Cách điều trị triệt để bệnh viêm khớp cùng chậu không chỉ phụ thuộc vào thuốc mà còn cần kết hợp nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, thay đổi lối sống và các biện pháp hỗ trợ tại nhà. Đặc biệt, người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn từ bác sĩ để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa biến chứng hiệu quả. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé.
Tư vấn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thanh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Chào bác sĩ! Em bị viêm khớp cùng chậu khiến cho việc đi, đứng, ngồi nằm rất khó khăn, mong bác sĩ tư vấn giúp em cách điều trị triệt để bệnh viêm khớp cùng chậu với ạ. Em còn phải nuôi ba con nhỏ mà bị bệnh em không làm được gì. Cảm ơn bác sĩ!
Phạm Thị Trang (1989)
Chào bạn Trang! cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thanh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Với câu hỏi “Cách điều trị triệt để bệnh viêm khớp cùng chậu?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Trong trường hợp bạn bị viêm khớp cùng chậu cấp (đau nhiều), bạn nên được nghỉ ngơi tuyệt đối. Sau khi những cơn đau thuyên giảm, bạn có thể thực hiện các bài tập thể dục để khung chậu co giãn linh hoạt, duy trì chức năng vận động của cột sống, tránh tình trạng co cơ.
Chiếu tia hồng ngoại và sóng ngắn cho vùng khớp cùng chậu phối hợp với massage, chườm ấm hoặc chườm lạnh theo chỉ định bác sĩ mỗi ngày 2 lần. Đối với việc sử dụng thuốc, bạn cần phải được khám chuyên khoa Cơ xương khớp để được bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng bệnh. Căn cứ vào đó, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho bạn. Bạn không nên tự ý mua thuốc về dùng mà chưa có kê đơn của bác sĩ và cũng đừng tự ý thay đổi liều lượng thuốc, ngưng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, để giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, ngoài trả lời câu hỏi “Cách điều trị triệt để bệnh viêm khớp cùng chậu?”, dưới đây là phần giải đáp chi tiết những vấn đề liên quan đến quá trình điều trị bệnh như cách chữa viêm khớp cùng chậu tại nhà
1. Viêm khớp cùng chậu có chữa khỏi được không?
Viêm khớp cùng chậu là một bệnh lý có thể điều trị được, chủ yếu bằng các phương pháp bảo tồn. Những phương pháp này bao gồm sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và thay đổi lối sống. Trong một số trường hợp hiếm gặp, nếu điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả như mong đợi, bác sĩ có thể cân nhắc phương án phẫu thuật.
Việc phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh, giúp giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển thành mãn tính. Để đạt hiệu quả điều trị tối ưu, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học.
2. Người bệnh viêm khớp cùng chậu có nên đi bộ không?
Đi bộ là một hoạt động thể chất nhẹ nhàng, có thể hỗ trợ giảm đau và cải thiện tình trạng cứng khớp ở người bệnh viêm khớp cùng chậu. Tuy nhiên, bệnh nhân cần thực hiện đúng cách để tránh gây thêm tổn thương.
- Bắt đầu từ từ: Trong giai đoạn đầu, người bệnh nên đi bộ với tốc độ chậm, mỗi lần khoảng 15-20 phút. Điều này giúp cơ thể thích nghi mà không tạo áp lực quá mức lên khớp cùng chậu.
- Tăng cường dần dần: Khi cảm thấy cơ thể đã quen và không còn đau sau các buổi đi bộ, có thể tăng tốc độ và thời gian đi bộ một cách từ từ.
- Chọn giày phù hợp: Sử dụng giày đi bộ êm ái, vừa chân, có khả năng giảm chấn để bảo vệ các khớp và giảm áp lực lên cột sống.
- Lắng nghe cơ thể: Ngừng đi bộ ngay nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu. Sau đó, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn cụ thể.
3. Cách điều trị triệt để bệnh viêm khớp cùng chậu
Việc điều trị viêm khớp cùng chậu được thực hiện tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Tương tự như các bệnh lý cơ xương khớp khác, các phương pháp điều trị có thể bao gồm sử dụng thuốc, vật lý trị liệu hoặc can thiệp ngoại khoa khi cần thiết. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến:
3.1. Vật lý trị liệu
- Các bài tập vật lý trị liệu giúp cải thiện sự linh hoạt và tăng cường sức mạnh cho khớp cùng chậu. Những bài tập này có thể làm giảm đau, thư giãn cơ bắp và tăng khả năng vận động của khớp.
- Người bệnh có thể thực hiện các bài tập tại nhà hoặc dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
- Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để tránh làm tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn.
3.2. Điều trị bằng thuốc
- Thuốc giảm đau thông thường như Ibuprofen hoặc Acetaminophen thường được chỉ định để giảm triệu chứng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thêm thuốc giãn cơ hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).
- Đối với những bệnh nhân có tình trạng viêm nghiêm trọng, các loại thuốc ức chế TNF alpha (như Adalimumab, Certolizumab, Infliximab) có thể được chỉ định để kiểm soát viêm và ngăn ngừa biến chứng viêm cột sống dính khớp.
- Nếu đang mang thai hoặc nuôi con bằng sữa mẹ, người bệnh cần trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh tác động xấu đến sức khỏe mẹ và bé.

3.3. Phẫu thuật
- Khi các phương pháp điều trị bảo tồn như dùng thuốc hoặc vật lý trị liệu không mang lại hiệu quả sau vài tuần và vài tháng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
- Phẫu thuật có thể bao gồm các phương pháp xâm lấn tối thiểu hoặc hợp nhất khớp tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân.
- Hợp nhất khớp thường được chỉ định khi các phương pháp khác không hiệu quả trong việc kiểm soát triệu chứng.
3.4. Kích thích điện
- Phương pháp này sử dụng dòng điện xung với tần số cao để kích thích dây thần kinh và cơ bắp quanh khớp cùng chậu. Các dòng điện như Diadynamic, Trobert, TENS có thể giúp giảm đau, thư giãn cơ bắp và giảm tình trạng co thắt cơ.
- Kích thích điện thường được áp dụng trong các trường hợp đau mạn tính hoặc nghiêm trọng.
3.5. Sóng xung kích
- Phương pháp sóng xung kích (Shockwave therapy) sử dụng năng lượng sóng âm cao tác động vào vùng khớp cùng chậu để kích thích tái tạo xương và mô mềm bị tổn thương.
- Phương pháp này cũng có tác dụng giảm đau và thúc đẩy quá trình phục hồi sau tổn thương.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. Để đạt hiệu quả cao nhất, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và kết hợp với lối sống lành mạnh, khoa học.
4. Cách chữa viêm khớp cùng chậu tại nhà
Điều trị viêm khớp cùng chậu tại nhà đang được nhiều người quan tâm, đặc biệt khi các phương pháp dân gian đơn giản có thể giúp giảm triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị hiệu quả. Dưới đây là một số cách làm phổ biến, được nhiều người áp dụng để cải thiện tình trạng bệnh:
4.1. Sử dụng các bài thuốc dân gian
Các bài thuốc từ nguyên liệu thiên nhiên, dễ tìm và ít tốn kém, thường được sử dụng để giảm đau, chống viêm và là một cách chữa viêm khớp cùng chậu tại nhà được ưa dùng ở Việt Nam. Một số bài thuốc hiệu quả gồm:
4.1.1 Rượu chuối hột
Công dụng: Chuối hột có tính bình, vị ngọt chát, giúp tiêu viêm, giảm đau nhức xương khớp.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị 1kg chuối hột xanh và 3 lít rượu (40 độ).
- Rửa sạch chuối, thái mỏng, phơi khô và sao vàng hạ thổ.
- Tẩm chuối với rượu vừa đủ ẩm, đậy kín trong 20 phút.
- Sau đó, cho chuối vào bình thủy tinh, ngâm cùng phần rượu còn lại, đậy kín nắp.
- Ngâm trong 3 tháng, sau đó uống 30ml mỗi tối trước khi ngủ để giảm đau nhức.
4.1.2 Dùng lá lốt
Công dụng: Lá lốt có chứa alcaloid (piperin và piperidin), có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị một nắm lá lốt và rễ cỏ xước, rửa sạch, phơi khô.
- Đun cả hai nguyên liệu với 500ml nước.
- Uống nước này hằng ngày, kiên trì trong 10-14 ngày sẽ thấy hiệu quả.

4.1.3 Rễ cây trinh nữ
Công dụng: Rễ cây trinh nữ có đặc tính an thần, giảm viêm và giảm đau, rất hiệu quả trong điều trị đau nhức xương khớp và là một cách chữa viêm khớp cùng chậu tại nhà được nhiều người biết đến.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch rễ cây trinh nữ, thái mỏng, phơi khô.
- Tẩm rễ cây với rượu, để kín khoảng 20 phút.
- Sao thơm với lửa nhỏ, sau đó hãm với nước sôi.
- Uống 2 lần mỗi ngày vào sáng và chiều.
Lưu ý khi sử dụng các bài thuốc dân gian như cách chữa viêm khớp cùng chậu tại nhà:
- Các bài thuốc dân gian chỉ nên được coi là phương pháp hỗ trợ, không thay thế hoàn toàn điều trị y khoa.
- Trước khi áp dụng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, người đang dùng thuốc hoặc có bệnh lý nền.
- Kết hợp các biện pháp trên với chế độ sinh hoạt và vận động khoa học để tăng hiệu quả điều trị.
4.2 Các bài tập hỗ trợ điều trị viêm khớp cùng chậu
Bên cạnh việc sử dụng các bài thuốc dân gian, thực hiện các bài tập tại nhà là cách chữa viêm khớp cùng chậu tại nhà, mang lại hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng. Dưới đây là một số bài tập đơn giản mà người bệnh có thể thực hiện:
4.2.1 Bài tập chim bồ câu
Cách thực hiện:
- Ngồi trên thảm, gập gối chân trái và co lại trước người, chân phải duỗi thẳng về phía sau.
- Tay trái vòng ra phía sau eo, giữ lấy hông, tay phải nắm ngón chân phải.
- Từ từ hạ thấp ngực xuống sàn, sau đó nâng người trở lại tư thế ban đầu.
- Thực hiện tương tự với bên còn lại.
4.2.2. Bài tập ngồi xổm
Cách thực hiện:
- Ngồi xổm xuống sàn, hai chân mở rộng ngang vai.
- Chống hai khuỷu tay lên đầu gối, hai lòng bàn tay chắp lại.
- Thở đều, người hơi nghiêng nhẹ về phía trước và giữ nguyên tư thế trong 30 giây.
- Trở lại tư thế ban đầu và lặp lại.
Tác dụng: Tăng cường sức mạnh cơ hông và giảm áp lực lên khớp cùng chậu.
4.2.3. Bài tập con ếch
Cách thực hiện:
- Quỳ trên thảm tập, hai đầu gối chạm sàn và mở rộng đùi sang hai bên.
- Hai tay chống xuống sàn vuông góc, lưng hơi cong xuống, hông và mông đẩy lên cao.
- Giữ tư thế trong 20 giây, sau đó lặp lại.
Lưu ý trong quá trình tập luyện như cách chữa viêm khớp cùng chậu tại nhà:
- Các bài tập nên được thực hiện trên thảm mềm để tránh chấn thương.
- Người bệnh cần thực hiện từ từ, tránh kéo căng quá mức gây đau.
- Nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu trong quá trình tập, cần dừng lại ngay và tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Việc duy trì tập luyện thường xuyên kết hợp với các cách điều trị triệt để bệnh viêm khớp cùng chậu bằng y khoa sẽ giúp người bệnh cải thiện đáng kể triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các cách chữa viêm khớp cùng chậu tại nhà nếu thực hiện đúng cách theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp người bệnh cải thiện triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhìn chung, để biết rõ tình trạng của mình, bạn có thể đến khám tại bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để bác sĩ tư vấn rõ hơn và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi “cách điều trị triệt để bệnh viêm khớp cùng chậu?” tới Vinmec. Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.