích tụ máu và dịch ở các mô dưới da sau chấn thương hoặc do các bệnh lý toàn thân. Vậy phải làm gì khi bị tụ máu dưới da và cách giảm đau do tụ máu dưới da là gì?
1. Tụ máu dưới da là gì?
Tụ máu dưới da là sự tổn thương các thành mao mạch, làm máu rò rỉ vào các mô ở dưới da, do da không bị rách nên máu không thoát ra ngoài mà tạo thành các vết bầm màu xanh hay tím có thể nhìn thấy bằng mắt. Tùy thuộc vào vị trí và kích thước của vết bầm có thể gây đau, sưng, ấm nóng dưới da và gây mất thẩm mỹ.
Hầu như các tụ máu dưới da đều không quá nghiêm trọng, có thể tự lành. Các trường hợp khối máu tụ quá lớn, ở các vị trí có thể chèn ép mạch máu, cản trở lưu thông tuần hoàn trong có thể cần các biện pháp y tế can thiệp.
Nguyên nhân gây ra tụ máu dưới da:
- Các chấn thương vật lý, va chạm ở da dù lớn hay nhỏ đều có khả năng gây tụ máu dưới da.
- Một số loại thuốc chống đông máu như aspirin, warfarin, clopidogrel, dipyridamole... cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu dưới da, gây ra các vết bầm máu.
- Bệnh nhân đang hóa trị hoặc xạ trị làm tổn thương các mao mạch nhỏ, gây chảy máu rỉ rả.
- Các bệnh lý ảnh hưởng đến quá trình đông máu của cơ thể như nhiễm virus, xơ gan, thiếu hụt vitamin K, suy tủy xương, hemophilia, đái tháo đường,... cũng gây tụ máu dưới da.
- Các bệnh lý của hệ tạo máu: giảm tiểu cầu, xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh bạch cầu, nhiễm trùng máu,...
- Bệnh lý tự miễn lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, hội chứng chèn ép khoang sau chấn thương, nhiễm trùng móng, nấm móng, viêm cột sống dính khớp.
- Thiếu hụt một số loại vitamin B12 (tham gia sản xuất hồng cầu), vitamin K (tổng hợp các yếu tố đông máu), vitamin C (thúc đẩy hoạt động sản xuất tế bào máu), vitamin PP (tham gia sản xuất collagen, tăng độ dày thành mao mạch).
- Phụ nữ mãn kinh với suy giảm hormone estrogen, làm mạch máu suy yếu, mất tính đàn hồi gây xuất huyết dưới da.
Ngoài ra, một số trường hợp các vết bầm tím xuất hiện không rõ nguyên nhân (hay gặp ở các vùng da mỏng như vùng đùi, bắp tay,...), thường thấy ngay sau khi ngủ dậy. Đây có thể là dấu hiệu sớm của một số bệnh lý nguy hiểm, cẩn được phát hiện và chẩn đoán kịp thời.
2. Các triệu chứng nhận biết tụ máu dưới da
Các triệu chứng của tụ máu dưới da phụ thuộc vào vị trí và kích thước của vết bầm, các dấu hiệu đặc trưng bao gồm:
- Ban đầu sưng, đỏ, nóng vùng tổn thương, sau đó chuyển dần sang màu tím, tím đen, vàng. Vết bầm có thể tự khỏi sau vài ngày đến vài tuần.
- Đau vùng bị thương, đau tăng khi chạm vào.
- Nghiêm trọng hơn có thể gặp vết tụ máu ngày càng lan rộng, đau nhức nhiều, chèn ép mạch máu vùng tổn thương và lân cận.
- Không có xét nghiệm cận lâm sàng nào đặc hiệu để đánh giá, chẩn đoán các tổn thương do bầm máu. Tuy nhiên, nếu tụ máu dưới da không có nguyên nhân thì bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm: Công thức máu, Chức năng đông máu, Kiểm tra chức năng cơ quan, hệ cơ quan, Chỉ số trao đổi chất,... hoặc các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như CT-Scan, Cộng hưởng từ (MRI).
3. Cách giảm đau do tụ máu dưới da
Khi xuất hiện tụ máu dưới da không thể làm cho máu tụ mất đi nhanh chóng (trừ mổ dẫn lưu) mà chỉ có thể làm hạn chế máu chảy thêm, giảm đau và giảm các phản ứng viêm. Một số phương pháp làm giảm đau hay giảm bầm tím do tụ máu dưới da như sau:
- Nghỉ ngơi, tránh vận động vùng tổn thương trong 24 - 72 giờ sau tổn thương, điều này làm giảm tình trạng chảy máu thêm, giảm đau nhức và sưng, thúc đẩy quá trình tự làm lành vết thương ở mao mạch.
- Chườm đá tại chỗ ngay khi bị tổn thương cho đến 48 giờ sau, thực hiện nhiều lần trong ngày, mỗi lần 20 phút. Nhiệt độ lạnh sẽ làm co mạch máu, ngăn ngừa tình trạng chảy máu, từ đó giúp giảm đau và giảm sưng. Khi chườm lạnh, dùng khăn hoặc túi chườm quấn đá hoặc lót tấm vải mỏng lên vùng tổn thương, không để đá trực tiếp lên da làm tăng nguy cơ bỏng lạnh.
- Sau 48 giờ tổn thương, nếu tổn thương chưa thuyên giảm thì chuyển sang chườm nóng bằng khăn ấm hoặc tấm sưởi. Nhiệt làm giãn mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ, làm tan khối máu tụ.
- Dùng băng ép có đàn hồi quấn lên khối máu tụ dưới da để giảm sưng đau. Băng ép trên tổn thương ít nhất 2 - 7 ngày và đảm bảo kỹ thuật quấn chặt nhưng không ảnh hưởng đến lưu thông tuần hoàn.
- Kê cao chi có tổn thương sao cho cao hơn mức tim để giúp giảm sưng đau.
- Điều trị nguyên nhân gây tụ máu, có thể sử dụng các thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Diclofenac,...
- Nếu vết tụ máu ngày càng sưng to và lan rộng sẽ gây tình trạng thiếu máu nuôi dưỡng, đau nhức nhiều và chèn ép tuần hoàn thì cần được thăm khám và dẫn lưu máu tụ ra ngoài.
Quy trình dẫn lưu tụ máu dưới da:
- Bước 1: Làm sạch vùng tổn thương bằng cồn iod.
- Bước 2: Gây tê tại chỗ vùng tổn thương nếu cần thiết. Nếu là trẻ em có thể xem xét gây mê.
- Bước 3: Tùy kích thước và vị trí tổn thương có thể dùng kim hút máu tụ hoặc dùng dao phẫu thuật rạch da để dẫn lưu dịch.
- Bước 4: Đảm bảo tạo lỗ thoát dịch đủ rộng để thoát dịch sau khi rút kim hoặc rạch da.
- Bước 5: Nặn máu và dịch thoát ra qua lỗ thoát dịch, dùng gạc vô khuẩn nhét mép lỗ rạch để dẫn lưu dịch sau đó.
- Bước 6: Che phủ vùng thoát dịch bằng gạc sạch, tránh nhiễm khuẩn.
Tóm lại, tụ máu dưới da là một tổn thương rất thường gặp do các tác nhân vật lý. Vết thương có thể tự khỏi sau một thời gian ngắn, không gây đau nhức và khó chịu nhiều nếu người bệnh tuân thủ các phương pháp nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng ép và kê cao chi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com